Đưa Luật Biên phòng Việt Nam đến với người dân ở vùng biên giới Nghệ An
Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Nghệ An quản lý, bảo vệ 468,281 km đường biên giới đất liền (có 27 xã thuộc 06 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương, Quế Phong tiếp giáp với 03 tỉnh: Bô Ly Khăm Xay, Xiêng Khoảng, Hủa Phăn của nước CHDCND Lào) và 82 km bờ biển (có 34 xã, phường thuộc 05 huyện, thị xã: Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Cửa Lò và Hoàng Mai).
Đời sống nhân dân khu vực biên giới đất liền còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, đói nghèo và cận nghèo chiếm 55%; trình độ dân trí thấp, ý thức chấp hành pháp luật và quy chế quản lý, bảo vệ biên giới còn nhiều hạn chế...
Những năm qua, tình hình an ninh trật tự (ANTT) khu vực biên giới có nhiều vấn đề đáng quan tâm, như: Hoạt động vi phạm quy chế khu vực biên giới, di cư trái phép sang Lào; tội phạm ma túy, mua bán người với các thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt, sẵn sàng dùng vũ khí chống trả khi bị các lực lượng chức năng phát hiện; an ninh nông thôn, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật có thời điểm gây bức xúc ở một số địa bàn... Trên biển, tàu cá nước khác có những hoạt động vi phạm chủ quyền vùng biển, đánh bắt cá trong vùng biển nước ta...
Trước tình hình trên, quán triệt Chỉ thị số 154-CT/ĐUQSTW, ngày 09/4/2008 của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương về “Tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền đặc biệt trong thời kỳ mới” (Chỉ thị số 154), 15 năm qua Đảng ủy BĐBP tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đạt được một số kết quả đáng kể góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, vùng biển của tỉnh.
Hoạt động tuyên truyền thực tế về Luật BPVN luôn được chú trọng ở vùng biên giới |
Sau khi Chỉ thị số 154 được ban hành, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh, hướng dẫn của Cục Chính trị, Đảng ủy BĐBP tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của cấp ủy, chỉ huy đơn vị cơ sở, các phòng, ban, văn phòng Bộ Chỉ huy; đồng thời hướng dẫn cấp ủy, các đơn vị cơ sở phổ biến, quán triệt đến tất cả cán bộ, chiến sỹ thuộc quyền.
Hàng năm, nội dung công tác vận động quần chúng, tuyên truyền đặc biệt được đưa vào nghị quyết, kế hoạch của cấp ủy và chỉ huy đơn vị để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Quá trình thực hiện Chỉ thị số 154 gắn với thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của cấp trên về công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo với củng cố quốc phòng, an ninh khu vực biên giới, vùng biển.
Quân dân đồng lòng nơi biên giới
Triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức tập huấn chuyên sâu; tuyên truyền, phổ biến Luật BPVN và các văn bản quy định chi tiết, giai đoạn 2021-2025”, BĐBP Nghệ An đã tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật BPVN đến người dân ở khu vực biên giới, ven biển.
Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử, cổng thông tin điện tử, Luật BPVN còn được lan tỏa sâu rộng trong xã hội qua các hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên và hệ thống thông tin cơ sở; thông tin đầy đủ trên tờ rơi, tờ gấp và các nền tảng mạng xã hội.
BĐBP Nghệ An cũng đã tích cực, chủ động phối hợp với các ban, sở, ngành, các địa phương trong xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tập trung củng cố cơ sở chính trị ở khu vực biên giới vững mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, hợp tác quốc tế về biên phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.
Lãnh đạo huyện Quế Phong cho biết, xác định, tuyên truyền, phổ biến Luật BPVN là nhiệm vụ trọng tâm của huyện, từ đó tổ chức tập huấn cho 250 đại biểu cán bộ chủ chốt các ban, ngành, đoàn thể; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cấp huyện; cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn; người có uy tín trên địa bàn các thôn, bản thuộc xã biên giới; đồng thời, triển khai tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa của Luật BPVN đến bà con bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua thời gian triển khai thực hiện thì nhận thức của cán bộ, người dân đã được nâng lên.
Thời gian qua, các đồn Biên phòng đã bám sát kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, tích cực nghiên cứu, biên soạn một cách có hệ thống các nội dung cốt lõi của Luật BPVN để tổ chức tuyên truyền tập trung tại đơn vị và trụ sở UBND các xã, phường ở khu vực biên giới, ven biển. Các đồn Biên phòng đã chủ động triển khai các tổ, đội công tác trực tiếp xuống địa bàn, từng hộ dân với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền một cách cụ thể đến mỗi người dân. Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến tập trung, BĐBP còn phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để tham gia phổ biến sâu rộng Luật BPVN đến bà con.
Nhờ đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu nên ý thức bảo vệ, giữ gìn biên giới quốc gia đã thấm sâu vào nhân dân ở khu vực biên giới, ven biển. Một số vụ việc vi phạm quy chế quản lý biên giới, hiện tượng xâm canh, xâm cư, các dấu hiệu liên quan đến đường biên, mốc quốc giới, tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta đã được người dân phát hiện, thông báo kịp thời cho BĐBP, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương xử lý.
Từ đầu năm 2022 đến nay, các đơn vị trong BĐBP Nghệ An đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã, phường, thị trấn ở khu vực biên giới, ven biển tổ chức tuyên truyền tập trung được 1.632 buổi/128.918 lượt người; qua loa phóng thanh được 1.784 giờ; qua loa kéo di động được 1.473 giờ; phát hơn 34.500 tờ rơi... tuyên truyền những vấn đề cốt lõi của Luật BPVN đến cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới, ven biển.
Bên cạnh đó, các đơn vị đã tham mưu cho địa phương duy trì hoạt động hiệu quả 88 tập thể, 916 hộ gia đình, 2.102 cá nhân tự quản đường biên giới; 69 tập thể, 864 gia đình, 2.322 cá nhân tự quản 105 mốc quốc giới; 944 tổ/17.810 cá nhân tự quản an ninh trật tự xóm, bản; 137 tổ/1.464 tàu, thuyền/5.495 thành viên tổ tàu thuyền an toàn; 21 bến bãi/262 thành viên bến bãi an toàn.
Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền Luật BPVN trên địa bàn tỉnh Nghệ An bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần giúp cán bộ, nhân dân nắm chắc các nội dung cơ bản của luật và các văn bản quy định chi tiết, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.