Đổi thay thủ phủ ma tuý Lóng Luông
Bản Tà Dê, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ nhìn từ trên cao |
“Ngày ấy xa rồi!”
Trước khi vào thung lũng Tà Dê (Lóng Luông, Vân Hồ, Sơn La), nhiều người đã căn dặn chúng tôi rất kỹ, rằng vào bản thì phải cẩn thận, nên liên hệ trước với trưởng bản và đặc biệt không nên đi vào ban đêm. Bởi ở trong đó từng là nơi nhiều đối tượng bị truy nã nguy hiểm lẩn trốn, chúng luôn có súng mang theo bên người.
Theo chỉ dẫn, chúng tôi liên hệ với ông Sồng A Tồng, Trưởng bản Tà Dê. Nghe kể lại lời chỉ dẫn, Trưởng bản Tồng cười vui vẻ cho biết, lời người dân ngoài bản Tà Dê nói về vùng ma túy nguy hiểm đã là chuyện của những năm trước. “Đúng là bản Tà Dê và Lũng Xá trước đây có rất nhiều đối tượng đang bị truy nã mang theo súng lẩn trốn ở trong bản, ai làm trái ý là bị đe dọa. Cách đây vài năm, tôi có 2 người bạn ở xã Hang Kia, huyện Mai Châu (Hòa Bình) sang nhà chơi, ăn cơm, uống rượu đến nửa đêm mới về, khi về đến đoạn qua nhà trùm ma túy Nguyễn Thanh Tuân thì bị 2 người cầm súng ra chặn không cho về, tôi thì say rượu ngủ rồi, người nhà phải ra bảo lãnh, xin cho mới được về”.
Ông Tồng cho biết thêm, thời gian đó ông làm công an viên, có lần trong bản xảy ra tranh chấp, ông cùng tổ hòa giải của bản đến giải quyết thì bị các đối tượng bao vây, mang theo súng vào tận nhà tìm vì nghĩ mình chụp ảnh của họ đưa lên mạng xã hội facebook. “Ngày ấy, thương lái, khách du lịch không ai dám vào Tà Dê, đời sống bà con vì thế rất khó khăn”, ông Tồng tâm sự và khẳng định, giờ đây cuộc sống của người dân Tà Dê đã thay đổi rất nhiều, xe cộ tấp nập vào thu mua nông sản, khách du lịch vào thăm quan nhiều hơn trước, việc đi lại không gặp bất cứ trở ngại gì.
Ông Sồng A Tồng, Trưởng bản Tà Dê |
Đúng theo lời ông Sồng, chúng tôi vào bản Tà Dê rất dễ dàng. Từ trung tâm huyện Vân Hồ (Sơn La), chúng tôi di chuyển về QL6 đến ngã ba Lóng Luông đến bản Tà Dê. Con đường hiểm trở với đá hộc lởm chởm, một bên là núi, bên kia là vực sâu và đang được thi công xây dựng, dọc hai bên đường là nhà cửa khang trang, nhiều hàng quán mọc lên, xe cộ ra vào tấp nập để buôn bán nông sản và nhu yếu phẩm.
Chúng tôi dừng chân ở một cửa hàng tạp hoá ngay đầu bản Tà Dê, và ông chủ cửa hàng quê ở tỉnh Thái Bình hồn hậu chia sẻ: “Gia đình tôi ở quê lên đây thuê nhà bán hàng, ở đây cứ nhà nào buôn bán là người ở nơi khác đến. Cuộc sống nơi đây đã thay đổi nhiều, an ninh trật tự được đảm bảo hơn. Ngày xưa những người lạ như các chú mà vào đây thì rất nguy hiểm, thậm chí còn bị theo dõi, nhưng giờ thì khác rồi, mọi người vào đây thoải mái, chẳng vấn đề gì cả, đồng bào người Mông cũng rất thân thiện, giờ họ suốt ngày lên nương và chú tâm vào làm kinh tế”.
Ghé vào quán tạp hoá để mua chai nước uống, anh Trần Văn Cường (40 tuổi, trú tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ) chia sẻ: “Nhà tôi cách bản khoảng 7km, ngày nào tôi cũng vào ra bản vài ba lần để chở vật liệu vào phục vụ cho bà con 2 bản Tà Dê, Lũng Xá xây nhà. Từ sau ngày hang ổ ma tuý nơi đây bị tiêu diệt, bà con xây nhà cửa nhiều hơn, việc đi lại ra vào bản dễ dàng, dường như đời sống người dân cũng được cải thiện hơn nhiều”.
Giao thông kết nối, mở đường phát triển
Ngôi nhà của đối tượng Nguyễn Văn Thuận đang bỏ hoang |
Theo Trưởng bản Sùng A Tồng, trước đây bản Tà Dê và Lũng Xá là một, nhưng do đông dân quá nên sau này được tách làm hai bản. Cả hai bản nằm trong thung lũng, xung quanh là đồi núi cao hiểm trở, con đường dẫn vào bản là đường đất, đá, khắp nơi là những tảng đá hộc nhô lên cao khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Hiện tại, tuyến TL102 đi qua bản đang dần hoàn thiện, phục vụ việc giao thương buôn bán hàng nông sản vì thế đời sống của bà con cũng được nâng cao.
“Bà con trong bản đa số là làm nông nhưng đất đai ít, nước cũng khan hiếm, đường đi thì khó khăn, vất vả. Hồi đó, tôi và một số anh em ở trong bản có xe máy nên thường chở hàng hóa giúp bà con mang ra ngoài bán nhưng không được nhiều. Bây giờ giao thông thuận lợi, có thương lái vào tận bản thu mua nên kinh tế trong bản đã phát triển hơn. Tuyến đường giao thông nội bản đã được bê tông hóa hơn 80%, tình hình an ninh rất tốt, bà con nhân dân thân thiện và hiếu khách”, Trưởng bản Tồng cho biết thêm.
Được biết, bản Lũng Xá và bản Tà Dê có 100% là người dân tộc Mông; tỉ lệ hộ nghèo ở bản Lũng Xá là 40/97, còn ở bản Tà Dê là 23/102. Năm 2017, tuyến TL102 được khởi công, đến cuối năm 2018, công trình cơ bản được hoàn thành và đưa vào sử dụng, giao thông qua 2 bản Tà Dê, Lũng Xá kết nối với tuyến QL6 được thuận tiện hơn góp phần vào việc phát triển kinh tế.
Trao đổi với PV, ông Tếnh A Chìa, Chủ tịch UBND xã Lóng Luông cho hay: “Bà con ở hai bản chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, trước đây người dân thường trồng các loại cây ăn quả như mận, đào… nhưng sau khi khu vực này trở thành điểm nóng ma túy, thông thương vào bản rất khó khăn, nhiều hộ dân đã phải phá bỏ cây cối đi. Nhưng từ khi sào huyệt ma tuý bị phá bỏ, cùng với được sự quan tâm của Nhà nước mở mang đường sá và những chính sách khuyến khích hỗ trợ kinh tế, đời sống người dân Tà Dê ngày càng khấm khá, ổn định hơn. Như năm 2017, Nhà nước đã hỗ trợ trồng 10ha mận, năm 2018 trồng 6.000 cây bơ trên diện tích khoảng 12ha và đầu năm 2019 hỗ trợ trồng 10ha cây chanh leo...”.
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến ngôi nhà trùm ma tuý Nguyễn Thanh Tuân từng làm “đại bản doanh”. Sau khi sào huyệt ma tuý này bị san phẳng, nơi đây đã được cải tạo thành sân chơi tập thể của bà con trong bản, còn nhà trùm ma tuý Nguyễn Văn Thuận giờ bỏ hoang, dùng để nuôi gia súc, gia cầm.
Lịch sử khét tiếng của Lóng Luông Tráng A Tàng (Tàng Keangnam) từng là một trùm ma túy lớn nhất của xã Lóng Luông. Tàng có một ngôi nhà sàn ở bản Lũng Xá, đây là nơi Tàng tập kết và mua bán ma túy. Tàng cực kỳ liều lĩnh và có mối quan hệ khăng khít với một số trùm ma túy người Lào. Ngày 26/7/2013, trên cao tốc Hà Nội - Bắc Ninh, Tàng cùng vợ và đàn em bị bắt quả tang khi đang dùng ôtô vận chuyển 265 bánh heroin. Sau đó, vụ án được đưa ra xét xử, trong đó Tàng cùng 8 bị cáo khác bị tuyên án tử hình. Sau khi Tàng bị bắt thì hai trùm ma túy Nguyễn Thanh Tuân (34 tuổi) và Nguyễn Văn Thuận (35 tuổi) nổi lên. Hai đối tượng này đã trốn lệnh truy nã và đến bản Tà Dê xây sào huyệt, tụ họp nhiều kẻ giang hồ khét tiếng về đây lập đường dây buôn ma tuý xuyên quốc gia, cho xây dựng boong ke, hầm quanh nhà, trang bị nhiều vũ khí để đối phó với lực lượng chức năng. Để triệt phá đường dây này, ngày 26/6, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ cùng 7 xe bọc thép và nhiều phương tiện đặc chủng tấn công hai khu nhà của chúng. Sau ba ngày, lực lượng chức năng đã tiêu diệt 4 tên gồm cả Tuân và Thuận, bắt giữ 3 đối tượng. Tại sào huyệt này, cơ quan chức năng đã thu giữ 49 khẩu súng các loại (AK, AR15, Sămplêch, K54, K59, Colt…; có một số khẩu bị cháy); 17 quả lựu đạn; hơn 7.000 viên đạn các loại (chủ yếu đạn AK), 31 hộp tiếp đạn (có đạn), 29 ống giảm thanh, ống ngắm súng; 3 ống nhòm.. |
Xem thêm:
Tàu cá bị mắc cạn ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa được lai dắt về bờ an toàn Tàu cá QNg-90499 TS hỏng máy sau khi tránh bão số 2 nên bị trôi dạt và có nguy cơ mắc cạn trên vùng biển ... |
Chúa Trịnh đòi lại được một vùng biên ải Trong lịch sử hào hùng của Đại Việt, vùng biên ải phía Bắc là nơi chứng kiến nhiều biến động. Khi thì là cửa ngõ ... |
Đồng Tháp: Thị xã vùng biên Hồng Ngự giao lưu hữu nghị với lưu học sinh Campuchia Ngày 26/4, tại thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia thị xã Hồng Ngự có buổi giao lưu ... |