Giữ hồn chợ nổi
Khơi dậy vai trò trung tâm của người dân
Chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) được tạp chí Rough Guide của Anh bình chọn là một trong mười khu chợ ấn tượng nhất thế giới. Tuy nhiên, những năm gần đây, chợ nổi xuống cấp do vệ sinh môi trường xuống cấp, hoạt động mua bán tẻ nhạt nên khách du lịch đến ngày càng giảm.
Chợ nổi Cái Răng là địa điểm thu hút không chỉ khách du lịch trong nước mà cả khách nước ngoài
Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của người dân trong việc bảo tồn chợ nổi Cái Răng” do Trần Long Vi, sinh viên năm cuối ngành quản trị kinh doanh trường ĐH Cần Thơ viết và đoạt được giải thưởng trong chương trình Người khởi xướng – Phát triển các sáng kiến thanh niên do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) tổ chức và tài trợ. Hiện dự án được iSEE và Viện Kinh tế – Xã hội TP. Cần Thơ tài trợ.
Vi cho biết, ý tưởng dự án hình thành từ những “thất vọng tràn trề” khi làm hướng dẫn viên cho bạn bè nơi khác tới thăm chợ nổi, nơi vốn được xem là bộ mặt du lịch ở TP.Cần Thơ và là điểm thăm quan nổi tiếng cả nước.
“Từ những nhận xét của bạn bè và chính cảm nhận của bản thân, tôi thấy chợ nổi đang ngày càng kém hấp dẫn. Môi trường lại mất vệ sinh, người dân ít quan tâm đến việc giữ gìn, bảo tồn. Trong khi đó, chợ nổi có tồn tại hay không là phụ thuộc hoàn toàn vào cư dân ở đó. Vì thế, người dân cần phải có tiếng nói”, Vi bày tỏ.
Nhóm sinh viên Đại học Cần Thơ mong muốn góp phần giữ hồn chợ nổi qua dự án của mình
Với những suy nghĩ đó, dự án của Vi tập trung vào vai trò của cư dân trên chợ nổi trong việc bảo tồn; tập trung giải quyết các vấn đề dân sinh như nước sạch, vệ sinh môi trường... Những câu chuyện của cư dân chợ nổi được thể hiện bằng hình ảnh sinh động trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của người dân. Vi tập hợp bạn bè thành lập nhóm khoảng 10 sinh viên trường Đại học Cần Thơ – nhóm O cùng tình nguyện bắt tay làm dự án.
Mỗi ngày, các thành viên nhóm lênh đênh trên những con thuyền, lên nhà bè, lắng nghe tâm sự của người dân và hóa thân thành phó nháy ghi lại những câu chuyện được chứng kiến.
Lư Thục Trân, thành viên nhóm cho biết: “Được đi thực tế mới cảm nhận hết điều kiện sống của người dân nơi đây. Bà con làm quần quật hết việc này đến việc khác. Nhiều hộ dân phải sống trong bè nổi đã cũ nát và xuống cấp. Có lần, mình chứng kiến ngôi nhà của cụ bà 90 tuổi cháy rụi do chập điện. Lửa lớn, toàn bộ tài sản biến thành tro”.
Thành viên nhóm O hướng dẫn một em nhỏ cách dùng máy ảnh ghi lại câu chuyện ở xóm nhà nổi
Bên cạnh đó, nhóm hỗ trợ máy ảnh và dạy bà con cách chụp ảnh. Người dân sẽ kể lại câu chuyện của chính mình qua những bức ảnh đầy cảm xúc. Thành viên Trác Mẫn Tiệp kể: “Mình hướng dẫn một bé gái chụp ảnh. Ngày hôm sau, mình hỏi em chụp được gì rồi? Em trả lời, buổi sáng em theo mẹ ra chợ nổi. Em chụp mẹ mua bắp cải và chụp chiếc ghe chở đầy củ sắn. Em nhỏ đã chụp lại khoảnh khắc của những người thân yêu và khung cảnh tuổi thơ gắn liền với sông nước. Đó là niềm vui mà nhóm nhận được khi thực hiện dự án”.
Chung tay bảo tồn
Trần Long Vi chia sẻ: “Người dân ở đây rất thân thiện và vui vẻ. Hiện chợ nổi vẫn còn hàng trăm hộ gia đình định cư. Thông qua dự án, mình mong chính quyền địa phương có cách giúp đỡ họ cải thiện đời sống kinh tế. Từ đó, người dân sẽ bám trụ với chợ nổi. Mình nghĩ, nếu không có hoạt động của người dân thì chợ nổi không còn tồn tại nữa”.
Điều mà nhóm trăn trở hơn cả là làm sao để các em nhỏ được đến trường. Các bạn cho biết, đa phần người dân sống tạm trú, không có hộ khẩu. Việc học hành của trẻ em rất khó khăn. Các em không được đến trường, bố mẹ đi làm trong sự thấp thỏm con mình đuối nước. “Có lần, tôi chơi đùa với cậu bé 5 tuổi, tên Thắng. Cậu bé hiếu động, rất ngoan và lễ phép. Bé muốn ba mẹ mua tập sách để đi học. Tôi hỏi Thắng biết viết tên mình chưa, cậu lắc đầu. Tôi viết chữ Thắng thật đẹp lên tờ giấy tặng cậu, cậu mừng lắm”, thành viên Giang Bích Ngân kể.
Câu chuyện về người dân thương hồ ở Cái Răng được ghi lại đầy chân thực
Cuối tháng 11/2015, tại Cần Thơ, nhóm O tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Lênh đênh” để giới thiệu cuộc sống và con người chợ nổi cho những người quan tâm. Triển lãm trưng bày hơn 30 bức ảnh. Trong đó, một nửa số ảnh do chính người dân chụp bằng máy ảnh từ nhóm O hỗ trợ. Các bức ảnh thể hiện một cách sinh động, chân thực những câu chuyện về tình yêu, gia đình, cuộc sống hàng ngày của người dân sinh sống tại chợ nổi Cái Răng.
Theo Trần Long Vi, sau 5 ngày tổ chức, hơn 200 khách du lịch nước ngoài và trên 600 khách trong nước đến thăm quan triển lãm ảnh. Ngoài ra, nhiều học sinh, sinh viên và đoàn viên thanh niên cũng đến tìm hiểu.
Có nhiều người gắn bó, góp phần giữ gìn chợ nổi suốt bao năm qua
Vi cho biết, việc tổ chức triển lãm và in sách ảnh hy vọng sẽ truyền tải những câu chuyện đến lãnh đạo thành phố, để nhìn nhận vai trò của người dân trong việc bảo tồn. Người dân đóng vai trò trung tâm làm nên chợ nổi, nếu họ còn thì chợ nổi còn. Vì thế công việc bảo tồn tránh những can thiệp thô bạo mà chú trọng vai trò của người dân.
Điển hình về việc này là hoàn cảnh của gia đình đờn ca tài tử Lý Hùng gắn bó với chợ trên 25 năm. Mặc dù điều kiện sống thiếu thốn nhưng ông vẫn bám và làm chợ nổi thêm đặc sắc. Vợ chồng ông có 3 con, quê ở Hậu Giang, mượn tiền mua chiếc ghe cũ, kéo nhau ra chợ nổi bán nước giải khát. Chiếc ghe vừa làm nhà ở vừa để mưu sinh. Hiện nay gia đình khá hơn trước, hàng ngày, vợ ông vẫn đi bán nước giải khát quanh chợ, còn ông ở bè đờn ca phục vụ khách du lịch. Món đờn ca tài tử của ông được xem là “đặc sản” của chợ nổi Cái Răng.
Triển lãm "Lênh đênh" thu hút sự quan tâm của nhiều du khách nước ngoài
Ngoài ra, sách ảnh còn được gửi đến các tổ chức phi chính phủ, đại sứ quán, cơ quan phát triển như World Bank, Cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhằm thúc đẩy sự quan tâm, hợp tác bảo tồn chợ nổi cùng với nhóm và các cơ quan địa phương.
An Vinh