Đưa “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du lên sân khâu kịch
Tác phẩm "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du đã từng xuất hiện nhiều lần trong nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp như tuồng, chèo, cải lương, ca kịch, thanh xướng kịch, múa ba lê Thúy Kiều… Có cả kịch hình thể “Nguyễn Duy với Kiều” hay thử nghiệm Kiều với opera của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo… Đến nay, “Truyện Kiều” lại một lần nữa lên sân khấu, là sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam. Vở diễn mang tên “Kiều” là sự kết hợp của nhiều yếu tố từ kịch, ca, hình thể, hứa hẹn mang lại hơi thở nghệ thuật mới mẻ và thú vị.
Một cảnh trong vở kịch "Kiều". (Ảnh: NHKVN)
NSND Anh Tú, đạo diễn kịch "Kiều" cho hay, vở diễn được nhà văn Nguyễn Hiếu chuyển thể từ tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du và được dàn dựng với nhiều lát cắt mới về nghệ thuật. Nghệ sĩ trẻ Diễm Hương (trong vai nàng Kiều) thổi hơi thở của thời đại vào nhân vật, khi Thúy Kiều cũng bị mê hoặc trước cái đẹp, mờ mắt trước những lời ngon tiếng ngọt.
Xem kịch “Kiều”, mọi người được gặp nhân vật nàng Kiều không phải là một cô gái cam chịu, chấp nhận số phận, mà là người biết đấu tranh, có những lúc muốn bứt phá… Trong vở diễn, khán giả sẽ thấy nàng Kiều đau khổ, vùng vẫy trong xã hội phong kiến đầy đen tối.
Tư tưởng dựng vở Kiều lần này của Nhà hát Kịch Việt Nam giữ đúng nguyên tác, với bao nhiêu tang thương cho thân phận người thiếu nữ tài sắc. Nhưng ê kíp sáng tạo cũng không bê nguyên xi câu chuyện vào vở diễn theo kiểu tái hiện lại “Truyện Kiều”, mà chú trọng khai thác những giá trị nổi bật của tác phẩm. Trong đó, nhấn mạnh giá trị hiện thực trong tác phẩm, phê phán xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, đồng thời phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ dưới chế độ phong kiến.
Bên cạnh việc ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, vở “Kiều” cũng chú trọng khai thác vẻ đẹp trong tâm hồn con người, vẻ đẹp của tài, sắc, của tình yêu, của lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, đức tính vị tha, thủy chung, chí khí anh hùng… Ngay cả đối với những nhân vật phản diện như Tú Bà, vẫn có những giây phút bị lương tâm cắn rứt, cho dù cuối cùng chút tính người ấy vẫn không chiến thắng được cám dỗ của đồng tiền, không vượt qua được cái ác.
Một trong những giá trị nổi bật, mang hơi thở thời đại, được NSND Anh Tú khai thác đưa vào vở kịch, là tính dự báo trong “Truyện Kiều”. Xem vở diễn này, khán giả nhận thấy một tiếng chuông cảnh báo, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đó là khi nào quyền lực “bẩn”, đồng tiền “bẩn” và không chân chính lên ngôi, thì những giá trị về đạo đức, giá trị nhân văn sẽ bị đảo lộn, vùi dập.
Do thời lượng có hạn, nên vở diễn dừng lại ở trích đoạn Kiều nhảy sông Tiền Đường tự vẫn, sau gần 15 năm trôi dạt, mà không dựng phần cuối, là phần Kiều tái hồi Kim Trọng.
Với những thử nghiệm mới, hy vọng vở “Kiều” sẽ là một trong những tác phẩm thể nghiệm được công chúng yêu kịch Việt Nam yêu thích và đón nhận.
Vở “Kiều” của Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ công diễn vào 20g ngày 19/11 tại số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Linh Đoàn