Doanh nghiệp góp phần phát triển tình hữu nghị Việt Nam – Campuchia
Tạo công ăn việc làm cho người Campuchia
Từ vùng đất hoang sơ vắng bóng người ở Campuchia, những cánh rừng cao su cả ngàn hecta do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư mọc lên đều tăm tắp đang bước vào thời kỳ thu hoạch với sản lượng cao. Đến các làng cao su nơi đây, càng bất ngờ hơn trước những đổi thay của các gia đình công nhân. Nhà nào cũng có xe máy mới, nhiều nhà có ô tô, nhiều đứa trẻ chào đời dưới những mái nhà còn thơm mùi sơn mới, trường học ngày càng đông học sinh…
Cuộc sống của gia đình anh Yem Dương ở tỉnh Kampong Thom, Campuchia đã đi lên kể từ khi làm công nhân cao su cho Công ty CP cao su Chư Sê, Tập đoàn cao su Việt Nam. Hai vợ chồng anh làm công nhân 7 năm, nhận cạo 8 ha cao su. Sau những năm chăm chỉ làm việc gia đình anh sở hữu chiếc Toyota Highlander V6 và 2 chiếc xe máy cày. Trong đó, chiếc Toyota được mua với giá 16.000 USD (khoảng 350 triệu đồng) để di chuyển; 2 xe máy cày thì mỗi chiếc 35.000 USD để ủi cỏ, cắt lùm bụi, phun thuốc vườn cây…
Tập huấn kiến thức mới về thu hoạch mủ cho cán bộ kỹ thuật và công nhân Công ty CP Cao su Chư Sê - Kampong Thom. Ảnh: Thiên Hương |
Vợ chồng Hen Huao là người địa phương, năm 2010 đến ở làng cao su và được Công ty CP Cao su Chư Sê - Kampong Thom cho mượn đất mở cửa hàng tạp hóa để cùng hợp lực với công ty tạo thêm dịch vụ tiện ích cho công nhân. Đây là cửa hàng bình ổn giá, với hàng trăm mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống, sinh hoạt và bữa cơm gia đình. Vợ chồng Hen Huao còn chia sẻ về mong muốn ở lại làng cao su lâu dài, mở rộng quy mô buôn bán to hơn vì sinh kế ở làng ngày càng ổn định, đi lên…
Ông Huỳnh Tấn Siêu - Trường Ban Công, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, hiện nay có trên 17.000 lao động người Campuchia đang làm việc cho các công ty cao su thuộc Tập đoàn. Thu nhập của người lao động bản địa với mức lương bình quân từ 300 - 400 USD/người/tháng, cao hơn so với mặt bằng thu nhập hiện nay. Người lao động đều được ký hợp đồng lao động, cấp trang phục, vật dụng bảo hộ và an toàn lao động, công nhân làm việc dài hạn và gia thuộc được cấp nhà ở và điện, nước.
Tính đến nay Tập đoàn đã đầu tư hơn 76 triệu USD cho các công trình phúc lợi công cộng, an sinh xã hội và công trình tôn giáo như nhà ở cho công nhân, trường học, trạm y tế, chùa, cụ thể đã xây dựng 246.108 m2 nhà ở cho người lao động, trạm y tế: 4.665 m2, trường học: 5.247 m2, các công trình tôn giáo: 2.172 m2, Hệ thống điện sinh hoạt: 88 km và 3.800 km đường giao thông, trong đó có 920 km là tuyến đường liên thôn, liên xã phục vụ dân sinh trong vùng dự án.
Hiện tại, tập đoàn đã ký kết MOU với tổ chức Oxfam Campuchia nhằm đào tạo nguồn nhân lực quản lý và để thực hiện chương trình kết nối cộng đồng trong quản lý rừng cao su bền vững tại Campuchia. VRG luôn tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội tốt nhất, đồng thời, là một doanh nghiệp đóng góp cho sự phát triển của xã hội và cộng đồng địa phương một cách công bằng và toàn diện.
Được biết, không chỉ có Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG), hiện có nhiều doanh nghiệp Việt phát triển mạnh, có sự ảnh hưởng trên thị trường tại Campuchia, Công ty Tharico thuộc Tập đoàn Trường Hải; Công ty Metfone thuộc Tập đoàn Viettel; Công ty Angkor Milk thuộc Vinamilk, VietnamAirlines... cùng các ngân hàng mạnh của Việt Nam như BIDV, Agribank, MB Bank, Sacombank, SHB và rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khác.
Tại đây, các doanh nghiệp, đơn vị đã tạo thêm hàng ngàn việc làm cho người lao động sở tại, góp phần ổn định đời sống, phát triển kinh tế xã hội.
Gắn kết từ hoạt động an sinh xã hội
Điều mà các doanh nghiệp Việt Nam luôn tự hào là hoạt động kinh doanh có lợi nhuận, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Chính phủ Campuchia, góp phần quan trọng vào chỉ tiêu phát triển kinh tế hằng năm của Vương quốc Campuchia. Bên cạnh tạo ra lợi nhuận, công ăn việc làm cho người dân Campuchia, các doanh nghiệp Việt đã đóng góp cho an sinh xã hội tại Campuchia.
“Sau khi hoạt động chăn nuôi đi vào sản xuất ổn định và hiệu quả thì chúng tôi sẽ chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho nông dân cũng như các doanh nghiệp đối tác tại Campuchia. Từ mô hình có hiệu quả trong đầu tư nông nghiệp thì chúng tôi muốn nhân rộng ra để người dân Campuchia cùng làm”, Tổng Giám đốc Thaco Agri Trần Bảo Sơn cho biết.
Ông Huỳnh Tấn Siêu - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, lãnh đạo tập đoàn thường xuyên chỉ đạo các công ty thành viên quan tâm, tích cực tham gia các cuộc vận động, ủng hộ của các Bộ ngành, địa phương Campuchia tổ chức. Trong những năm qua, các công ty thành viên đã tích cực tham gia đóng góp kinh phí để hỗ trợ bầu cử, TW Hội Chữ thập đỏ; xây dựng trường học, trụ sở Công an tỉnh Kampong Thom; xây dựng Đài Tưởng niệm tại tỉnh Ratanakiry; Xây dựng Hội trường Đảng tỉnh Kampong Cham. Ngoài ra còn hỗ trợ các đoàn của Campuchia sang tham quan, học tập tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các công ty cũng có những chính sách hỗ trợ người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn trong số người lao động Campuchia cũng như người dân xung quanh vùng dự án. Các hoạt động nói trên đã được chính quyền nhiều địa phương như: Kampong Thom, Kratie, Ratanakiry... gửi lời khen ngợi.
Metfone trao học bổng khuyến học cho sinh viên Campuchia đang học tại Việt Nam. Ảnh: Mai Lan |
Tính đến nay, Metfone đã đóng góp cho các hoạt động vì cộng đồng, chia sẻ, đồng hành với chính phủ, các cơ quan bộ, ban, ngành và người dân Campuchia với số tiền hơn 100 triệu USD, góp phần kiến tạo cuộc sống cho người dân ở quốc gia Đông Nam Á này.
Ông Nhek Bankheng, Phó Tỉnh trưởng Kampong Thom, đánh giá cao hoạt động và đóng góp của 3 công ty cao su Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh, tạo công ăn việc làm cho người dân xung quanh dự án, góp phần giúp giảm bớt một phần việc di dân.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giao lưu kinh tế, hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, nhất là hoạt động của các doanh nghiệp Việt tại Campuchia đều vì lợi ích chung của nhân dân hai nước. Điều này tạo điều kiện phát triển ổn định lâu dài, góp phần tăng cường quan hệ hai nước, tạo chất keo gắn kết bền vững tình cảm của nhân dân hai nước trong thời gian tới.