Giặc lái F-4 Mỹ sừng sỏ bị bắt sống đã khai thông tin mật gì cho bộ đội tên lửa VN?
LTS: Trong chiến dịch Linebacker-2 tháng 12/1972, Không quân Mỹ đã thực hiện cuộc ném bom bằng máy bay chiến lược B-52 tàn bạo nhất trong lịch sử vào Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng không có tội ác nào mà không bị trừng phạt!
Các chiến sỹ QĐNDVN, trong đó chủ công là bộ đội PK-KQ quả cảm đã vượt muôn trùng gian khó và hy sinh để làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" lịch sử, chấn động địa cầu, buộc Không quân Mỹ hùng mạnh phải khuất phục.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài viết của nhiều tác giả nhằm ôn lại những kỷ niệm hào hùng trong 12 ngày đêm khốc liệt đó.
Trong số này, mời quý độc giả đọc về lời khai của một giặc lái tiêm kích F-4 Mỹ bị bắt sống qua hồi ức của Đại tá Chu Thái, nguyên cán bộ tham mưu Quân chủng.
-----
PHI CÔNG F-4 MỸ SỪNG SỎ BỊ BẮT SỐNG ĐÃ KHAI THÔNG TIN MẬT GÌ GIÚP TÊN LỬA VIỆT NAM ĐÁNH THẮNG?
Bộ đội Tên lửa gặp khó
Đầu năm 1972, ta mở cuộc tiến công chiến lược trên khắp chiến trường miền Nam Việt Nam. Trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của lực lượng Việt Nam Cộng hòa, đế quốc Mỹ buộc phải Mỹ hóa trở lại cuộc chiến tranh bằng lực lượng không - hải quân hiện đại.
Chúng tập trung lực lượng không quân, hải quân và cả B-52 đánh tập trung ổ ạt vào các chân hàng, kho tàng, đầu mối giao thông quan trọng của ta từ Vĩnh Linh, Quảng Bình đến Bến Thủy - Nghệ An, Hàm Rồng - Thanh Hóa, nhằm hạn chế cuộc tiến công của ta.
Khác với chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ dùng sức mạnh không quân và cả B-52 hành động nhanh chóng và quyết liệt mà không leo thang từng bước.
Không quân địch phát huy triệt để các vũ khí, khí tài trang bị vừa mới cải tiến, đặc biệt là chiến tranh điện tử để nâng cao hiệu quả đánh phá và hạn chế thiệt hại của chúng.
Quân và dân miền Bắc đã đánh trả kiên cường, bắn rơi một số máy bay địch nhưng chủ yếu là do pháo phòng không và không quân ta bắn rơi. Còn các đơn vị tên lửa phòng không, lực lượng rất quan trọng trong chống chiến tranh phá hoại thì hầu hết đều lúng túng trước những thủ đoạn nhiễu điện tử của địch.
Từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5 năm 1972, bộ đội tên lửa phòng không đã đánh tới 200 lần cấp tiểu đoàn, tiêu thụ hàng trăm quả đạn mà chỉ bắn rơi 30 chiếc, chưa có chiếc nào rơi tại chỗ. Hầu hết tên lửa phóng lên đạn đều vượt qua mục tiêu, tự hủy, hiệu suất chiến đấu giảm sút rõ rệt.
Bộ đội tên lửa sẵn sàng chiến đấu.
Đặc biệt đêm và ngày 16 tháng 4 năm 1972, Mỹ đã sử dụng tới 270 lần/chiếc máy bay các loại, trong đó có 9 B-52 ném bom rải thảm vào thành phố Hải Phòng. Bộ đội tên lửa phòng không Hải Phòng đã phát huy hỏa lực đánh trả địch quyết liệt, phóng tới 93 quả đạn tên lửa nhưng không có chiếc nào rơi tại chỗ.
Có đơn vi còn bị địch đánh trả, gây thương vong về người và hỏng hóc nặng về khí tài, trước thủ đoạn gây nhiễu của địch.
Cùng ngày 16-4, từ 9 giờ đến 10 giờ, không quân Mỹ còn sử dụng 60 lần/chiếc máy bay không quân chiến thuật, bay ở độ cao trên 7km gây nhiễu điện tử rất nặng. Bộ đội rađa báo là B-52 vào đánh Hà Nội, Trung đoàn tên lửa 261, 257 đã phóng tới 36 quả đạn, nhưng đạn đều vượt qua mục tiêu, tự hủy.
Cán bộ Bộ Tham mưu đã trực tiếp xuống các tiểu đoàn tên lửa chiến đấu tìm hiểu tình hình, leo lên các đồi cao xung quanh Hà Nội để theo dõi quỹ đạo đạn và kết quả xạ kích, nhận thấy đạn đều vượt qua mục tiêu rồi tự hủy.
Sau nhiều trận đánh không rơi, đạn tự hủy nhiều, một số cán bộ chiến sĩ bộ đội tên lửa đã có những biểu hiện lo ngại, thiếu tin tưởng, nhất là cán bộ mới còn rất trẻ, thiếu kinh nghiệm chiến đấu thực tế. Lại còn những biểu hiện nghi ngờ về số đạn tên lửa Liên Xô giúp ta mới được nhập vào Việt Nam có gì nhầm lẫn không?
Bộ tư lệnh Quân chủng đã nêu ra một số biện pháp cấp bách: Phát động toàn Quân chủng tập trung nghiên cứu những thủ đoạn mới về nhiễu điện tử của địch, tìm ra các biện pháp khắc phục, kiên quyết đánh bại mọi thủ đoạn của chúng.
Đi đôi với việc xây dựng ý chí quyết tâm, Bộ Tham mưu Quân chủng đã cử nhiều cán bộ giỏi xuống giúp các đơn vị chiến đấu, đế rèn luyện nâng cao trình độ thao tác cho các kíp chiến đấu đánh địch trong điều kiện nhiễu điện tử phức tạp nhất.
Về mặt kỹ thuật cần được kiểm tra chặt chẽ, rà soát lại toàn bộ tần số đồng bộ làm việc giữa đài và đạn tên lửa. Sự ảnh hưởng tác động về nhiễu giữa trận địa nọ với trận địa kia trong cùng một khu vực. Hệ số làm việc về cánh sóng ngòi nổ vô tuyến của từng quả đạn.
Cuối cùng ta đề nghị chuyên gia Liên Xô giúp ta lắp ráp thêm bộ phận kính ngắm quang học TZK (ΠA-00) đặt trên nóc xe thu phát (ΠA-00) để khi địch gây nhiễu điện tử nặng, phức tạp, ta sẽ sử dụng kính ngắm quang học để đánh.
Một số giặc lái B-52 Mỹ bị bắt sống tháng 12/1972.
Thông tin mật từ phi công F-4 Mỹ
Mọi công việc đang được triển khai rất khẩn trương thì Phòng Khoa học quân sự, Phòng Tên lửa và một số phòng của Cục Kỹ thuật nhận được bản tin của Phòng Quân báo thông báo:
Giữa tháng 5 năm 1972, không quân địch vào đánh các mục tiêu ở Tây Nam Hà Nội, Trung đoàn pháo phòng không 233 bảo vệ khu công nghiệp Cao - Xà - Lá đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F-4. Tên thiếu tá giặc lái đã bị bắt sống ở khu vực Kim Giang.
Với câu hỏi của ta được đặt ra, hắn đã khai về trang thiết bị nhiễu điện tử và đội hình bay đối với phi đội của chúng. Hắn khai: "Trước những năm 1972, mỗi phi đội 4 chiếc máy bay của chung tôi chỉ được trang bị một máy gây nhiễu QRC-160 cho chiếc đi đầu, bay ở giữa, để che giấu đội hình của cả tốp 4 chiếc. Vì vậy chúng tôi phải bay với gián cách hẹp, chiếc nọ chỉ cách chiếc kia 80m đến 120m".
Từ thông tin này, ta nhận định, trắc thủ tên lửa của ta chỉ cần bám sát giữa dải nhiễu thì đạn tên lửa bay giữa hai máy bay có gián cách từ 40m đến 60m, đủ khả năng cho cánh sóng ngòi nổ vô tuyến của đạn làm việc (giới hạn cánh sóng ngòi nổ vô tuyến của đạn làm việc < 80m).
Khi cánh sóng ngòi nổ vô tuyến tích đủ 8 xung sẽ kích cho đầu đạn tên lửa nổ, các mảnh đạn văng ra như hình chóp nón, chụp lấy máy bay để phá hủy, nên có khi một quả đạn bắn rơi 2 chiếc máy bay địch là có cơ sở khoa học.
Tên phi công này còn khai: "Đến đầu năm 1972, chúng tôi đều được trang bị các loại máy bay gây nhiễu ALQ-87 hoặc ALQ-101 có cường độ và công suất gây nhiễu lớn hơn QRC-160. Mỗi máy bay chúng tôi đều được trang bị từ một đến hai chiếc loại này. Đội hình bay của chúng tôi đã được mở rộng, gián cách bay giữa chiếc nọ cách chiếc kia nới rộng tới 300 - 600m".
Đây là nguyên nhân mà hàng trăm đạn tên lửa đã phóng lên trong hơn tháng trước đó đều vượt qua mục tiêu và tự hủy.
Nếu trắc thủ tên lửa ta cứ bám sát giữa dải nhiễu như năm 1967, 1968 thì gián cách giữa đạn và máy bay địch đã có khoảng cách từ 150 - 300m, vượt quá khả năng cánh sóng ngòi nổ vô tuyến của đạn làm việc (vì chỉ trong giới hạn 80m trở vào) nên không kích đạn tên lửa nổ, mà đạn sẽ vượt qua mục tiêu, tự hủy.
Đây là bài học đắt giá phải trả, vì ta đã dừng lại và dùng cách đánh cũ, kinh nghiệm cũ từ năm 1967 - 1968 nên đã không bắn rơi tại chỗ máy bay địch.
Cũng qua lời khai của giặc lái kết hợp với kính quang học lắp trên xe thu phát (ΠA-00), ta nhận thấy nếu trắc thủ quang học TZK ngắm vào chiếc thứ nhất trong tốp kể từ trái sang phải ở cự ly 30 - 40km thì trắc thủ tên lửa trong xe điều khiển sẽ phải căn vào 1/5 dải nhiễu, chiếc thứ hai là 2/5, chiếc thứ ba là 3/5 và chiếc thứ tư là 4/5 của dải nhiễu.
Từ đó kết hợp giữa kíp chiến đấu trong xe điều khiển với kíp trắc thủ TZK trên xe thu phát đã bám sát chính xác vào từng chiếc máy bay địch để diệt chúng. Các trận chiến đấu của ta lại giành thắng lợi giòn giã, liên tục bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay địch.
Xác máy bay Mỹ bị bắn rơi tại chỗ.
Nếu chỉ đơn thuần dùng ΠA-00 để đánh thôi thì không đánh được vì máy bị dao động nhiều, không ổn định, đạn không được điều khiển.
Bài học này đã cho chúng ta nhiều kinh nghiệm về công tác nghiên cứu địch. Ngày nay khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão, đòi hỏi công tác nghiên cứu phải nắm địch thường xuyên, liên tục vững chắc bằng nhiều nguồn tin tức khác nhau, kể cả tài liệu tham khảo của tù binh địch.
(Trích hồi ức của Đại tá Chu Thái, nguyên cán bộ tham mưu Quân chủng trong cuốn Bộ tham mưu PK-KQ trong chiến tranh, NXB QĐND, 2008).
PV - Tổng hợp từ cuốn Bộ tham mưu PK-KQ trong chiến tranh