Festival lúa gạo Việt Nam: Cửa ngõ đưa gạo Việt ra thế giới
Ngày 6/11, tại TP Hồ Chí Minh, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Long An và các cơ quan, đơn vị liên quan họp báo, công bố việc tổ chức Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ ba và Lễ công bố logo thương hiệu Gạo Việt Nam.
Hoạt động này do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Long An chủ trì, diễn ra từ ngày 18 đến 24/12, tại TP Tân An (Long An) với chủ đề “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển bền vững” và “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Quang cảnh họp báo về nội dung festival.
Sự kiện là nhịp cầu kết nối các hoạt động giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh Long An nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung đến với cả nước và bạn bè quốc tế; là dịp để các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi với chính quyền, doanh nghiệp của ĐBSCL, nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư và phát triển kinh doanh.
"Cửa ngõ" đưa gạo Việt ra thế giới
Với mục tiêu gắn kết các mắt xích từ trồng trọt tới chế biến, xuất khẩu, hay phân phối nội địa cho mặt hàng lúa gạo, Festival lúa gạo Việt Nam lần 3 sẽ được tổ chức tại tỉnh Long An - một trong những vùng trồng lúa trọng điểm thuộc “cái nôi” lúa gạo ĐBSCL.
Theo các nhà tổ chức, mục tiêu đầu tiên của festival này là tập hợp và gắn kết chặt chẽ, sâu rộng hơn nữa các mắt xích trong chuỗi giá trị với mặt hàng lúa gạo. Không chỉ gói gọn trong 4 nhà “nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp”, năm nay festival còn kêu gọi sự tham gia của các “nhà băng” như những người tài trợ vốn song hành cùng chuỗi giá trị lúa gạo.
“Tuy có truyền thống sản xuất từ lâu đời, nhưng về sự nổi tiếng thì gạo Việt Nam cũng còn thua kém nhiều nước trên thế giới. Vì vậy cần thêm kênh quảng bá để gạo Việt Nam thể hiện được vai trò ngày càng lớn của một loại nông sản quan trọng”, ông Phạm Minh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội nông dân Việt Nam chia sẻ thêm về mục tiêu của festival.
Khu triển lãm chính của festival năm nay sẽ giới thiệu các giống lúa đạt chuẩn xuất khẩu, triển lãm vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, và nhiều giống cây trồng, vật nuôi nói chung của ngành nông nghiệp. Ngoài ra, còn có khu trưng bày cho các làng nghề truyền thống, khu dành cho doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, khu thương mại - hàng tiêu dùng, khu ẩm thực theo vùng miền…
Cũng trong khuôn khổ festival sẽ diễn ra các hội nghị, hội thảo liên quan đến sản xuất và tiêu thụ hàng hóa khu vực ĐBSCL. Trong đó, đáng chú ý là các hội thảo chuyên đề về ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam như: “Thực trạng xâm nhập mặn và khô hạn - giải pháp ứng phó”, “Gạo sạch Việt Nam - khẳng định vị trí, vươn tầm quốc tế”.
Đến tháng 9, xuất khẩu gạo đã đạt 4,73 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Đáng tiếc là dù chỉ còn cách festival hơn 1 tháng nữa, nhưng Ban Tổ chức, với sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng vẫn chưa thể đi tới sự đồng thuận về việc mời một số đối tượng khách quốc tế tham gia (các lãnh sự, tham tán thương mại, các nhà nhập khẩu gạo Việt Nam...), trong khi đây lại là nguồn quảng bá và là nhóm khách hàng “tiềm năng” mà gạo Việt Nam muốn hướng tới.
Đăng ký sở hữu trí tuệ quốc tế cho Thương hiệu gạo Việt Nam
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Chi Cục trưởng Chi Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản vùng 1 tại TPHCM (thuộc Bộ NN&PTNT), thực hiện Đề án Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã cùng lúc triển khai nhiều dự án nhằm định vị giá trị, hình ảnh, sản phẩm, nâng cao nhận biết của nhà sản xuất, nhập khẩu, người tiêu dùng trong và ngoài nước với gạo Việt Nam. Trong đó, hoạt động đáng chú ý là cuộc thi sáng tác biểu trưng logo cho thương hiệu gạo Việt Nam và xây dựng quy chế sử dụng thương hiệu ấy.
Sau nhiều lần thu thập ý kiến góp ý cho dự thảo, Bộ NN&PTNT sẽ công bố cả logo thương hiệu gạo Việt Nam lẫn bộ quy chế tại festival lúa gạo lần này. Trong đó, sẽ có những quy định chi tiết về loại gạo, chất lượng gạo, về công tác quản lý, sử dụng logo - thương hiệu gạo Việt Nam, về tổ chức cấp phép cho doanh nghiệp, cá nhân sử dụng logo - thương hiệu gạo Việt Nam…
Tháng 8 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận Nhãn hiệu gạo Việt Nam. Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cũng đã làm hồ sơ đăng ký Chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam tại Cơ quan Sở hữu trí tuệ quốc tế ở Thụy Sĩ. Hiện Bộ NN&PTNT đang chuẩn bị bổ sung những hồ sơ cuối cùng theo yêu cầu của cơ quan này để gạo Việt Nam chính thức được bảo hộ trên thị trường thế giới.
Trong tương lai xa hơn, Bộ NN&PTNT sẽ có các bộ tiêu chuẩn quốc gia về những chủng loại gạo chủ lực ở Việt Nam như gạo trắng, gạo trắng thơm, gạo nếp trắng.
Năm nay, xuất khẩu gạo Việt Nam được dự báo sẽ thu được kết quả khả quan. Tính tới 15/9, xuất khẩu gạo đã đạt 4,73 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017, đạt kim ngạch 2,38 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu (giá FOB) trung bình đạt 503,3 USD/tấn, cao hơn giá năm ngoái tới 62,4 USD/tấn (tức tăng 14%). Như vậy, hiện bình quân giá gạo Việt Nam bán ra thế giới đã cao hơn các đối thủ lớn là Thái Lan và Ấn Độ.
Đáng chú ý, cơ cấu gạo xuất khẩu đang chuyển dịch theo hướng tích cực. “Gạo xuất khẩu đang tăng dần từ nhóm có chất lượng trung bình thấp sang nhóm có chất lượng trung bình cao, và gạo chất lượng cao”, ông Nguyễn Anh Dũng nhận định.
Thật vậy, thống kê hết 8 tháng năm nay cho thấy, xuất khẩu gạo trắng chất lượng thấp chỉ còn chiếm tỷ trọng vài phần trăm. Trong khi đó, các loại gạo xuất khẩu giá cao tăng mạnh, với gạo trắng chất lượng cao chiếm 42,46%, gạo thơm chiếm 33,24%…
Đ.H (t/h)