Giới trẻ hưởng ứng sản xuất phim ngắn về an toàn của trẻ em gái nơi công cộng
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Thành phố an toàn và thân thiện với trẻ em gái” do Tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp cùng Vụ Bình đẳng giới – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và cá đối tác khác thực hiện tại Hà Nội từ năm 2014 và ở cấp quốc gia từ năm 2017.
Cuộc thi được phát động từ ngày 18/10 đến hết ngày 24/11 tại một số trường học trên địa bàn Hà Nội: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, Trường THPT Việt Đức... Sau hơn 1 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 58 tác phẩm của tác giả/nhóm tác giả dự thi. Trong đó, năm vị giám khảo đã lựa chọn ra 20 tác phẩm kịch bản phim hay nhất để tham gia vào Vòng Chung kết.
Hai bạn học sinh lớp 12 trường THPT Cầu Giấy trong nhóm Chai Thời Gian, tác giả của phim ngắn “Chuyện của An” đạt giải nhì của cuộc thi phát biểu cảm nghĩ khi làm phim
Sau gần 3 tháng làm việc nghiêm túc, sáng tạo, 20 tác giả/nhóm tác giả đã cho ra đời 20 bộ phim ngắn mô tả những tình huống mất an toàn phổ biến của các em gái khi sử dụng các phương tiện công cộng hoặc sử dụng không gian công cộng. Quan trọng hơn, các tác phẩm đã đề cập đến hậu quả, đồng thời những giải pháp về hành vi cho người chứng kiến, người thân của các em gái khi các tình huống xâm hại tình dục xảy ra. Sự hiểu biết sâu sắc của các tác giả đã được thể hiện trong các tác phẩm dự thi, khi các tình huống xâm hại tình dục thường được diễn ra sau một tiến trình làm quen, xây dựng mối quan hệ từ kẻ xâm hại, hoặc kẻ quấy rối tình dục thường là người lạ hoặc người quen biết. Các tác phẩm đã mang được những thông điệp, kiến thức đến với khán giả về thực trạng và cách ứng phó với vấn đề bạo lực giới đối với trẻ em gái tại thành phố nói riêng và tại Việt Nam nói chung.
Cuộc thi đã thu hút được đông đảo của các bạn trẻ tham gia xem và bình chọn cho các bộ phim. Trong khoảng thời gian 2 tuần từ ngày 12-15/2/2018, 20 phim ngắn dự thi đã có 5.923 lượt xem, trong đó phim có lượt xem cao nhất lên đến 2.158 lượt và con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên.
Bà Sharon Maree Kane, Giám đốc Quốc gia của Plan International Việt Nam phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, bà Sharon Maree Kane, Giám đốc Quốc gia của Plan International Việt Nam chia sẻ: “Các nhà làm phim trẻ có mặt tại đây hôm nay, các bạn là một phần không thể thiếu được trong một chiến dịch toàn cầu của tổ chức Plan, thúc đẩy bình đẳng giới và quyền của các em gái được thực thi. Bằng 20 bộ phim ngắn được lựa chọn vào vòng chung kết, các bạn trẻ đã có cơ hội lên tiếng để thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn ngừa các hành vi bạo lực giới, đặc biệt với em gái tại nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng. Tất cả các bạn đã truyền cảm hứng cho tôi và cho tất cả mọi người ở đây. Các bạn đã cho chúng tôi thấy rằng chúng ta đang đi đúng hướng, hướng tới xây dựng một thành phố an toàn hơn cho tất cả phụ nữ, trẻ em gái và cho tất cả mọi người.”
Đánh giá về chất lượng các tác phẩm tham gia dự thi lần này, bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Sức khỏe cộng đồng Ánh sáng LIGHT, thành viên Ban giám khảo cuộc thi cho biết, các tác phẩm dự thi đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của các bạn trẻ khi đề cập tới vấn đề xâm hại, quấy rối tình dục trẻ em gái. Vấn đề về quấy rối, xâm hại trẻ em gái đang tồn tại ở các nơi công cộng, trong nhà trường, trên môi trường mạng được thể hiện khá rõ, chân thực trong các tác phẩm dự thi. Các tình huống được các em đưa ra trong phim cũng rất đa dạng, phản ảnh nhiều góc nhìn khác nhau của các bạn trẻ về vấn về xâm hại, quấy rối trẻ em gái.
Ban Giám khảo giao giải cho các tác giả/nhóm tác giả đoạt giải
Tại buổi lễ, 10 giải Khuyến khích trị giá 3 triệu đồng/giải, 3 giải Ba 5 triệu đồng/giải, và 3 giải Nhì cũng là 3 giải cao nhất của cuộc thi năm nay, trị giá 10 triệu đồng/giải đã được trao cho các tác giả/nhóm tác giả được Ban giám khảo và khán giả bình chọn.
Những phim ngắn sẽ được sử dụng vào mục đích truyền thông phi lợi nhuận trên các mạng xã hội và các kênh truyền thông để tăng sức ảnh hưởng và sự quan tâm của nhiều đối tượng khác nhau, hướng đến một thành phố an toàn, không có nguy cơ bạo lực giới đối với em gái.
Các tác phẩm dự thi được đăng tải trên chuyên mục “An toàn của trẻ em gái” được tạo riêng trên mạng xã hội http://www.unews.vn.
Minh Phương