Hà Nội tăng cường các giải pháp ngăn chặn nạn mua bán người
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
So với năm 2018, phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm buôn bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự cấu kết chặt chẽ, hình thành các đường dây tội phạm mua bán người liên tỉnh, xuyên quốc gia. Đối tượng đã lợi dụng sự kém hiểu biết, thiếu thông tin của nạn nhân, sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường; người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có nghề nghiệp và mong muốn có việc làm thu nhập cao, một số khác là các cô gái mới lớn do đua đòi, chơi bời để lừa gạt. Đối tượng tội phạm nhằm tới chủ yếu là nữ giới, ở độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi, đa số là người ngoại tỉnh.
Nạn nhân bị mua bán qua biên giới chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là sang Trung Quốc (chiếm trên 75%), phần lớn phụ nữ khi bị bán sang Trung Quốc là để làm vợ hoặc đưa vào các ổ mại dâm; nạn nhân khi đã bị lừa bán thường khó được phát hiện, giải cứu trở về. Hoạt động mua bán người trong nội địa chủ yếu bán vào các ổ mại dâm trá hình. Trong năm 2019, toàn Thành phố Hà Nội đã xảy ra 5 vụ án mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, cơ quan Công an bắt giữ 12 đối tượng, xác định 8 nạn nhân. Trong đó có 5 nạn nhân là trẻ em dưới 16 tuổi. Nạn nhân là người ngoại tỉnh có 5 người, 3 nạn nhân là người Hà Nội.
Nâng cao nhận thức của người dân
Xác định rõ tình hình đó, toàn thành phố đã chú trọng nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống mua bán người. Nhiều địa phương đã tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Phát trên loa truyền thanh, tờ rơi, pano, áp phích... để người dân biết và đề phòng. Đáng chú ý là Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố đã tổ chức 1 hội thi tuyên truyền viên pháp luật về phòng, chống, mua bán người cho 6 quận, huyện với hơn 1.000 cán bộ Hội tham gia để làm nòng cốt tuyên truyền tại cơ sở; tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, phòng, chống mua bán người cho hội viên phụ nữ. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố đã phối hợp với phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Hoài Đức, quận Long Biên... tổ chức 2 buổi tuyên truyền về phòng, chống mua bán người cho hơn 300 người dân tại địa phương. Đồng thời, kết hợp với các địa phương phổ biến, tuyên truyền lồng ghép công tác phòng, chống mua bán người với công tác phòng, chống ma túy, mại dâm.
Ngoài ra, Tổ chức trẻ em Rồng Xanh và Trung tâm Phụ nữ và Phát triển có trụ sở đóng trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ cho 45 nạn nhân bị mua bán trở về (trong đó, có 10 nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam). Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội phối hợp với Tổ chức trẻ em Rồng Xanh tiếp cận 2 nạn nhân nữ là người Hà Nội bị mua bán trở về để giúp đỡ nạn nhân trong việc học nghề, tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống. Hiện, có 1 nạn nhân đã được Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh hỗ trợ và đang tham gia lớp học nghề pha chế; 1 nạn nhân còn lại không có điều kiện để tham gia học nghề được vì có con nhỏ và không có người chăm sóc, đã được địa phương hỗ trợ giải quyết các thủ tục pháp lý như cấp lại giấy khai sinh, hiện đang làm thủ tục chuyển họ mẹ cho các con theo nguyện vọng của nạn nhân.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, một số địa phương cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, sự vào cuộc và phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể chưa cao, thiếu chặt chẽ, mang nặng tính hình thức nên chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia vào công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người tại các địa phương còn hạn chế, chưa thường xuyên, sâu rộng; việc thống kê, rà soát, nắm bắt tình hình phụ nữ, trẻ em bị mất tích, bị mua bán trên địa bàn và số phụ nữ, trẻ em đi làm ăn xa tại một số địa phương chưa kịp thời.
Nạn nhân bị mua bán trở về thường có thái độ tự ty, mặc cảm, ngại tiếp xúc với mọi người, đặc biệt là các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Vì vậy, các cơ quan, ban ngành khó tiếp xúc được với nạn nhân để thu thập thông tin một cách đầy đủ và chính xác cũng như hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân theo quy định. Mức trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân còn thấp, nạn nhân bị mua bán trở về gặp nhiều khó khăn khi hòa nhập cộng đồng, tuy nhiên, không được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu vì không thuộc hộ nghèo. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng chưa thật sự bền vững, mức thu nhập chưa đảm bảo để ổn định cuộc sống...
Tăng cường sự phối hợp trong công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
Những khó khăn này là nguyên nhân khiến công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người trở về còn chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, trong thời gian tới cần tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Đặc biệt là sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự tham gia của các đoàn thể ở cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người tại các địa phương để tạo sự đồng thuận giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; nâng cao nhận biết và phòng ngừa cho người dân địa phương, tập trung ở các địa bàn xa; khu công nghiệp tập trung nhiều lao động nữ.
Các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện, thị xã cũng cần đẩy mạnh rà soát, thống kê số nạn nhân bị mua bán trong nước và từ nước ngoài trở về để kịp thời hỗ trợ theo quy định. Thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân. Tăng cường tổ chức các hội nghị tuyên truyền về phòng, chống mua bán người và công tác hỗ trợ nạn nhân cho cán bộ và người dân tại các xã trên địa bàn Thành phố Hà Nội để nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc phòng ngừa và không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.