Doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn cùng Việt Nam phát triển bền vững
Thúc đẩy hợp tác trong hạ tầng, kinh tế số, tài chính, năng lượng
Theo TTXVN, buổi tọa đàm diễn ra dưới chủ đề "Tăng cường hợp tác cùng có lợi, chung tay kiến tạo tương lai", với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, tập đoàn và doanh nghiệp tiêu biểu từ cả hai nước. Hai bên đã thảo luận về tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực như phát triển hạ tầng, chuyển đổi số, tài chính ngân hàng và năng lượng, phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam và xu thế toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Thủ tướng Lý Cường. (Ảnh: Báo Chính phủ) |
Phía doanh nghiệp Trung Quốc cho biết, với kinh nghiệm, năng lực đã được khẳng định, họ mong muốn tham gia các dự án phát triển hạ tầng của Việt Nam, gồm các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam của Việt Nam. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng quan tâm tới hợp tác trong xây dựng thành phố thông minh, sản xuất thông minh, xây dựng các trung tâm dữ liệu, phát triển thương mại điện tử… cùng Việt Nam phát triển xanh, bền vững.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng kêu gọi chính phủ hai nước tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Trung Quốc có tiềm lực và Việt Nam có nhu cầu, như tài chính, khoa học công nghệ và phát triển cơ sở hạ tầng. Các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn có thêm sự hỗ trợ về vốn, kết nối thanh toán và hợp tác trong các lĩnh vực như 5G, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối, Hydrogen) để phát triển bền vững.
Cam kết của Chính phủ Việt Nam
Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc, Việt Nam đã góp phần đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trở thành điểm sáng và là một trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, các dự án đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc còn chưa xứng tầm với tiềm năng và quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối, đổi mới sáng tạo, và hợp tác trên nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Ông mong muốn hai nước tiếp tục nâng tầm quan hệ kinh tế, phù hợp với vị trí địa lý và quan hệ chính trị - xã hội tốt đẹp hiện nay, hướng tới sự phát triển trong kỷ nguyên số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.
Thủ tướng cũng đề nghị doanh nghiệp hai nước tích cực hợp tác, trao đổi để tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hai nước để tháo gỡ rào cản sản xuất, kinh doanh, thương mại, cải thiện môi trường đầu tư; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách.
Các doanh nghiệp chia sẻ tại toạ đàm. (Ảnh: Báo Chính phủ) |
Cùng với đó, xây dựng và triển khai các dự án hợp tác cụ thể trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác song phương đã thiết lập, các cơ chế hợp tác đa phương hai bên cùng tham gia; tiếp tục đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, kết nối chiến lược trên các lĩnh vực, trong đó có kết nối hạ tầng giao thông, kết nối thương mại, đầu tư, kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng; đẩy mạnh hợp tác triển khai các dự án đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc; hỗ trợ vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ Việt Nam xây dựng và phát triển ngành công nghiệp đường sắt hiện đại, lâu dài, bền vững.
Đồng thời, tăng cường hơn nữa đầu tư tại Việt Nam, nhất là các dự án lớn, tiêu biểu trong các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh về công nghệ cao, chuyển đổi số (trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật…), xây dựng hạ tầng giao thông, công nghiệp luyện kim, y tế, giáo dục, năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu, hệ sinh thái xe điện và pin xe tích điện…; chú trọng đầu tư cho kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển giao công nghệ.
Thủ tướng cũng đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của các tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc; tiếp tục tạo thuận lợi cho tăng cường thương mại song phương; mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông thủy sản của Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định mục tiêu cao nhất của việc hợp tác là "đôi bên cùng có lợi" và "hai bên cùng thắng". Đồng thời nhấn mạnh cam kết của Việt Nam với "3 bảo đảm, 3 thông và 3 cùng" để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Đó là bảo đảm tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và ổn định môi trường kinh doanh. Việt Nam cũng hướng tới hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng và quản trị thông minh. Doanh nghiệp và Nhà nước luôn lắng nghe, chia sẻ để phát triển cùng nhau.
Thủ tướng Lý Cường: Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam
Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường hoàn toàn nhất trí với các phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ông khẳng định hợp tác kinh tế, thương mại luôn là điểm nhấn của hợp tác Trung Quốc - Việt Nam, cũng là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước. Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Thủ tướng Lý Cường đề nghị hai bên không ngừng củng cố, bổ sung thế mạnh cho nhau. Ông nhấn mạnh Trung Quốc có thế mạnh về điện gió, điện mặt trời, xe điện đang phát triển hàng đầu thế giới, phù hợp nhu cầu chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường với các đại biểu dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc. (Ảnh: Báo Chính phủ) |
Thủ tướng Lý Cường mong các doanh nghiệp hai nước quan tâm, theo dõi, tìm hiểu các chủ trương, chính sách lớn, quan trọng giữa hai nước để chủ động, tích cực tham gia; tận dụng tốt các thỏa thuận kinh tế song phương và đa phương; kịp thời nắm bắt các cơ hội, huy động các nguồn lực hợp tác.
Thủ tướng Trung Quốc cũng mong muốn doanh nghiệp hai nước hợp tác thúc đẩy phát triển hài hòa các ngành công nghiệp xuất phát từ đặc điểm doanh nghiệp mình. Phía Trung Quốc khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường kết nối với phía Việt Nam, xây dựng chuỗi cung ứng, sản xuất xuyên biên giới ổn định và thông suốt.
Cùng với đó, tập trung nguồn lực, tăng cường hợp tác đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, nhất là các lĩnh vực năng lượng sạch, sinh học, y dược, trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực mới nổi khác.
Thủ tướng Lý Cường tin rằng, hợp tác kinh tế, thương mại hai nước sẽ giành được kết quả to lớn hơn trong thời gian tới.
Theo thông tin tại tọa đàm, trong hơn 10 năm qua, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tăng hơn 4 lần. Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt gần 172 tỷ USD; 9 tháng đầu năm 2024 đạt gần 150 tỷ USD, tăng 22%, nếu tính cả tiểu ngạch thì con số này còn cao hơn nhiều. Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng hơn 7 lần, trở thành nhà đầu tư lớn thứ 6/148 của Việt Nam. Trung Quốc đã vươn lên trở thành đối tác dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư mới ở Việt Nam trong hai năm vừa qua. |