Giá điện tăng mạnh sẽ kéo theo lạm phát tăng cao
Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG), trong năm 2017, lạm phát đã giảm so với năm 2016 do giá dịch vụ y tế và giáo dục tăng chậm hơn, trong khi giá thực phẩm giảm.
Như vậy, lạm phát năm 2018 sẽ chịu áp lực chủ yếu từ việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ công (y tế, giáo dục) và giá thực phẩm.
Giá dịch vụ công năm 2018 tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá giai đoạn 2016 – 2020 nên được dự báo đóng góp vào lạm phát tổng thể tương đương năm 2017, khoảng 2 – 2,5 điểm %.
Trong khi đó, giá thực phẩm 2017 giảm chủ yếu vì sự sụt giảm của giá thịt lợn (do dư cung) nên nhiều khả năng năm 2018 giá thực phẩm sẽ phục hồi khi nguồn cung thịt lợn giảm do ngành chăn nuôi có những điều chỉnh, đồng thời chịu tác động không nhỏ từ lạm phát 2018.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, giá hàng hóa thế giới sẽ không gây nhiều áp lực lên lạm phát 2018 do dự báo ít biến động so với năm 2017 và giá dầu bình quân dự báo chỉ tăng nhẹ khoảng 6% so với năm vừa qua.
Mặt khác, dù Mỹ dự kiến tiếp tục tăng lãi suất, song dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục ổn định như năm 2017, vì vậy tác động của yếu tố tỷ giá đến lạm phát cũng sẽ không quá lớn.
Cùng với đó, phân tích tác động trễ của yếu tố tiền tệ đến lạm phát từ năm 2017 sang năm 2018, Ủy ban này cho rằng tác động là không lớn. Nguyên nhân là hệ số thâm dụng tín dụng trong năm 2017 ước đạt 2,04 lần, giảm so với năm 2016 (2,81 lần); tốc độ vòng quay tiền tệ đang có xu hướng giảm trong những năm gần đâ
Vì vậy, theo UBGSTCQG, nếu không có yếu tố đột biến, lạm phát năm 2018 dự báo duy trì ở mức tương đương năm trước (dưới 4%).
Tuy nhiên, UBGSTCQG nhấn mạnh lạm phát năm 2018 có thể tăng cao hơn nếu giá điện tăng mạnh. Ước tính, nếu giá điện tăng 8 – 10% sẽ góp phần làm lạm phát tăng 0,1 – 0,15 %.
Đợt tăng giá điện gần đây nhất là từ ngày 1/12/2017. Theo đó, giá bán điện tăng lên 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tương ứng tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh).
Minh Anh (t/h)