Hà Lan cáo buộc Nga, Ukraine cài gián điệp theo dõi sát sao các điều tra viên vụ MH17
Đài phát thanh RTL Nieuws của Hà Lan ngày 26/6 vừa qua đã cáo buộc các cơ quan tình báo của Nga và Ukraine thực hiện hành vi theo dõi các nhà ngoại giao và điều tra viên Hà Lan trong quá trình làm sáng tỏ nguyên nhân máy bay MH17 của Malaysia bị bắn hạ, tờ Kyiv Post (Ukraine) cho biết.
Cụ thể, trong quá trình điều tra sau thảm họa máy bay năm 2014, bọ nghe lén và các phần mềm theo dõi đã được gài vào phòng khách sạn và các thiết bị điện tử cá nhân của các điều tra viên và quan chức Hà Lan. Một nguồn tin cấp cao cho rằng cơ quan tình báo của Ukraine có liên quan đến hoạt động gián điệp trên, RTL cho hay.
"Chúng tôi đâu có 'ngây thơ' đến vậy", Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bình luận về thông tin trên. Ông cũng thừa nhận cuộc điều tra vụ việc MH17 từng bị nhiều cơ quan an ninh và tình báo nhắm đến.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu chính phủ hai nước Hà Lan và Ukraine đã từng thảo luận về vấn đề này hay chưa, ông Rutte đã từ chối đưa ra bình luận.
Các quan chức và điều tra viên Hà Lan đã được cảnh báo về nguy cơ bị theo dõi, RTL cho hay. Họ được chỉ đạo không sử dụng mạng WiFi công cộng, và luôn phải gửi thông tin thông qua các công cụ mã hóa. Các cuộc thảo luận bí mật chỉ được phép tiến hành ở những căn phòng đặc biệt bên trong đại sứ quán Hà Lan tại thủ đô Kiev của Ukraine.
"Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) không tiến hành hoạt động gián điệp [đối với các điều tra viên Hà Lan], hơn nữa, chỉ mới ngày hôm qua thôi, phía Hà Lan vẫn gọi chúng tôi là đối tác", đại diện SBU phát biểu với phóng viên Kyiv Post hôm 28/6 vừa qua.
-
Lãnh đạo châu Âu: Nga phải nhận trách nhiệm vụ máy bay MH17 rơi
Ngoài ra, SBU cũng cho biết họ đã "giúp đỡ" Hà Lan lật tẩy những tay điệp viên và chiêu trò gián điệp trong cuộc điều tra.
Thông tin được RTL công bố khá nhạy cảm trong thời điểm hiện nay, bởi Hà Lan và Ukraine vẫn đang duy trì mối quan hệ thân thiết. Ngoài đại diện của các nước Australia, Bỉ, và Malaysia, cả hai nước đều là thành viên của Đội Điều tra Chung (JIT) trong vụ việc máy bay MH17 bị bắn hạ.
Ngày 24/5 vừa qua, JIT đã công bố kết luận rằng máy bay MH17 của Malaysia bị tên lửa BUK - 9M38 do lữ đoàn phòng không 53 của Nga bắn rơi.
Theo bản tuyên bố RTL nhận được từ các cơ quan về vấn đề nội vụ, an ninh và tình báo của Hà Lan, Ukraine không phải là quốc gia duy nhất gài gián điệp theo dõi cuộc điều tra, mà sự can thiệp của Nga còn sâu rộng và có hệ thống hơn nhiều so với Ukraine.
"Máy bay MH17 bị bắn hạ trong khu vực đang xảy ra xung đột về lợi ích địa chính trị [giữa Nga và Ukraine], nên việc các bên muốn thu thập thông tin tình báo không phải là chuyện lạ", tuyên bố trên cho biết.
Tuy nhiên, theo RTL, tuyên bố trên không đề cập đến việc các thông tin quan trọng trong cuộc điều tra liệu đã bị rò rỉ hay chưa.
Đầu tháng 6/2018, Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok đã đột ngột 'đổi giọng' tuyên bố nước này không loại trừ khả năng Ukraine có liên quan tới vụ bắn hạ máy bay MH17 hồi năm 2014, dù Hà Lan vẫn chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng và thẩm quyền để can thiệp điều tra sâu rộng hơn.
Theo báo cáo năm 2015 của Cơ quan An toàn Hàng không Hà Lan DSB (Dutch Safety Board), Ukraine đáng lẽ đã phải đóng cửa không phận vào thời điểm MH17 bị bắn hạ.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Quốc tế tại St. Petersburg (SPIEF) khai mạc ngày 24/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đặt ra nhiều nghi vấn đối với trách nhiệm của Ukraine trong vụ việc.
Ông Putin cũng luôn nhấn mạnh rằng cơ quan điều tra quốc tế đã bỏ qua chi tiết Ukraine không đóng cửa không phận, một chi tiết Nga cho là có tính chất quyết định đối với vụ tai nạn hàng không thảm khốc này.
JIT cho rằng tên lửa bắn hạ MH17 có nguồn gốc từ lữ đoàn Nga.
Hồng Anh