Hà Nội phấn đấu phát triển 44 triệu m2 sàn nhà ở trong giai đoạn 2021-2025
Đông Phong 01/12/2021 17:21 | Bất động sản
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định 5019/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, tỷ lệ các loại nhà ở cần đầu tư xây dựng trong các dự án tại các khu vực có khả năng bố trí nhà ở xã hội theo quy hoạch là 90% nhà ở chung cư; 10% là nhà ở riêng lẻ. Tỷ lệ diện tích sàn nhà ở để cho thuê trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải đạt tối thiểu 30% tổng diện tích sàn tại dự án.
![]() |
Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt chỉ tiêu tổng diện tích sàn nhà ở khoảng 44 triệu m2 - Ảnh minh họa. |
UBND TP. Hà Nội cho biết, để thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, thành phố dự kiến nhu cầu vốn là khoảng 437.000 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách khoảng 5.800,8 tỷ đồng đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, phát triển nhà ở xã hội và phục vụ công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Ngoài ra, nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách thành phố khoảng 550,2 tỷ đồng và chi phí thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng vốn ngân sách thành phố khoảng 1,3 tỷ đồng.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đến nay, thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở theo Chương trình phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tính đến tháng 12/2020, diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 26,8 m2/người, vượt sớm mục tiêu đến năm 2020 (26,3 m2/người).
Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn Hà Nội có 348 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đã hoàn thành với 21.558.328 m2 sàn xây dựng nhà ở, 179.399 căn hộ. So với mục tiêu theo kế hoạch được duyệt, thành phố hoàn thành vượt mục tiêu khoảng 1.140.328 m2 sàn, tương đương 9.503 căn hộ. Hiện, vẫn còn 145 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đang triển khai với 23.108.300 m2 sàn xây dựng nhà ở, 164.469 căn hộ.
Theo báo cáo của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, cũng trong giai đoạn này, tổng diện tích nhà ở dân tự xây tại khu vực đô thị được cấp giấy phép xây dựng đạt khoảng 11,24 triệu m2 sàn.
Đáng chú ý, Hà Nội đã tích cực kêu gọi đầu tư phát triển được 83 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với khoảng 6,71 triệu m2 sàn nhà ở; trong đó, có 5 dự án khu nhà ở xã hội tập trung và 78 dự án nhà ở xã hội. Đến nay, 25 dự án đã hoàn thành và 58 dự án đang triển khai.
Về các dự án phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, giai đoạn 2016 - 2020, thành phố cũng hoàn thành vượt mục tiêu 40 dự án với 21.422 căn hộ; trong đó, 19 dự án đã hoàn thành với 4.684 căn hộ; 21 dự án đang triển khai, khi hoàn thành sẽ cung cấp khoảng 13.870 căn hộ.
Để đạt được các chỉ tiêu phát triển nhà ở từ nay đến năm 2025, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát các thủ tục hành chính và cơ chế chính sách trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch kiến trúc, quản lý đất đai, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; tạo điều kiện hộ gia đình, cá nhân xây dựng, cải tạo nhà ở theo quy hoạch và các chủ đầu tư triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Đặc biệt, đẩy nhanh công tác tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch xây dựng cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ; đồng thời, công khai các đồ án về quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn đã được phê duyệt và quy định về quản lý quy hoạch, kiến trúc…
Cùng với việc đề xuất nguồn vốn hợp lý của thành phố để phát triển nhà ở, tranh thủ sự ủng hộ và nguồn vốn của Trung ương, UBND TP. Hà Nội kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư tập trung.



Đáng chú ý
Đảng bộ tại Campuchia dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài viết mới
Kênh KBS: Việt Nam là đối tác quan trọng của Hàn Quốc

Đâu là “đích đến” của dòng tiền đầu tư trong thời kỳ thị trường chọn lọc?

Chuyên đề

Biểu tượng văn hóa của Việt Nam là hoa sen, của Nhật là hoa anh đào. Sự hòa hợp của nhân dân hai nước được ví như hòa hợp của hai loài hoa. Quan hệ hữu nghị của nhân dân sẽ bền vững, thực chất và hiệu quả khi bắt nguồn từ sự đồng cảm, hợp tác về văn hóa.

Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, nhưng hợp tác kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc luôn phát triển mạnh mẽ, thực chất, là điểm sáng và trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác hai nước.