Hà Nội đã ghi nhận 1.700 bệnh nhân sốt xuất huyết
Nhiều quận huyện trên địa bàn TP. Hà Nội ghi nhận số ca mắc cao hơn nhiều so với năm ngoái, như Đống Đa (gần 500 ca, tăng 8,8 lần so với cùng kỳ năm 2016), Hoàng Mai (gần 400 ca, tăng 6,4 lần); các quận, huyện như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín... có số ca mắc sốt xuất huyết tăng từ 3 đến 5 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Từ cuối tháng 5 đến nay, trung bình mỗi ngày có hơn 30 ca sốt xuất huyết nhập viện ở Hà Nội. (Ảnh minh họa)
Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế Hà Nội đã tổ chức giám sát tình hình muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại gần 2.000 điểm, gồm những ổ dịch cũ, ổ dịch mới, nơi có điều kiện vệ sinh môi trường kém. Kết quả giám sát cho thấy, ở 20/30 quận, huyện, thị xã đã có trung gian (vectơ) chính truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi Aedes Aegypti. 23,5% trong số điểm được giám sát có chỉ số vectơ cao, tập trung chủ yếu tại các quận, huyện như Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông, Hoài Đức, Hai Bà Trưng, Thanh Trì, Thường Tín…
Theo đánh giá của ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi, diệt bọ gậy và chống muỗi đốt. Cùng với nguyên nhân khách quan là thời tiết mùa hè khiến bệnh lan rộng, diễn biến bất thường, còn có yếu tố chủ quan là chính quyền địa phương ở nhiều nơi chưa coi trọng công tác phòng, chống dịch và ý thức phòng dịch của người dân chưa cao.
Phương Nguyên (t/h)