Đưa vào khai thác và sử dụng 23 cảng hàng không vào năm 2020
(Ảnh minh họa: Internet)
Mục tiêu đến 2030, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đứng trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng vận chuyển. Phát triển đội tàu bay theo định hướng áp dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Phát triển hệ thống cảng hàng không với công suất thiết kế đáp ứng nhu cầu vận chuyển và năng lực chuyên chở.
Tổng thị trường vận chuyển hành khách tăng trung bình 16%/năm giai đoạn 2015 - 2020 và 8%/năm giai đoạn 2020 - 2030; tổng thị trường vận chuyển hàng hóa tăng trung bình 18%/năm giai đoạn 2015 - 2020 và 12%/năm giai đoạn 2020 - 2030.
Tăng tần suất, tăng điểm khai thác mạng đường bay quốc tế và nội địa
Theo quy hoạch, mạng đường bay quốc tế đến năm 2020 sẽ tăng tần suất, tăng điểm khai thác, kết hợp khai thác giữa các điểm ở Việt Nam với khu vực. 4 khu vực trọng tâm là Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc); Đông Nam Á (Campuchia, Singapore, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và nghiên cứu mở đường bay đến Philippines); Nam Á, Nam Thái Bình Dương và Trung Đông; đường bay liên lục địa (Pháp, Đức, Anh, Nga, Mỹ và các điểm khác ở châu Âu).
Mạng nội địa đến năm 2020 sẽ có thêm các đường bay liên vùng, đặc biệt không trung chuyển qua các cảng hàng không tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và nghiên cứu mở các đường bay ra vùng biển đảo Việt Nam.
Đến năm 2020, khai thác hệ thống 23 cảng hàng không
Về mạng cảng hàng không, đến năm 2020, khai thác hệ thống 23 cảng hàng không gồm 13 cảng hàng không quốc nội và 10 cảng hàng không quốc tế, trong đó 4 cảng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh là cửa ngõ quốc tế; được phân bổ theo khu vực quản lý chuyên ngành.
Cụ thể, khu vực miền Bắc có 7 cảng hàng không gồm: 4 cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Vinh) và 3 cảng hàng không quốc nội (Điện Biên, Thọ Xuân, Đồng Hới). Khu vực miền Trung có 7 cảng hàng không gồm: 3 cảng hàng không quốc tế (Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh) và 4 cảng hàng không quốc nội (Chu Lai, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa). Khu vực miền Nam có 9 cảng hàng không gồm: 3 cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc) và 6 cảng hàng không quốc nội (Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Phan Thiết, Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau).
Ngành tập trung nghiên cứu, triển khai một số dự án trọng điểm, cụ thể, tiến hành nâng cấp, mở rộng 21 cảng hàng không hiện hữu (Nội Bài, Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Điện Biên, Thọ Xuân, Đồng Hới, Chu Lai, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau) để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không; triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn 1 cảng hàng không quốc tế Long Thành; đầu tư xây dựng mới các cảng hàng không Vân Đồn, Phan Thiết, Sa Pa và các cảng hàng không khác theo quy hoạch.
Bên cạnh đó, phát triển, mở rộng đồng bộ các công trình cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không theo quy hoạch; khuyến khích phát triển hoạt động hàng không chung kết hợp với hoạt động vận chuyển hàng không thường lệ tại các cảng hàng không, đặc biệt là các cảng hàng không có tiềm năng phát triển du lịch như Sa Pa, Vân Đồn, Đồng Hới, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa, Liên Khương, Phan Thiết, Côn Đảo.
Đến năm 2030, khai thác hệ thống 28 cảng hàng không gồm 15 cảng hàng không quốc nội và 13 cảng hàng không quốc tế, trong đó 5 cảng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành là cửa ngõ quốc tế.
Vietnam Airlines là lực lượng vận tải hàng không nòng cốt
(Ảnh minh họa: Internet)
Về doanh nghiệp hàng không, đến năm 2020, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia, hoạt động trong lĩnh vực hàng không theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.Trong đó, với lĩnh vực kinh doanh vận chuyển hàng không, tiếp tục phát triển hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines là lực lượng vận tải hàng không nòng cốt, có năng lực cạnh tranh quốc tế thuộc nhóm hàng đầu ASEAN; tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam cùng phát triển, đẩy mạnh khai thác thị trường vận chuyển hành khách, hàng hóa nội địa và quốc tế. Phát triển doanh nghiệp vận chuyển hàng không đáp ứng nhu cầu của thị trường, điều kiện kinh doanh vận tải hàng không và phù hợp với năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng hàng không; phát triển Tổng công ty trực thăng Việt Nam và các doanh nghiệp bay phục vụ kinh tế quốc dân, du lịch, hàng không chung.
Về lĩnh vực khai thác cảng hàng không, sân bay, đảm bảo nguyên tắc mỗi cảng hàng không, sân bay có một người khai thác cảng hàng không, sân bay; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) phát huy vai trò chủ đạo trong lĩnh vực khai thác cảng hàng không; dịch vụ kỹ thuật thương mại tại các cảng hàng không được cung cấp đồng bộ, đáp ứng nhu cầu khai thác vận chuyển hàng không; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được tiếp cận, sử dụng kết cấu hạ tầng, đất đai CHK bình đẳng, với chi phí hợp lý.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đảm bảo quản lý, cung cấp dịch vụ điều hành bay trong 2 Vùng thông báo bay Hà Nội và Hồ Chí Minh theo tiêu chuẩn ICAO; thiết lập doanh nghiệp bay kiểm tra, hiệu chuẩn; các lĩnh vực thủ tục bay, kiểm soát tàu bay tại khu bay, khí tượng hàng không tại cảng hàng không, sân bay do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay thực hiện.
Minh Thu (t/h)