F-35I Israel thầm mong có vũ khí tương tự Su-57 để vượt qua được S-300PM Syria?
Những ngày gần đây, tình hình chiến sự Syria tuy có tạm lắng nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Dự đoán sau khi lãnh thổ Israel bị hứng chịu vài vụ tấn công bằng tên lửa thì không quân nước này sẽ có hành động trả đũa nhằm thẳng vào "trạm trung chuyển" vũ khí từ Iran, đó chính là lãnh thổ Syria.
Nếu vậy, rất có khả năng cuộc đối đầu lịch sử giữa tiêm kích tàng hình F-35I Adir của Không quân Israel với tổ hợp phòng không tầm xa S-300PM mà Nga cung cấp cho đồng minh Syria sẽ sớm diễn ra.
Đối đầu với chiến đấu cơ thế hệ 5 của Israel dĩ nhiên sẽ mang lại rất nhiều thách thức cho lực lượng phòng không Syria, khi phương tiện này có diện tích phản xạ radar cực nhỏ lại thực hiện được đường bay lắt léo bám địa hình để xâm nhập trận địa.
Tuy vậy bên cạnh thách thức thì cũng đi kèm cơ hội không hề nhỏ để S-300PM Syria có thể "vít cổ" phương tiện tấn công tối tân nhất hiện nay, thậm chí xác suất để tiêu diệt F-35I còn lớn hơn khi gặp phải tiêm kích thế hệ 4.
Bom lượn đường kính nhỏ GBU-39 SDB II
Như đã biết trong các phi vụ không kích trước đây, tiêm kích Israel chủ yếu sử dụng chiến thuật phi tiếp xúc, tức là chiến đấu cơ của họ sẽ từ cự ly rất xa (trên không phận Lebanon hoặc ngoài khơi Địa Trung Hải) phóng tên lửa hành trình không đối đất vào các mục tiêu cần phá hủy.
Gặp phải hình thức tác chiến này, phòng không Syria gần như chẳng thể làm gì máy bay đối phương bởi vì tầm bắn của tên lửa đánh chặn thua quá xa tên lửa tấn công, lúc đó họ chỉ có thể lo tiêu diệt mục tiêu đang hướng vào mình mà thôi.
Còn đối với F-35I Adir, thật đáng ngạc nhiên khi chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ 5 cực kỳ tối tân lại chưa có vũ khí tương xứng. Khi thực hiện nhiệm vụ đánh đất, nó chỉ có thể ném bom đường kính nhỏ GBU-39 SDB II mà thôi do đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM không vừa với khoang vũ khí.
Dĩ nhiên F-35I có thể treo AGM-158 ở phía ngoài, nhưng nếu như vậy nó lại trở nên "mất giá" trước F-15I Ra'am hay F-16I Sufa. Ngoài ra khi mang bom GBU-39 thì F-35I cũng khó mà bay cao để đạt tới tầm lượn tối ưu vì rất dễ bị radar của S-300PM phát hiện.
Tên lửa hành trình không đối đất tầm xa Kh-59MK2
Trước tình cảnh trên, có lẽ các phi công lái F-35I của Israel đang thầm mong máy bay của mình được trang bị một vũ khí đánh đất lợi hại như Kh-59MK2 của Nga vì đây là tên lửa hành trình tấn công thế hệ mới, được thiết kế với khả năng tán xạ sóng radar rất cao, tạo ra bộ đôi tiêm kích - tên lửa cùng tàng hình vô cùng lợi hại.
Thực chất Kh-59MK2 cũng thuộc dòng đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm tương tự AGM-158 JASSM của Mỹ hay Scalp EG/Storm Shadows do Pháp/Anh sản xuất. Với tên lửa Kh-59MK2, tiêm kích tàng hình Su-57 có thể tung đòn tấn công từ ngoài 300 km, khiến nó không phải bay vào vùng phòng không của kẻ địch như điều mà F-35I sắp phải trải qua.
Có thể thấy mặc dù đi sau nhưng người Nga đã tạo ra được bản sắc riêng cho chiến đấu cơ thế hệ 5 của mình, ít nhất vào thời điểm hiện tại nó rõ ràng đang qua mặt cả F-22 lẫn F-35 về năng lực tấn công mặt đất.
Thử nghiệm bom đường kính nhỏ GBU-39 SDB II
Sao Đỏ