Dược thiện giúp tai tỏ, mắt sáng
Cháo dây tơ hồng: Dây tơ hồng 60g, gạo lứt 100g, đường trắng vừa đủ; đem dây tơ hồng xay nát, cho nước nấu, bỏ bã, lấy nước, thêm gạo vào nấu thành cháo, cháo chín cho đường vào khuấy đều; ăn ngày 2 bữa, sáng và tối. Món cháo nào có tác dụng bổ thận ích tinh, dưỡng gan sáng mắt, thích hợp với chứng mắt mờ, hoa mắt do gan thận suy hư gây ra.
Gạo lứt là nguyên liệu cho nhiều món dược thiện giúp tai tỏ, mắt sáng
Cháo gan lợn trứng gà: Gan lợn 50g, trứng gà 1 quả, gạo lứt 50g, muối, gừng, mì chính vừa đủ; gan lợn thái nhỏ, cho thêm nước, gạo vào nấu chín; khi chín đập trứng vào, thêm muối, gừng, mì chính đun sôi lại là được; ăn khi bụng đói, mỗi ngày hoặc cách ngày 1 lần. Món cháo này có tác dụng bổ gan sáng mắt, thích hợp với người mờ mắt quáng gà.
Cháo gan gà: Gan gà 50g, gạo lứt 100g; hành, gừng, muối tinh 5g; mì chính, bột hồ tiêu mỗi loại 1,5g, dầu vừng 15g, nước 100ml; gan gà rửa sạch, thái miếng nhỏ đợi dùng; cho nước vào nồi đun sôi, cho gạo vào nấu thành cháo, cho tiếp gan gà, hành, gừng, muối, mì chính, bột hồ tiêu, dầu vừng vào nấu thành cháo; mỗi ngày hâm nóng ăn 2 lần vào sáng và tối. Món cháo này giúp bổ gan thận, sáng mắt thích hợp với chứng thị lực giảm do gan thận hư nhược gây ra. Người âm hư hỏa vượng, tính dục mạnh, đại tiện táo đều nên kiêng ăn.
Cháo câu kỷ tử: Câu kỷ tử 30g, gạo lứt 50g, đường đỏ, mật ong lượng vừa đủ; nấu câu kỷ tử lấy nước, dùng nước nấu cháo, khi ăn thêm đường đỏ, mật ong; có thể làm bữa sáng hoặc ăn tối, bốn mùa đều dùng được. Bài thuốc này bổ gan ích thận, dưỡng huyết sáng mắt, thích hợp với người thị lực giảm do gan thận âm hư.
Cháo gạo đen: Gạo đen 200g, vò sạch, nấu thành cháo. Món cháo này bổ thận kiện não, ích gan sáng mắt, bổ âm dưỡng huyết, thích hợp với người đầu choáng, tai ù, thị lực giảm do gan thận hư tổn, tinh huyết bất túc.
Hoài Anh
(Tham khảo Cháo với sức khỏe)