Giải pháp nào để hạn chế nhập khẩu năng lượng?
Đó là phát biểu của ông Nguyễn Văn Vy, thuộc Hiệp hội năng lượng Việt Nam tại Hội thảo về phát triển thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo, diễn ra hôm 5/10 tại Hà Nội. Trước đó, từ năm 2015, Việt Nam đã chính thức chuyển từ quốc gia xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu năng lượng với tổng số 3% nhu cầu năng lượng sơ cấp phải nhập. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên mức 24% vào năm 2030.
Nguồn năng lượng tái tạo sơ cấp là thủy điện hiện đã phát triển đến ngưỡng, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng. Hầu hết các dòng sông, suối đều đã được nghiên cứu quy hoạch với 824 dự án thủy điện, đạt tổng công suất 24.779 MW, tương đương 95,3% mục tiêu đến năm 2030 là 27.800 MW. Trong số đó, đã vận hành khai thác 17.987 MW; đang thi công xây dựng 165 dự án có tổng công suất 3.348 MW, bằng 13,51% tổng công suất quy hoạch.
Dự án điện gió Phú Lạc
Trong bối cảnh thủy điện đã phát triển đến ngưỡng, không khuyến khích các dự án nhiệt điện ô nhiễm môi trường và các dự án năng lượng có nguy cơ cao hoặc suất đầu tư lớn, cần tập trung phát triển năng lượng tái tạo một cách lâu dài và bền vững.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có xét đến 2030, khẳng định ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Theo đó, mục tiêu là tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (không bao gồm nguồn thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng) khoảng 7% vào năm 2020 và trên 10% vào năm 2030. Tập trung khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo dựa vào các cơ chế giá hỗ trợ cho các dự án sử dụng năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt; chính sách hỗ trợ về đầu tư, thuế.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, vẫn còn rất nhiều thách thức. Ví dụ như đối với điện gió, công suất lắp đặt hiện mới chỉ đạt 180 MW so với mục tiêu 800 MW đến năm 2020. Đối với năng lượng mặt trời, mục tiêu đến năm 2020 là 850 MW nhưng hiện không đáng kể.
Tỷ trọng năng lượng mặt trời trong thị trường điện hiện không đáng kể
Theo Hiệp hội năng lượng Việt Nam, các hỗ trợ về giá chưa tạo ra động lực thúc đẩy thực sự cho các nguồn năng lượng tái tạo khác nhau phát triển. Vì thế, năng lượng tái tạo sẽ không thể cạnh tranh bình đẳng với nguồn điện thông thường, cho đến khi các chính sách mới được áp dụng để đưa vào các chi phí của các nguồn nhiên liệu hóa thạch theo cơ chế thị trường.
Ngoài ra, còn có nhiều bất lợi khác đối với năng lượng tái tạo: công nghệ cung cấp điện từ năng lượng hóa thạch không quy định phải trả các chi phí về môi trường và xã hội; chi phí tài chính quá cao, quy mô nhỏ khiến sức ảnh hưởng của các dự án năng lượng tái tạo trên thị trường điện là rất thấp.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất: để giảm thiểu tỷ lệ nhập khẩu điện năng đang gia tăng tại Việt Nam, cần phải xây dựng một cơ chế ổn định, lâu dài cho năng lượng tái tạo phát triển. Trong đó, phải bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và ban hành giá phát thải khí CO2 trên cơ sở việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho mục đích năng lượng phải trả phí phát thải.
Mặt khác, các dự án năng lượng tái tạo cần được phê duyệt và triển khai một cách đồng bộ trên cả nước, thay vì từng dự án nhỏ lẻ khiến cho bức tranh phát triển loại năng lượng này vẫn manh mún như hiện nay.
Nguy cơ phụ thuộc năng lượng nhập khẩu
Viễn cảnh Việt Nam phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu đã ở trước mắt. Đơn cử như cán cân xuất nhập khẩu than đang nghiêng dần về nhập khẩu: sản lượng 8 tháng đầu năm 2017 lên tới gần 10 triệu tấn, trị giá 934 triệu USD, lớn hơn cả năm 2016.
Bà Aisma Vitina, cố vấn kỹ thuật Cơ quan Năng lượng Đan Mạch từng cảnh báo: “Với quy hoạch khai thác than đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, than còn có thể khai thác được trong 70 năm, nhưng không đáp ứng được nhu cầu. Tài nguyên khí đốt, dầu mỏ tương tự cũng giảm dần và cạn kiệt trong 60 năm tới”.
Hồng Anh