Haaretz: Nga vội 'đổ vấy' cho Israel trong vụ bắn rơi máy bay Il-20 vì không muốn mất mặt
* Bài viết được đăng tải trên trang Haaetz (Israel), thể hiện quan điểm của tác giả Anshel Pfeffer.
---
Sự "khác lạ" trên bầu trời Địa Trung Hải
Đêm 17/9 vừa qua (theo giờ Moskva), một máy bay trinh sát Il-20 của Nga đã bị bắn hạ trên vùng biển Địa Trung Hải cách bờ biển Syria 35km. Ban đầu, phía Nga cáo buộc Israel gây ra vụ việc, nhưng sau đó đã xác minh được rằng tai nạn máy bay Il-20 là do phòng không Syria bắn nhầm đồng minh trong khi đáp trả loạt không kích của Israel.
Trong một động thái khá hiếm thấy đối với các cơ quan truyền thông, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã thừa nhận tấn công cơ sở vũ khí gần thành phố Latakia của Syria, nhưng phủ nhận trách nhiệm trong vụ máy bay Il-20 của Nga bị bắn rơi.
Trước đó, các quan chức Israel đã thừa nhận tiến hành các vụ không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan tới Iran tại Syria nhằm ngăn chặn nước này tăng cường lực lượng đặc nhiệm Quds tại Syria, và ngăn chặn việc chuyển giao các loại khí tài tân tiến cho lực lượng Hezbollah.
-
Thảm kịch "quân ta bắn trúng quân mình" đã xảy ra với máy bay IL-20 Nga như thế nào?
-
Israel phản pháo Moskva: Quân Syria "vẩy" bừa tên lửa, chẳng màng có máy bay Nga hay không
Tuy nhiên, Israel rất hiếm khi thừa nhận trách nhiệm trong từng vụ tấn công cụ thể. Do đó, có thể nhận thấy vụ không kích đêm 17/9 vừa qua có chút khác lạ so với những vụ không kích trước đó của nước này tại Syria.
Thứ nhất là vụ không kích đêm 17/9 được tiến hành nhằm vào một mục tiêu gần căn cứ chính của Nga tại Syria - căn cứ không quân Khmeimim. Mặc dù đây không phải là điều chưa từng có tiền lệ, nhưng nó cũng rất ít khi xảy ra.
Thứ hai là tuyên bố chính thức của BQP Nga không chỉ buộc tội riêng Israel vì đã tấn công Syria, mà còn nhắc đến việc một tàu chiến của hải quân Pháp gần bờ biển Syria cũng đã tiến hành không kích tên lửa nhằm vào Latakia.
Phía Pháp đã nhanh chóng bác bỏ cáo buộc liên quan đến vụ bắn rơi Il-20, nhưng điểm thú vị là họ không hề phủ nhận đã khai hỏa.
Ngày 21/8, Pháp cùng các đồng minh Anh, Mỹ đã cùng đưa ra cảnh báo đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad rằng các nước này sẽ dùng đến biện pháp quân sự nếu như phát hiện bất kì bằng chứng nào cho thấy chính quyền ông Assad sử dụng vũ khí hóa học trong chiến dịch tấn công thành trì cuối cùng của phe nổi dậy tại Idlib.
Đêm 17/9 vừa qua, trên vùng trời Địa Trung Hải gần Syria chắc chắn không chỉ có Nga, Israel và Pháp. Hệ thống radar dân sự còn phát hiện tín hiệu của tiêm kích thuộc Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh, nhưng sau đó các máy bay này đã bật bộ tách sóng và tạm hoãn lộ trình - có thể là để né trận bão lửa trên vùng trời Latakia.
Tuy nhiên, chiếc Il-20 của Nga lại không được may mắn như vậy.
Sau khi có kết quả điều tra, phía Nga đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố, trong đó bao gồm cáo buộc Israel đã "cố tình tạo ra tình huống nguy hiểm" và cảnh báo phi hành đoàn trên chiếc Il-20 quá muộn, khiến phòng không Syria bắn nhầm đồng minh và gây ra vụ việc đáng tiếc trên.
Toàn cảnh vụ việc máy bay Il-20 của Nga bị bắn rơi đêm 17/9. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Nga đang cố giữ thể diện?
Tuy nhiên, những cáo buộc được Nga đưa ra lại có phần không thành thực.
Kể từ tháng 9/2015, tất cả các cấp trong chính phủ và quân đội Syria đều thực hiện chủ trương tránh xung đột với Kremlin và các lực lượng của Nga hoạt động tại Syria.
Quá trình "giải quyết xung đột" giữa không quân Israel và Nga, bao gồm đường dây nóng giữa trung tâm điều phối của căn cứ Khmeimim và trụ sở Không quân Israel tại Tel Aviv, đã được thiết lập và duy trì trong vòng 3 năm nay và đạt hiệu quả tốt. Hầu hết những hiểu nhầm giữa hai bên đều được nhanh chóng giải quyết một cách riêng tư.
Israel sẽ không mạo hiểm những thỏa thuận đã đạt được với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho phép nước này được hoạt động chống lại các mục tiêu của Iran tại Syria. Các lực lượng của Nga luôn được Israel cảnh báo trước về các cuộc không kích.
-
TT Putin lên tiếng vụ Il-20 bị hạ: Chuỗi tình huống bi kịch, vì Israel không bắn máy bay Nga!
Tuy nhiên có nhiều nguyên nhân khác để lí giải về vụ bắn rơi máy bay Il-20 của Nga.
Lực lượng phòng không-không quân Syria sử dụng các tiêm kích và tên lửa do Nga sản xuất. Máy bay Ilyushin của Nga có thể được trạng bị hệ thống Nhận dạng bạn-thù (IFF), và cả hai bên sẽ có những quy trình để ngăn chặn các sự cố "ta bắn nhầm mình".
Như vậy, trên lý thuyết, tên lửa phòng không của Syria do Nga sản xuất sẽ không thể bắn hạ một chiếc máy bay của Nga.
Có thể vụ việc trên là do lỗi của Israel đã (cố tình) cảnh báo muộn, nhưng cũng có thể là do sai sót của Nga và đồng minh Syria của họ. Tại sao tiêm kích của Anh lại tránh được, còn chiếc Il-20 của Nga thì không?
Hơn nữa, việc Nga nhanh chóng luận tội Israel, trước khi chiến dịch điều tra vụ việc xảy ra đêm thứ 2 vừa qua được tiến hành, cho thấy Nga dường như đang cố gắng tìm cái cớ để giữ thể diện.
Liệu vụ máy bay Il-20 bị bắn rơi là do Israel cảnh báo Nga quá trễ, hay do lỗi kĩ thuật của máy bay Ilyushin hoặc lỗi quy trình ở phía Nga/Syria?
Phía Nga rõ ràng cần một ai đó để đổ lỗi vì không thể trách cứ người đồng minh Syria của họ. Dù lí do là gì đi chăng nữa, thì trong thời gian tới Israel cũng nên kiềm chế hơn và chờ đợi căng thẳng tạm lắng xuống.
Tên lửa tấn công thành phố biển Latakia của Syria
Hồng Anh