Giá hàng hóa, dịch vụ trong tháng 5 có thể tăng nhẹ do thời tiết
Cụ thể, trong tháng 5, nhu cầu đối với một số hàng hóa, dịch vụ như đồ uống, may mặc, giầy dép, thiết bị đồ dùng gia đình, điện, nước, dịch vụ du lịch, dịch vụ giao thông... dự kiến tăng sẽ gây sức ép tăng giá. Bên cạnh đó, các động theo độ trễ của việc điều chỉnh giá xăng dầu trong kỳ điều hành trung tuần tháng 4/2017 cũng làm tăng giá.
Giá hàng hóa trong tháng 5 có thể tăng nhẹ. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, theo dự báo của Cục Quản lý giá, bên cạnh những yếu tố khiến giá tiêu dùng tăng thì đầu tháng tháng 5, giá xăng dầu giảm cùng với giá lương thực do các địa phương vào vụ thu hoạch lúa, giá thịt lợn giảm mạnh vì tình hình xuất khẩu khó khăn đã tác động giảm giá cả thị trường.
Về tình hình giá lương thực, trong tháng 4 giá thóc tại miền Nam có xu hướng giảm; trong tháng 5 nguồn cung gạo vẫn tiếp tục được bổ sung bởi vụ Đông Xuân nên giá cả trong nước có xu hướng giảm. Trên thế giới giá thóc, gạo trong thời gian tới ổn định hoặc giảm nhẹ.
Đối với mặt hàng vật liệu xây dựng được dự báo giá cơ bản ổn định. Giá gas và xăng dầu trên thị trường thế giới có xu hướng giảm do nguồn cung ổn định, nhưng trong nước vẫn khó dự đoán.
Tiếp đà giảm giá trước đó, dự báo nhóm mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng giảm do nguồn cung dồi dào. Giá rau, củ, quả giảm do thời tiết thuận lợi, các mặt hàng tươi sống khác giá cả ổn định.
Việc quản lý đang được Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành, địa phương tăng cường điều chỉnh, bình ổn để giá cả thị trường không có biến động đột ngột.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý I/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời chỉ đạo các phương án điều hành giá các mặt hàng thiết yếu từ nay đến cuối năm, nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2017 ở mức 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Minh Duy