Đừng để lỡ nguồn nội lực từ du lịch
Ông Lương Hoài Nam
PV: Thưa ông, Hội nghị hợp tác phát triển du lịch với chủ đề “Liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh, thành phố phía Bắc (Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Lạng Sơn) với TP. HCM”, dưới góc nhìn của mình ông có nhận định gì về chủ đề mà Hội nghị đưa ra bàn thảo?
Ý tưởng liên kết vùng, địa phương trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam rất có giá trị, đáng để theo đuổi để sớm biến thành những chương trình cụ thể, từ xây dựng sản phẩm, đến tuyên truyền quảng bá du lịch, đặc biệt là ở các thị trường du lịch trọng điểm ngoài nước. Sự đa dạng về tiềm năng, thế mạnh du lịch của các vùng miền, địa phương cho phép không chỉ thu hút đông du khách quốc tế vào Việt Nam, mà còn tạo cơ hội "giữ chân" họ ở Việt Nam lâu hơn, với các chương trình tour xuyên Việt dài đến 2-3 tuần, thay vì chỉ dài vài ba ngày như khi họ đi du lịch Campuchia, Lào, Myanmar... Doanh thu ngành du lịch được tính bằng số lượng du khách nhân với số ngày du lịch nhân với mức chi tiêu bình quân mỗi ngày của mỗi du khách. Vì vậy, chúng ta cần phối hợp, liên kết để "giữ chân" du khách được càng lâu ở Việt Nam thì doanh thu của các doanh nghiệp du lịch và cả Ngành du lịch càng cao.
Nhiều khi tôi thắc mắc, không hiểu tại sao nước ta cứ lao đầu vào một số lĩnh vực công nghiệp mà chẳng hề có thế mạnh cạnh tranh và cơ hội thành công như đóng tàu biển, chế tạo ô tô..., để rồi bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội phát triển nguồn lợi du lịch sẵn có, và còn có thế mạnh rõ rệt, lại vừa với sức của mình.
Cần phải coi du lịch là lĩnh vực kinh tế chiến lược số một của Việt Nam và phát triển một cách đồng bộ, bằng nhiều cụm giải pháp, trong đó đặc biệt quan trọng là chính sách visa, hoạt động quảng bá du lịch, môi trường và chất lượng du lịch. Đơn cử như với Thái Lan, mỗi năm doanh thu của nước này cỡ 60 tỷ USD trực tiếp từ du lịch, nếu tính cả các giá trị gián tiếp phải trên dưới 100 tỷ USD, trong khi chúng ta mới đạt cỡ 1/10 Thái Lan, quá kém!
PV: Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được kỳ vọng đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh góp phần tạo nguồn lực cho phát triển du lịch, hỗ trợ cho DN, thúc đẩy hợp tác công-tư… Ông kỳ vọng điều gì ở việc ra đời Quỹ này?
Tôi là thành viên của Hội đồng tư vấn du lịch giúp việc cho Tổng cục Du lịch và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Vừa rồi chính tôi được Hội đồng giao soạn thảo các nội dung cơ bản về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã báo cáo về vấn đề này với Chính phủ và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các Bộ, ngành và lãnh đạo Chính phủ. Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch sẽ được thành lập và đi vào hoạt động trong năm nay, với quy mô sau 5 năm đạt từ 2.000-2.500 tỷ đồng. Trong giai đoạn đầu, Quỹ sẽ tập trung vào các hoạt động quảng bá du lịch quốc gia, sau đó sẽ mở rộng sang các lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành du lịch; bảo tồn, phát triển các tài nguyên du lịch; tài trợ, hỗ trợ các đề án nghiên cứu - phát triển (R&D) du lịch. Cơ quan quảng bá du lịch Quốc gia cũng sẽ được thành lập.
Dự kiến ngân sách nhà nước sẽ đóng góp 30% cho Quỹ, 70% còn lại sẽ đến từ các nguồn xã hội hoá: phí du lịch do du khách quốc tế đóng theo số đêm lưu trú ở khách sạn, các khoản tài trợ của các tổ chức, cá nhân cho các chương trình phát triển du lịch,... Rõ ràng là, so với các nước trong khu vực, chúng ta làm những việc này quá muộn, nhưng dù sao muộn còn hơn là không bao giờ làm. Tôi đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, các doanh nghiệp du lịch và người dân ủng hộ mạnh mẽ để Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, cùng với nó là Cơ quan quảng bá du lịch Quốc gia, sớm được kiện toàn và đi vào hoạt động.
PV: Là người điều hành doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong đó có mảng du lịch hạng sang với dịch vụ thủy phi cơ lần đầu tiên được cung cấp tại Việt Nam, ông nhận thấy cơ chế, chính sách và công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp có thuận lợi hay còn điểm gì bất cập?
Du lịch ngắm cảnh bằng thuỷ phi cơ của Hàng không Hải Âu mặc dù còn chưa được tròn một năm tuổi, nhưng đã rất nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Các báo chí, tạp chí lớn như New York Times, Forbes của Mỹ, The Telegraph của Anh đều đã đưa dịch vụ của chúng tôi vào khuyến cáo du lịch năm 2015 cho bạn đọc của họ. Mới đây, đài truyền hình ABC News của Mỹ cũng đã quay cảnh đẹp vịnh Hạ Long từ thuỷ phi cơ của Hàng không Hải Âu. Chúng tôi nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện rất thuận lợi của Tỉnh ủy, UBND và các sở, ngành tỉnh Quảng Ninh, Bộ tư lệnh Quân khu, Bộ chỉ huy Quân sự, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh. Tại tỉnh Ninh Bình, chúng tôi đã và đang nhận được được ủng hộ mạnh mẽ từ các cơ quan của tỉnh để trong tháng 7 tới tuyến bay thuỷ phi cơ ngắm cảnh Tràng An, địa danh được coi là "Vịnh Hạ Long trên cạn" sẽ được đưa vào khai thác.
Đối với các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Quảng Nam đều rất quan tâm đến dịch vụ thuỷ phi cơ du lịch của chúng tôi và tích cực hỗ trợ chúng tôi hoàn tất các thủ tục pháp lý để chính quyền địa phương phê duyệt triển khai. Chúng tôi tin là trong Quý 4 năm nay, Hải Âu có thể cung cấp dịch vụ tại các địa danh du lịch trải dài từ Phong Nha - Kẻ Bàng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng đến Hội An và Mỹ Sơn ở Quảng Nam…
Với những thuận lợi kể trên thì không hẳn là mọi việc liên quan đến thủ tục pháp lý và cơ chế chính sách đều “màu hồng” cho công ty và các dịch vụ của chúng tôi. Hàng không Hải Âu đã và đang gặp khá nhiều khó khăn trong các thủ tục phê duyệt với các cơ quan của tỉnh Khánh Hoà và các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, An Giang).
Tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, chúng tôi đã khai trương dịch vụ từ đầu năm nay, nhưng trong quá trình hoạt động có gặp một số khó khăn, vướng mắc với địa phương nên đã phải tạm ngừng bay từ tháng 6.
Tại TP Hồ Chí Minh, công ty chúng tôi đã đề xuất dịch vụ bay ngắm cảnh thuỷ phi cơ theo tuyến bay Tân Sơn Nhất - Cần Giờ, tuy nhiên, thủ tục phê duyệt của địa phương khá chậm chạp, trong khi sau khi được địa phương phê duyệt, chúng tôi còn phải làm rất nhiều thủ tục khác với các cơ quan của Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng trước khi có thể cung cấp dịch vụ.
Qua đây, chúng tôi đồng thời cũng đề nghị Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng quan tâm tạo các hành lang pháp lý thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động hàng không chuyên dụng phục vụ du lịch, bao gồm thuỷ phi cơ và các hoạt động bay khác (như khinh khí cầu, dù lượn, nhảy dù du lịch...). Điều này vô cùng quan trọng để đa dạng hoá các sản phẩm du lịch của nước ta theo hướng cao cấp, du lịch bền vững, thay vì du lịch bình dân, đại chúng.
Xin cảm ơn ông!
Xuân Huy