Gần 900 vũ công Việt Nam - Nhật Bản biểu diễn vũ điệu Yosakoi truyền thống
Ngày 13/4 tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông (Hà Nội) đã diễn ra Lễ Khai mạc Liên hoan Yosakoi Việt Nam lần thứ II và Lễ hội Văn hoá Việt - Nhật 2024. Tại đây, 24 đội Yosakoi với gần 900 vũ công đã tham gia biểu diễn nhằm mang vũ điệu truyền thống và rực rỡ sắc màu của Nhật Bản đến gần hơn với công chúng Việt Nam. ----------------------------------- |
Sự kiện diễn ra trong 2 ngày 13-14/4, do Hội Giao lưu Văn hoá Việt Nam - Nhật Bản chủ trì, phối hợp cùng Trung tâm tiếng Nhật Núi Trúc - Sugi Ryotaro, Viện Nghiên cứu phát triển Văn hoá, Ngôn ngữ và Giáo dục cùng một số cơ quan, đơn vị khác tổ chức. |
Lễ hội thu hút sự tham gia của 19 đội Yosakoi Việt Nam với tổng số gần 800 vũ công, đại diện cho cả 3 miền Bắc, Trung, Nam từ các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Huế và thành phố Hồ Chí Minh… |
…và 5 đội Yosakoi của Nhật Bản với 70 thành viên đến từ các tỉnh Tokyo, Osaka, Kochi và Yamaguchi. |
Tại đây, nhiều tiết mục nhảy Yosakoi được lần lượt trình diễn như: “Bàn vương xướng - Quá sơn chi ca” kể về sự hình thành của dân tộc Dao của đội Hanuyo; “Lạc Long Tâm” kể về tinh thần đoàn kết của những người con đất Việt của đội Núi Trúc Sakura Yosakoi; “Tosa e” - hướng về đất Tosa, cái nôi của Yosakoi của đội ULIS Yo… (Ảnh: Tiết mục Lạc Long Tâm) |
Bạn Thái Huỳnh Trúc Tâm, thành viên đội nhảy Yosago cho biết, Yosago được thành lập từ năm 2008 tập hợp những người trẻ đam mê Yosakoi tại thành phố Hồ Chí Minh. Đến với Liên hoan Yosakoi Việt Nam năm nay, nhóm đã biểu diễn tiết mục nhảy Yosakoi trên nền nhạc “Sài Gòn đẹp lắm” được phối lại với nhịp điệu sôi động và vui tươi hơn. Các thành viên cũng sử dụng mũ nồi phối cùng trang phục truyền thống của Nhật Bản. |
Theo Trúc Tâm, bài nhảy được biên đạo với mong muốn tạo sự giao thoa giữa văn hóa Việt Nam - Nhật Bản, để những người mới lần đầu tiếp xúc với Yosakoi cũng có thể cảm nhận được sự gần gũi, thân thuộc. Từ đó sẽ có thêm ngày càng nhiều bạn trẻ biết đến, tìm hiểu và yêu mến nét văn hóa truyền thống Yosakoi cũng như đất nước, con người Nhật Bản. |
Khi biểu diễn Yosakoi, các vũ công thường mặc những trang phục phong phú về kiểu dáng và đa dạng về màu sắc. Trong đó loại áo khoác truyền thống happi và áo yukata phối màu rực rỡ là hai thứ thường được sử dụng nhất. Các đội nhảy cũng thường tự thiết kế trang phục dựa trên nội dụng bài nhảy, các sự kiện lịch sử, theo xu thế thời trang thịnh hành hay theo trang phục dân tộc. |
Một trong những đặc điểm nổi bật của nhảy Yosakoi là việc sử dụng naruko. Naruko là một nhạc cụ bằng gỗ, gồm một phiến gỗ chính có gắn các miếng gỗ nhỏ hơn ở trên, khi lắc tạo thành âm thanh lách cách vui tai. Naruko truyền thống có thân màu đỏ, 3 thanh gỗ màu đen và vàng. Ngày nay, hầu hết các nhóm nhảy Yosakoi đều thiết kế naruko cho riêng mình sao cho tương xứng với màu sắc, trang phục mà nhóm lựa chọn. |
Ngoài ra, các nhóm nhảy cũng sẽ sử dụng thêm nhiều đạo cụ khác giúp tiết mục trở nên nổi bật và sinh động hơn như quạt, đèn lồng, cờ… |
Lần đầu tiên được xem trình diễn Yosakoi, bạn Trần Hoàng Long, sinh viên năm 2, ngành Thiết kế thời trang, trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp rất ấn tượng với sự kết hợp hoàn hảo giữa những điệu nhảy mạnh mẽ, phần trang phục, đạo cụ rực rỡ và nền nhạc sôi động. “Đây sẽ là nguồn cảm hứng mới để em thiết kế những trang phục mang nét giao thoa văn hóa Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới”, Hoàng Long nói. |
Theo ông Suzuki Atsuyuki, Tổng Quản lý bộ phận điều hành Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông, lễ hội Yosakoi được bắt nguồn từ tỉnh Kochi (Nhật Bản) từ năm 1954 và được biết đến là một điệu nhảy vui tươi, tràn đầy phấn khởi dành cho tất cả mọi người. Nhờ tinh thần này, điệu nhảy trở nên phổ biến không chỉ ở Nhật Bản mà còn tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. |
Mỗi nơi Yosakoi lan tỏa lại có sự đa dạng, sáng tạo về cả âm nhạc, trang phục, màu sắc và kiểu tóc, nhưng điều không đổi là nụ cười trên môi mỗi người biểu diễn. Đây là cách Yosakoi lan tỏa sự tích cực đến mọi người, xóa nhòa mọi khoảng cách. Ông Suzuki Atsuyuki hy vọng, sự kiện sẽ cho các bạn trẻ tham dự nhiều trải nghiệm phong phú, là cầu nối giữa hai đất nước, đem văn hóa Việt Nam - Nhật Bản đến gần nhau hơn. |
Ông Lê Ngọc Định, Chủ tịch Hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật (VIJACA) cho biết, Liên hoan Yosakoi Việt Nam lần thứ II và Lễ hội Văn hoá Việt - Nhật 2024 được tổ chức nhằm hướng đến kỷ niệm 51 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Nhật Bản. Năm nay lễ hội được tổ chức kéo dài hơn, mở rộng về thành phần cũng như số lượng người tham gia, đặc biệt là có sự tham gia của các vũ công Nhật Bản. |
“VIJACA mong muốn sẽ tiếp tục duy trì, biến Lễ hội Văn hoá Việt - Nhật trở thành lễ hội thường niên của Việt Nam. Đồng thời tìm ra những nét mới mỗi năm để thu hút sự quan tâm, hấp dẫn thêm càng nhiều người tham gia”, ông Lê Ngọc Định nói. |
Đại diện Ban tổ chức trao Kỷ niệm chương cho 24 đội nhảy Yosakoi Việt Nam và Nhật Bản. |
Bên cạnh trình diễn Yosakoi, khi tham gia Lễ hội Văn hoá Việt - Nhật 2024, khán giả có cơ hội được trải nghiệm một số nét văn hoá đặc sắc của hai nước như: trình diễn áo dài Việt Nam; trải nghiệm làm tranh Đông Hồ; trải nghiệm trang phục Nhật Bản Yukata; nghệ thuật gấp giấy Origami; các trò chơi Nhật Bản như cờ tướng Nhật (shogi), cờ vây Nhật, Koma, Kendama… |
Khán giả được hướng dẫn chơi cờ Shogi. |
Trải nghiệm chơi đồ chơi truyền thống Kendama Nhật Bản. |
Thực hiện: Mai Anh Ảnh: Đinh Hòa |