Hải quân Nga mua tàu chiến của Trung Quốc: Chuyện ngược đời sắp xảy ra?
Nhằm giải quyết vấn đề này, cần phải có sự giúp đỡ của nước ngoài. Vì nhiều lý do, đối tác hứa hẹn nhất trong vấn đề này là Trung Quốc. Vậy, chính xác là Trung Quốc sẽ giúp cho Hải quân Nga ở những lĩnh vực nào?
Hải quân Nga đã nhiều lần phải dựa vào nước ngoài
Trong quá trình phát triển, hạm đội tàu của Nga đã nhiều lần tìm kiếm sự hỗ trợ từ nước ngoài. Từ việc chuyển đổi từ thuyền buồm sang thuyền chạy bằng động cơ hơi nước, có 3 giai đoạn phát triển như vậy:
- Từ những năm 1860 đến những năm 1910: Khi đó, Hải quân Đế quốc Nga đã mua tàu chiến nguyên chiếc cũng như các công nghệ liên quan.
- Từ năm 1930 đến những năm 1940: Liên Xô khi đó cũng nhập khẩu công nghệ sau đó tự đóng những con tàu mới và nhận tàu của nước ngoài.
- Giai đoạn cuối cùng: bắt đầu từ những năm 2000, Hải quân Nga cũng tìm kiếm các công nghệ từ nước ngoài. Trong thời gian này, các công nghệ từ nước ngoài phần lớn là những loại động cơ diesel cho tàu hộ tống và tàu tên lửa cỡ nhỏ.
Tàu tên lửa cỡ nhỏ thuộc đề án 21631 lớp Buyan-M.
Phía Đức đã từ chối tiếp tục cung cấp các động cơ diesel MTU 16V4000M90 cho các tàu tên lửa cỡ nhỏ thuộc đề án 21631 lớp Buyan-M theo sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea cũng như xung đột ở vùng Donbass, Ukraine.
Điều này đã thúc đẩy Quân đội Nga và ngành công nghiệp quốc phòng nước này hợp tác với Trung Quốc. Thay vì động cơ diesel của Đức đã trang bị cho loạt 5 tàu đầu tiên, những chiếc tiếp theo được lắp động cơ CHD622V20 của Tập đoàn Henan Diesel Engine Industry (Trung Quốc).
Nhưng các động cơ diesel không giải quyết được tất cả các vấn đề. Hiện tại, Hải quân Nga đang gặp phải sự thiếu hụt nghiêm trọng tàu chiến ở từng phân khúc khác nhau. Vào giữa những năm 2000, nhu cầu của hạm đội về số lượng tàu hộ tống/khinh hạm được biên chế cho đến năm 2020 ước tính là 50 chiếc, gồm khoảng 30 tàu hộ tống và 20 khinh hạm.
Kế hoạch này ban đầu được nhìn nhận là khá thực tế - dự định là sau khi đóng xong 6 khinh hạm thuộc đề án 11356 - Hải quân Nga sẽ nhận thêm 3 hoặc là 6 tàu nữa cùng với đó là 8 khinh hạm thế hệ mới thuộc đề án 22350 (trong tương lai con số này còn có thể nhiều hơn).
Ngoài ra, hạm đội nước này còn có 2 khinh hạm thuộc đề án 11540, chiếc đầu tiên mang tên Neustrashimy được đưa vào biên chế vào năm 1994, chiếc thứ 2 được đưa vào biên chế một thời gian dài sau đó.
Khinh hạm đề án 11356 lớp Admiral Grigorovich.
Thật không may là việc thi công cả 2 lớp tàu (đề án 11356 và 22350) đều gặp phải nhiều vấn đề. Ở đề án 11356, nó phụ thuộc chủ yếu vào động cơ do Ukraine chế tạo và việc đưa vào biên chế chiếc khinh hạm đầu tiên thuộc đề án 22350 Admiral Gorshkov đã liên tục bị trì hoãn do một số hệ thống chính chưa sẵn sàng mà chủ yếu là hệ thống phòng không của tàu.
Chi phí đóng các tàu này cũng vượt quá giá trị dự tính ban đầu: dự kiến chi phí của khinh hạm đề án 11356 ban đầu là 13 tỷ Rúp mỗi chiếc nhưng đến nay đã lên đến 20 tỷ Rúp và với đề án 22350, con số này còn nhiều hơn do các thiết bị và vũ khí hiện đại trang bị trên tàu.
Khinh hạm đề án 22350 lớp Admiral Gorshkov.
Hiện tại, cả 2 vấn đề này đã được giải quyết nhưng mới chỉ có 3 khinh hạm hiện đại được trang bị cho Hải quân Nga trong khi theo dự kiến thì con số này phải là 9-10 tàu. Con số 9-10 tàu có thể đạt được vào giữa những năm 2020 nhưng tổng thể thì hạm đội của nước này chỉ nhận được nửa số tàu so với dự kiến là 20 khinh hạm.
Tàu hộ tống đề án 20380.
Việc đóng các tàu hộ tống hoạt động ở vùng biển ven bờ cũng bị trễ. Hiện tại, Hải quân Nga chỉ mới nhận được 5 tàu loại này, với 4 tàu trong biên chế Hạm đội Baltic và 1 tàu thuộc Hạm đội Thái Bình Dương.
Tốc độ đóng tàu chậm không phải chỉ là lý do duy nhất ảnh hưởng đến ngành công nghiệp đóng tàu mà bên cạnh đó còn là chi phí quá cao - 1 chiếc tàu hộ tống thuộc đề án 20380 đã có đơn giá lên đến 17 tỷ Rúp và đơn giá cho 1 tàu hộ tống đề án 20386 thế hệ mới ước tính còn lên đến 30 tỷ Rúp.
Tàu hộ tống đề án 22160.
Sự thiếu hụt các tàu chiến đấu ven bờ đã đưa đến quyết định đóng loạt tàu thuộc đề án 22160 với đơn giá khoảng 6 tỷ Rúp. Nga dự định sẽ biên chế 12 tàu loại này cho đến giữa những năm 2020 và có thể đóng thêm 6-8 chiếc nữa.
Ngoài ra, theo các ước tính lạc quan, tổng số các tàu đã hoàn thành được đặt đóng mới thuộc gia đình tàu hộ tống đề án 2038x cho đến năm 2025, Hải quân Nga sẽ nhận được từ 16-18 tàu hộ tống loại này. Như vậy, số lượng thiếu hụt các tàu hộ tống/khinh hạm sẽ là từ 15-18 chiếc.
Với Trung Quốc thì sao?
Tại Trung Quốc, chỉ trong 1 năm vừa qua, nước này đã đưa vào biên chế 8 tàu hộ tống Type 056 và 2 khinh hạm Type 054A. Các tàu hộ tống Type 056 có giá khá rẻ (ước tính khoảng 12 tỷ Rúp mỗi chiếc), về kích thước và trang bị nó thua kém các tàu hộ tống đề án 20380 của Nga.
Khinh hạm Type 054A thì nằm giữa phân khúc của 2 khinh hạm đề án 11356 và 22350 của Nga trong khi lại có giá rẻ hơn.
Tàu hộ tống Type 056.
Việc so sánh giá và khả năng tác chiến giữa các tàu của Nga và Trung Quốc trong trường hợp này là không hợp lý do nó còn phụ thuộc về nhu cầu trang bị các thiết bị điện tử và vũ khí của mỗi nước.
Khinh hạm Type 054A.
Việc đưa vào biên chế các tàu hộ tống thuộc gia đình đề án 2038x (đặc biệt là các phiên bản tiên tiến) và khinh hạm đề án 22350 được ước tính là cực kỳ đắt tiền và phức tạp, Hải quân Nga hiện đang thiếu hụt các "giải pháp giản đơn" hơn.
Một phần của nỗ lực này là việc chế tạo các tàu thuộc đề án 22160 nhưng lớp tàu này lại không thể hoạt động đa nhiệm và hiện tại không có bất kỳ giải pháp hiện hữu nào nhằm giải quyết vấn đề với các khinh hạm - rất có thể sau năm 2025 Hải quân Nga cũng không thể hoàn thành được kế hoạch đề ra với số lượng các khinh hạm đóng mới.
Không thể phủ nhận là trong trường hợp này, Nga có thể dựa vào sự hỗ trợ từ Trung Quốc bằng việc phát triển một dự án khinh hạm dựa trên mẫu Type 054A sử dụng khung thân tàu và động cơ của Trung Quốc và sau đó lắp đặt thiết bị điện tử và vũ khí của Nga.
Với việc sử dụng các hệ thống vũ khí như: hệ thống phòng không Shtil-1, tên lửa chống hạm Uran, các hệ thống pháo/tên lửa phòng không cũng như các thiết bị liên lạc và radar, dự án như vậy có thể thực hiện trong 1 thời gian tương đối ngắn (do việc tích hợp vũ khí Nga lên các hệ thống của Trung Quốc đã được giải quyết nhiều lần).
QĐ Nga phóng tên lửa Kalibr và Yakhont tấn công lực lượng khủng bố ở Syria
Ly Vy