Doanh nghiệp chậm được hoàn VAT: Giải tiếng “oan” cho ngành thuế
Rủi ro trách nhiệm
Quy định hiện hành về hoàn thuế VAT rất rõ ràng, dễ hiểu. DN chỉ cần đáp ứng những điều kiện cụ thể như hợp đồng mua bán hàng hoá, tờ khai hải quan, hoá đơn, chứng từ thanh toán qua ngân hàng…Nếu các tiêu chí trên đảm bảo yêu cầu thì sau khi xét duyệt cơ quan thuế sẽ tiến hành hoàn thuế. Thời gian quy định cho loại hoàn trước kiểm tra sau là 6 ngày, còn kiểm tra trước hoàn sau là 40 ngày.
Nhưng (vâng, vẫn nhưng) giá như mọi việc chỉ đơn giản như vậy. Một luật sư cho biết, trên thực tế thì có không ít trường hợp hồ sơ rất “đẹp” nhưng sau khi xác minh thì lại không phải như vậy.
Một ví dụ như gần đây qua việc kiểm tra một vài trường hợp xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc thì thấy phát sinh một số vấn đề như chủ thể trong hợp đồng không tồn tại (mất tích hoặc bỏ trốn qua xác minh với cơ quan thuế nước bạn), hay việc chứng từ thanh toán qua ngân hàng lại không đúng tên người mua hàng…Vậy với những trường hợp hồ sơ về mặt hình thức thì đạt yêu cầu, nhưng khi đi sâu bóc tách từng lớp thì lộ ra nhiều dấu hiệu đáng ngờ vậy thì phải làm sao?
Tất nhiên câu trả lời hợp lý với tất cả các bên là ngay lập tức ngành thuế phải thẩm tra, soát xét kỹ lưỡng để không vội vàng hoàn thuế mà làm thất thoát ngân sách. Và cái khó với ngành thuế cũng bắt đầu từ đây!
Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM bị tuyên phạt 4 năm tù do những sai phạm trong việc hoàn thuế cho Thuduc House |
Thời gian xử lý quy định với những trường hợp có vấn đề (kiểm trước hoàn sau) chỉ là 40 ngày, bà Trần Thuý Nga, Giám đốc 1 công ty tư vấn luật cho biết, nhưng nếu chỉ nghĩ trong vẻn vẹn 40 ngày mà cơ quan thuế có thể thẩm định và trả lời được tất cả các nghi vấn thì rất không thực tế vì có nhiều trường hợp phải phối hợp với nước ngoài để xác minh nên không thể chủ động được. Đó là chưa kể đến độ trễ khi phối hợp liên ngành trong nước nữa.
Không đủ thời gian thì hệ quả tất yếu là phải kéo dài, trong khi sức ép hoàn thuế ngày một gia tăng. Điểm nút này khiến ngành thuế lúng túng và khó xử, xoay kiểu nào cũng không xuôi. Về tổng thể, yêu cầu hoàn thuế là mong muốn chính đáng và đã được luật hoá nên cơ quan chức năng đương nhiên phải thực thi. Nhưng nếu hoàn sai đối tượng, trách nhiệm này ai gánh?
Cái khó là ở chỗ này, vẫn bà Nga nói, nếu cố tình sai thì không nói làm gì, nhưng chỉ vì hình thức đạt chuẩn trong khi thực tế vẫn có dấu hiệu bất ổn thì chắc chắn không ai dám ký cho hoàn. Lỡ sau này phát hiện là trục lợi hoàn thuế thì tính sao? Những rủi ro trách nhiệm này quả thực không dễ gỡ bỏ chỉ bằng ý chí hay khẩu hiệu!
Ai thông cảm cho ai?
Điều quan trọng giờ đây là tìm tiếng nói chung, nếu không sẽ rơi vào tình trạng “sư nói sư phải vãi nói vãi hay” và không biết bao giờ mới đến hồi kết.
Cho đến thời điểm này các thủ đoạn để gian lận hoàn thuế VAT có lẽ không có gì mới, vẫn là mua bán hoá đơn, kê khống giá trị, thanh toán tiền hàng cùng rút tiền từ ngân hàng diễn ra trong một ngày và cùng tên người rút tiền, DN xin hoàn thuế không có kho hàng bến bãi, không có phương tiện vận chuyển…Cơ bản chỉ là vậy, nhưng kẹt nỗi mọi nghi ngờ không tự hiển hiện lên để cơ quan chức năng nắm bắt bằng chứng nên quá trình hoàn bị kéo dài do phải xác minh. Đó là cái lý của cơ quan thuế.
Còn với DN thì sao? Thực tế thì không DN nào chia sẻ được nỗi băn khoăn là chưa được hoàn chỉ vì bị nghi ngờ bởi họ cho rằng tiếp cận như vậy chỉ an toàn cho ngành thuế, còn lợi ích của DN bị đặt xuống hàng thứ yếu. Lập luận như vậy cũng hợp lý nếu nhìn từ góc độ của DN.
Vậy nút thắt của vấn đề nằm ở đâu? Các giải pháp thì cơ bản được bày ra hết rồi, yêu cầu thì cũng rốt ráo và quyết liệt từ cấp cao nhất xuống rồi. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, khi còn tồn tại nhiều khó khăn thì quả thật với những DN làm ăn nghiêm túc nếu được hoàn thuế (hiểu đúng theo nghĩa từ hoàn là lấy lại từ chính nguồn tiền của mình đã nộp trước đó) sớm chừng nào sẽ hay chừng ấy. Nhưng, cũng không thể vì sức ép khó khăn của nền kinh tế mà hạ thấp yêu cầu phòng ngừa trục lợi.
Tại buổi họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng rất thẳng thắn khi nói về trách nhiệm là “cần xem xét ở từng trường hợp, hồ sơ cụ thể”.
Cách nào gỡ rối?
Có thể hơi thừa nhưng vẫn phải khẳng định lại rằng hoàn thuế VAT là một chủ trương đúng đắn của cấp thẩm quyền, qua đó tạo động lực phát triển cho DN và cả nền kinh tế. Tiếp đến là quy trình hoàn hiện nay cũng rất minh bạch, đảm bảo ổn thoả cả 2 khía cạnh là thông thoáng với những DN đáp ứng tiêu chí và hạn chế ở mức cao nhất thất thoát ngân sách qua hoàn thuế.
Vậy câu hỏi không thể không đặt ra ở đây là nếu cái gì cũng ổn thì sao lại nghẽn? Nghẽn do quy định 40 ngày xử lý không đủ, do thẩm quyền của cơ quan thuế còn thiếu, hay nhìn rộng hơn là nghẽn do tư duy tiếp cận khi coi hoá đơn là công cụ kiểm soát để cứ phải chạy theo trong mệt mỏi?
Có lẽ phải sòng phẳng thừa nhận với nhau là với những trường hợp hoàn thuế có hoá đơn qua nhiều F thì việc xác minh trong một thời gian ngắn là không khả thi. Vậy gỡ mớ bòng bong này thế nào? Với ngành thuế bài học từ vụ Thuduc House e rằng sẽ không bao giờ nguội. Nhưng trước áp lực dư luận khi DN “kêu cứu” vì chưa được hoàn (từ được một số cơ quan thông tin đại chúng sử dụng) Bộ Tài chính sẽ tính sao đây?
Câu chuyện dường như rất khó dừng lại, dù Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết ngành thuế cũng đã báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào tháng trước. Giờ đây tất cả vẫn đang bề bộn, tìm được cách hiểu chung đã khó, huống gì nói đến giải pháp trọn vẹn cho tất cả!