Giảm giá xăng dầu: Có nên giảm thuế tiêu thụ đặc biệt?
Có nên giảm giá tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu (Ảnh minh họa) |
Hiện nay, do ảnh hưởng từ giá xăng dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao. Trong kỳ điều chỉnh gần nhất (21/06), giá xăng dầu trong nước đã tăng sát ngưỡng 33.000 đồng/lít. Bộ Tài chính đã có những kiến nghị nhằm hạ nhiệt giá xăng dầu. Trong đó, Bộ Tài chính đã có kiến nghị giảm thêm 1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đến hết 2022.
Tuy nhiên, với tình hình giá cả xăng dầu thế giới vẫn ở mức cao và khó có thể giảm sâu khiến giá xăng dầu trong nước thời gian tới có thể tiếp tục tăng cao. Vì vậy, việc giảm thêm 1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường cũng không giúp giá xăng dầu giảm một cách đáng kể.
Do đó, ngoài thuế môi trường, đã có nhiều kiến nghị về việc xem xét thêm giảm một số loại thuế khác đối với xăng dầu, trong đó có việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.
Về vấn đề này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.
Tuy nhiên, mới đây Bộ Tài chính đã nêu ra lý do không giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Theo quy định, thuế tiêu thụ đặc biệt đang áp dụng đối với xăng là 10%, xăng E5 RON 92 là 8% và xăng E10 là 7%.
Bộ này cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ mà nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khỏe như: thuốc lá, rượu, bia...; ảnh hưởng đến môi trường và cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hóa thạch); hoặc hàng hóa, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền, chơi golf).
Theo Bộ Tài chính, xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần phải sử dụng tiết kiệm nên theo thông lệ quốc tế luôn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Giá xăng dầu liên tục leo thang đã gây ảnh hưởng đến mọi ngành nghề, hiệu quả sản xuất cũng như chi tiêu của người dân. Vì vậy, cần phải có những giải pháp để bình ổn giá xăng dầu.
Trên thực tế, xăng dầu đang chịu các sắc thuế như: Thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, Bộ Tài chính có thể xem xét việc giảm thuế nhập khẩu, điều chỉnh các mức thuế đối với xăng dầu giúp hạ nhiệt giá xăng dầu, cũng như kết hợp cùng các giải pháp tìm kiếm nguồn cùng dồi dào và giá rẻ như Bộ trưởng Bộ Tài Chính đã đưa ra.