Du xuân, đi chơi hay… hành xác
Mẹ tôi là một phật tử, đã gần 2 chục năm nay, nên trong ký ức thời thơ ấu của tôi, những chuyến du xuân, vãn cảnh chùa diễn ra rất khác so với những gì đang diễn ra.
Vãn cảnh chùa là những chuyến đi thảnh thơi, thong dong, thư giãn. Đi chậm, tâm tĩnh, lên chùa để không bon chen với cuộc đời, không cầu xin. Người phật tử đi chùa để thể hiện tấm lòng thành kính với đức Phật.
Những chuyến đi chùa ngày Tết với mẹ không có tiếng giục giã, không mâm cao cỗ đầy, không hương khói nghi ngút. Đi chùa ngày Tết để tìm cái sự thanh tịnh cho bản thân, chứ không phải để khoe với thiên hạ.
Vậy nên với mẹ tôi, 2 chục năm qua Tết nào cũng vậy, trong khi dân tình tiệc tùng, chúc tụng thì mẹ tôi đi chùa. Phật ở trong tâm, nên cũng không quan trọng đi chùa phải rơi đúng ngày chính hội.
Đáng tiếc, du xuân, vãn cảnh chùa, những hoạt động lẽ ra phải vô vi, thoát tục, nay lại đang diễn ra không khác gì một cuộc hành xác.
Người với người chen nhau thắp hương lễ chùa
Khắp các diễn đàn suốt cả ngày hôm qua lan truyền hàng chục tấm ảnh ghi lại cảnh chùa Hương, Yên Tử... ken đặc người với người. Người dân chen chúc nhau, gây náo loạn một nơi yên tĩnh, thanh tịnh.
Vài năm qua, những cảnh tượng tương tự thế này nhiều vô số kể. Năm ngoái, đền Hùng cũng bị cầy nát bởi những con người đi du xuân.
Hôm mùng 3 Tết mới đây, một facebooker cũng viết một status lâm li bi đát phản ánh cảnh hỗn loạn tại chùa Linh Ứng, Đà Nẵng. Các bạn trẻ hò hét gọi nhau giữa chốn thanh tịnh, trèo len, chen chúc trước tượng Phật chụp ảnh check-in.
Rồi họ sẽ tung lên facebook những bức ảnh, với những dòng chú thích "so deep" (diễn sâu), như thể bản thân thoát khỏi sự xô bồ của xã hội, tìm sự lặng lẽ, thanh tịnh nơi cửa phật ngày đầu năm mới.
Đó là còn chưa nói đến vấn nạn chèn ép, thổi giá, lợi dụng thói quen đi chùa đầu năm của người dân để chặt chém, chèo kéo, thậm chí dọa dẫm của những người lợi dụng cửa phật để kiếm tiền bất chính.
Không khó để tìm trên mạng những hình ảnh cười ra nước mắt ở các địa điểm du lịch tôn giáo đầu năm. Có nơi thu cả phí… cảnh quan (10.000/người). Có nơi các thầy bói toán tràn ra đường, chèo kéo người vãn cảnh chùa vào bói toán.
Xem bói đầu năm trở thành dịch vụ đắt khách ở các điểm lễ hội
Họ sẽ dọa dẫm, rằng bạn có vong theo, có người nhà gặp nạn để thực hiện các nghi thức giải hạn, trục lợi bất chính.
Có cả những cụ già, con trẻ bị chèn ép đến ngất xỉu. Những cô gái tha thướt trong tà áo dài lên chùa rồi đứng cãi chửi nhau tay đôi với người dân. Đó không phải là du xuân. Đó là hành xác.
Tôi thấy hiếm dân tộc nào như Việt Nam. Tết được nghỉ thì dành trọn vẹn cái Tết để ăn nhậu, tiệc tùng suốt ngày, ngồi nhà lên mạng chỉ trích những người đi chơi dịp Tết là vong bản, lãng quên truyền thống.
Hết Tết, cả xã hội trở lại guồng quay thì uể oải, nhân danh cái sự "du xuân" để tiếp tục những cuộc vui.
Đi du xuân với cơ quan, với hội bạn, với CLB tiếng Anh, với gia đình, với cơ quan của vợ/chồng…
Có một người bạn nước ngoài hỏi tôi: Người Việt lên chùa, dâng lên bàn thờ phật toàn gà luộc, liệu chỗ gà đó sau khi cúng xong thì nhà chùa xử lý thế nào? Phật tử đâu có ăn mặn, Phật cũng ăn chay, vậy tại sao lại cúng gà, cúng đồ mặn?
Những ngôi chùa lớn, tượng Phật bị dân, người thì sờ, người thì mài đến mức nhẵn thín, dù nhà chùa đã rất cẩn thận treo các biển cấm sờ vào tượng phật, người dân vẫn sờ lấy sờ để tìm kiếm may mắn.
Nếu cả xã hội đi chùa cầu may, cầu tài, cầu lộc, cả xã hội sờ tượng phật, dâng lễ, và sau đó về nhà đều được may mắn thì xã hội làm gì có người nghèo?
Mâm cao cỗ đầy được người dân dùng để cúng lễ
Trong quan niệm xa xưa về câu chuyện du xuân, các cụ cho rằng: Xuân là thời điểm đất trời thay áo mới, vạn vật sinh sôi, trăm hoa đua nở, nhờ cây cối gặp được khí hậu thuận lợi.
Người ta đi du xuân cốt là để tận hưởng những khoảnh khắc này. Để được ngắm nhìn đồng lúa xanh mướt, ngắm những vườn hoa đua sắc.
Người thích cảnh vật rực rỡ thì lên núi ngắm hoa, ra biển hít thở. Người thích tĩnh tâm thì lên chùa bách bộ, cầu bình, cầu an, xin chữ, thậm chí gieo quẻ bói đầu năm.
Những tục lệ xuất phát điểm đầy thanh cao như vậy ngày càng bị biến tướng thành những hoạt động ăn chơi, tranh cướp. Cứ mỗi dịp đầu năm, nhìn cảnh dân tình tranh nhau từng mét vuông đất, chèn ép, giẫm đạp để hướng đến bàn thờ phật mà ngán ngẩm.
Chúng ta đang đi du xuân hay hành xác đây? Liệu việc chen chúc khổ sở như vậy có phải là cách tốt để bắt đầu một năm hay vì trong cuộc sống chúng ta đã phải bon chen, nên Tết nhất cũng vẫn phải bon chen như vậy?
Bảo Nam