Đời cửu vạn vùng biên: Bí mật ở con đường bán sức kiếm tiền triệu mỗi đêm
Ngăn chặn hoạt động buôn lậu vùng biên Ốc đảo chè có một không hai ở vùng biên giới Việt Nam Cô giáo vùng biên “vượt núi” đi học tiến sĩ |
‘Cung đường bạc triệu’
Cách cửa khẩu Tân Thanh (xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) khoảng 300m, nằm ngay sát chùa Tân Thanh, có một con đường mòn.
Con đường vắt qua quả đồi nhỏ nối Việt Nam và Trung Quốc này từ lâu đã trở thành cung đường chuyên vận chuyển hàng lậu.
Mặt hàng nhập lậu từ Trung Quốc sang Việt Nam chủ yếu vẫn là các hàng hóa tiêu dùng, hàng gia dụng như đồ điện, hàng may mặc, hàng cấm... Hàng xuất lậu chủ yếu là mặt hàng thủy sản, nông sản...
Bãi bốc hàng cách TP Lạng Sơn 26 Km. |
Sau khi ôm hàng, các chủ hàng xé lẻ và thuê người mang vác qua các đường mòn sau đó dùng xe máy, ô tô vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ.
Bởi vậy, từ nhiều năm nay, tại vùng biên Lạng Sơn đã hình thành một đội chuyên mang vác hàng hay còn gọi là cửu vạn.
Ngày 8/12, sau khi mất một khoản chi phí, chúng tôi được một người bản địa dẫn vào bãi bốc hàng ở khu vực này.
Đây là điểm đầu tiên tập kết người và hàng trước khi vận chuyển qua bên kia biên giới bằng cách đi theo con đường mòn.
Trước khi xuất phát, người này liên tục nhắc nhở chúng tôi về việc không được chụp ảnh, quay phim, không được "nhìn ngang ngó dọc" ở những địa điểm này.
Con đường trơn trượt vắt qua một quả đồi nối Việt Nam và Trung Quốc |
Dù trời mưa, hàng trăm cửu vạn, cả nam và nữ, đã có mặt để hoạt động. Họ đến từ các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh thậm chí là các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Thanh Hóa…
Điểm dễ nhận dạng ở những cửu vạn này là đôi giày màu xanh chuyên dụng để vượt đồi núi.
Dụng cụ lao động của họ chỉ là một sợi dây để buộc hàng, chiếc gùi và “lap top” – theo cách gọi hài hước của những người cửu vạn. “Lap top” ở đây là một miếng mút xốp có kích cỡ bằng chiếc máy tính xách tay dùng để kê lên vai lúc vác hàng.
Từ bãi đất này có con đường mòn dẫn sang biên kia biên giới. Theo ghi nhận của PV, con đường này có địa thế khá hiểm trở, dốc, hai bên là cỏ dại rậm rạp. Cơn mưa của đợt không khí lạnh đã làm cho tuyến đường đất này trở nên nhão nhoét.
Một ngày bốc hàng
Hơn 12 giờ trưa, các cửu vạn vẫn miệt mài cõng hàng qua con đường mòn. Trời rét dưới 10 độ C tuy nhiên nhiều cửu vạn đổ mồ hôi.
Có người cởi trần, có người chỉ manh áo cộc cõng lên vai những bao hàng lớn hơn cả người để vượt cung đường. Các bao hàng đều được bọc cẩn thận trong áo mưa. Dường như đường lầy lội khiến những cửu vạn chậm bước chân hơn.
Nữ cửu vạn cõng hàng qua biên giới |
Sau khi vác các chuyến hàng, những cửu vạn dừng chân ở bãi đất dưới chân đồi. Tại đây, có khoảng 4 quán cóc bán đồ ăn như trứng vịt lộn, bún, xôi… Các quán có ô che, khói bốc lên nghi ngút từ chiếc bếp dầu.
Những cửu vạn dừng chân, ăn vội vàng để lấy sức sau những chuyến hàng nặng nhọc. Họ trò chuyện, nghỉ ngơi khoảng 15 phút trước khi bước vào những chuyến hàng tiếp theo.
1h30 chiều 8/12, một chiếc xe tải chở hàng từ dưới vượt lên đỗ tại bãi đất dưới chân núi. Đang ngồi ăn, hàng chục cửu vạn bỏ bát đũa, cầm dụng cụ lao ra nhận hàng.
Một người đàn ông cầm chiếc ô che, lớn tiếng phân công người bốc hàng. Tiếng người gọi nhau, tiếng xé băng dán, tiếng động cơ xe… náo động cả một vùng.
Cửu vạn dừng chân ăn uống sau các chuyến cõng hàng |
Theo quan sát của chúng tôi, tại bãi đất này luôn có một vài người đàn ông túc trực. Một cửu vạn tiết lộ họ là “cai cửu”, người đứng ra nhận và thuê cửu vạn khuân vác hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam và ngược lại.
Cửu vạn này tiết lộ thêm, ở đây ít có người lạ mặt xâm phạm bởi có “tai mắt" túc trực. Họ ngồi ở quán nước quan sát mọi di chuyển của lực lượng chức năng, hễ thấy “động” thì ngay lập tức thông báo cho các “cai cửu”.
Kiếm tiền ‘khủng’ mỗi đêm
Bãi hàng cạnh chùa Tân Thanh nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm. 9h đêm, dừng chân tại một quán nước, anh Thành (SN 1974, quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa), lên đây làm cửu vạn từ hơn 1 năm nay, tranh thủ nghỉ ngơi sau các chuyến hàng.
Người đàn ông này cho biết: “Cứ có điện thoại của chủ gọi cần người bốc vác là chúng tôi đi. Làm nhiều được nhiều, làm ít được ít nên chúng tôi ra bãi vác hàng bất kể ngày đêm”.
Theo anh Thành, mỗi bao hàng nặng khoảng 25 - 30kg. Giá cõng hàng là 2.000 đồng/kg. Mỗi chuyến, đàn ông cõng khoảng 70-80kg, phụ nữ thì cõng khoảng 30 - 40kg.
“Tuyến đường dài khoảng 200m, mỗi chuyến hàng chúng tôi được trả trung bình khoảng từ 100 -150 nghìn đồng. Mỗi đêm, tôi làm việc từ khoảng 8h đêm đến 6h sáng và đi được khoảng 10 chuyến hàng”, anh nói thêm.
Miếng mút xốp (khoanh đỏ) có kích cỡ to hơn chiếc máy tính xách tay được các cửu vạn dùng để kê lên vai lúc vác hàng. |
Cửu vạn này cũng tiết lộ, nếu có nhiều hàng, mỗi đêm anh có thể kiếm được 800 nghìn đến 1 triệu đồng.
“Công việc này tùy sức khỏe. Càng chịu khó, càng khỏe càng kiếm được nhiều. Hàng còn cứ bốc, bốc hết thì chúng tôi về tắm rửa, nghỉ ngơi và ăn uống để lấy sức ngày mai làm tiếp”, anh nói.
Anh Thành kể tiếp: “Tôi có một người bạn cùng quê, anh ấy rất chăm chỉ. Một lần, anh vác hàng liên tục từ 8 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau.
Tối hôm đó, anh được trả hơn 3 triệu đồng- một số tiền kỷ lục đối với cánh cửu vạn. Tuy nhiên, sáng hôm sau khi về đến phòng trọ anh ấy quỵ xuống vì kiệt sức, phải đi cấp cứu. Nhưng chỉ mấy hôm sau, anh ấy đã đi làm lại”.
Kiếm tiền nhanh chóng từ việc làm bốc vác hàng ở vùng biên đã khiến các cửu vạn có những tài sản đáng nể. Về vấn đề này, mời độc giả tiếp tục theo dõi kỳ sau:
“Bất ngờ đời cửu vạn: Sở hữu tiền tỷ, biệt thự nhờ bán sức thâu đêm”.
Trao đổi với PV VietNamNet, Đại diện Đồn biên phòng Tân Thanh (Văn Lãng, Lạng Sơn) cho biết: Đồn Biên phòng Tân Thanh có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 13.4 km đường biên giới, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn 2 xã: Tân Thanh, Tân Mỹ (huyện Văn Lãng). Muốn xuất nhập cảnh từ Việt Nam sang Trung Quốc các công dân phải đi qua đường cửa khẩu chính và có đầy đủ giấy tờ thông hành. Việc người dân tự ý lén lút vượt biên là sai quy định pháp luật. Bên cạnh đó, khi phát hiện việc vận chuyển hàng cấm, hàng sai quy định lực lượng chức năng sẽ tịch thu, xử lý theo pháp luật. "Hằng ngày, chúng tôi đều tổ chức các đội tuần tra, ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép tuy nhiên công tác này không thể đảm bảo tuyệt đối. Nguyên nhân là do đường biên giới dài rộng, bà con thông thuộc địa hình bởi vậy việc ngăn chặn còn nhiều khó khăn", người này nhấn mạnh. |
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
XEM THÊM
Ốc đảo chè có một không hai ở vùng biên giới Việt Nam Những đồi chè xanh ngút ngàn nằm giữa vùng nước ở huyện biên giới của Nghệ An đã trở thành điểm du lịch vài năm ... |
Cô giáo vùng biên “vượt núi” đi học tiến sĩ Vào tháng 1/2019, ở huyện biên giới Kỳ Sơn, lần đầu tiên sẽ có một giáo viên dạy Văn cấp 2 bảo vệ luận án tiến ... |
Việt Nam đề nghị các nước tôn trọng và thực thi pháp luật trên các vùng biển Lập trường của Việt Nam về vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông là rõ ràng, phù hợp ... |
Thừa Thiên-Huế: Sạt lở bờ biển nghiêm trọng uy hiếp tính mạng người dân vùng biển TĐO-Những năm gần đây, vấn đề sạt lở bờ biển ở Thừa Thiên-Huế xảy ra rất nghiêm trọng mỗi khi có bão ập đến, nước ... |