Điều gì làm nên sự tin cậy
Nhật Bản quan trọng như thế nào đối với Việt Nam? Nhật Bản là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam, là địa bàn lớn thứ hai tiếp nhận lao động Việt Nam, nhà đầu tư FDI và thị trường khách du lịch lớn thứ ba và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là một trong hai đối tác quan trọng nhất của Nhật Bản ở Đông Nam Á, khu vực có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu của Nhật Bản.
Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, nhưng từ năm 1992, khi Nhật Bản nối lại việc cung cấp ODA cho Việt Nam, quan hệ giữa hai nước phát triển ổn định và nhanh chóng. Lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước thường xuyên thăm nhau; năm 2002, thiết lập khuôn khổ “quan hệ đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”; năm 2009, nâng cấp thành “Quan hệ đối tác chiến lược”; năm 2014 phát triển thành “Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, vì hòa bình, phồn vinh của châu Á”.
Hiện nay, chính giới và nhân dân hai nước đều khẳng định quan hệ giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp ở giai đoạn cao nhất trong lịch sử. Nhưng quan hệ giữa hai nước không chỉ bắt đầu cách đây 50 năm! Nếu nhìn lại chiều sâu lịch sử, người Việt Nam đầu tiên đến Nhật Bản là Nhà sư Phật Triết, tu tại Chùa Todaiji, tỉnh Nara, cố đô của Nhật Bản từ hơn 1300 năm trước. Theo sử sách Nhật Bản, Nhà sư đã mang theo giai điệu và những điệu dân vũ vùng Lâm Ấp (vùng Quảng Bình đến Quảng Nam ngày nay) để truyền bá trong cư dân, ảnh hưởng đến cả Nhã nhạc cung đình Nhật Bản. Nhưng câu chuyện tình đẹp nhất là mối tình của Công nữ Ngọc Hoa và Thương nhân Araki Sotaro vùng Nagasaki sang buôn bán ở Hội An đầu thế kỷ thứ 7.
Hiện nay, tại vùng này vẫn diễn ra Lễ hội “Đón công chúa” tái hiện cảnh Châu Ấn Thuyền đưa cặp vợ chồng Nhật - Việt cập cảng Nagasaki. Hiện tại, các nghệ sỹ hai nước đang xây dựng vở nhạc kịch “Công nữ Anyo” dựa trên câu chuyện tình lãng mạn này để công diễn tại hai nước đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 18 được tổ chức tại phố cổ Hội An, Việt Nam (Ảnh: KT). |
Những năm đầu thế kỷ 20 khi Nhà chí sỹ Phan Bội Châu phát động phong trào Đông Du, đưa nhiều thanh niên yêu nước sang học tập kinh nghiệm Duy Tân để giành độc lập cho đất nước. Hiện nay, tại tỉnh Shizuoka, miền Trung Nhật Bản vẫn còn một tấm bia của Phan Bội Châu tri ân Bác sỹ Asaba đã dành tâm sức, tiền của hỗ trợ cho các thanh niên yêu nước Việt Nam khi khó khăn. Mặc dù sự nghiệp không thành, nhưng ân tình thiêng liêng đó đã để lại những ký ức không thể nào quên trong lòng nhân dân hai nước.
Trong lịch sử cận đại giữa hai nước cũng có nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng cả hai nước đều có quyết tâm gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, xây dựng mối quan hệ gắn bó, hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân hai nước. Nền tảng cho mối quan hệ mật thiết, tin cậy đó là giữa hai nước không có mâu thuẫn đối kháng về lợi ích, không những thế, hai nước có khả năng hỗ trợ, bổ sung cho nhau trong các nhu cầu thiết yếu của mỗi nước: Nhật Bản có khả năng hỗ trợ Việt Nam về nguồn vốn, công nghệ và kinh nghiệm phát triển, trong khi Việt Nam là thị trường, nguồn cung cấp nhân lực cũng như nguyên liệu, sản phẩm nhiệt đới là những nhu cầu thiết yếu của Nhật Bản. Điều đáng quý là mặc dù hai nước đang có sự chênh lệch khá lớn về trình độ phát triển nhưng các nhà Lãnh đạo Nhật Bản luôn nhấn mạnh về quan hệ tin cậy và bình đẳng giữa hai nước.
Nhật Bản không chỉ là nước cung cấp vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam mà các khoản vay ưu đãi đó tập trung vào xây dựng hạ tầng cơ sở kinh tế, cải cách thể chế kinh tế và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm tạo nên đột phá chiến lược cho sự nghiệp phát triển của Việt Nam.
Sáng kiến chung Nhật - Việt về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam bắt đầu từ năm 2003 đã trải qua 20 năm, với 8 giai đoạn là sự giúp đỡ to lớn cho công cuộc phát triển của Việt Nam. Hơn nữa, cũng chính Nhật Bản là quốc gia G7 đầu tiên ký kết Hiệp định đối tác song phương (VJ EPA) với Việt Nam năm 2009. Mặc dù dành cho Việt Nam sự hỗ trợ to lớn, kể cả các khoản viện trợ không hoàn lại thường xuyên, nhưng chính phủ và nhân dân Nhật Bản cũng luôn luôn đánh giá cao ân tình của nhân dân Việt Nam dành cho người dân Nhật Bản khi xảy ra thiên tai, nhất là trong thảm họa động đất, sóng thần và rò rỉ phóng xạ hạt nhân năm 2011.
Trong các vấn đề quốc tế, Việt Nam và Nhật Bản có lợi ích chung là hòa bình, phồn vinh và phát triển ở khu vực và trên toàn thế giới. Vì vậy, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước tại các Diễn đàn đa phương. Nhật Bản luôn luôn ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về chủ quyền, hòa bình và tự do hàng hải phù hợp với công ước Liên hợp quốc về biển (UNCLOS) năm 1982. Việt Nam tích cực ủng hộ cải tổ Liên hợp quốc với Nhật Bản trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an.
Sự phối hợp giữa hai nước tại Diễn đàn khu vực đã đưa cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do ra khỏi bế tắc, mở đường ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình dương CPTPP năm 2018 và các Hiệp định thương mại đa phương khác. Với vai trò nước chủ nhà, Nhật Bản cũng dành cho Việt Nam sự tôn trọng và ưu tiên đặc biệt khi đã 2 lần mời Thủ tướng Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh G7 (2016 và 2023) và Hội nghị thượng đỉnh G20 (2019).
Chỉ trong khoảng hơn một thập kỷ, số sinh viên du học và người lao động Việt Nam sang Nhật Bản tăng nhanh đã đưa cộng đồng người Việt tại Nhật vượt mốc 500 ngàn người, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai ở Nhật Bản và là cộng đồng người Việt lớn thứ hai trên thế giới. Chính phủ, nhân dân và giới doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao sự đóng góp của cộng đồng người Việt vào sự phát triển của Nhật Bản.
Khách du lịch Việt Nam thăm Nhật Bản lên đến 500 ngàn người, khách du lịch Nhật Bản thăm Việt Nam khoảng 1 triệu người mỗi năm. Các hoạt động giao lưu văn hóa diễn ra thường xuyên tại mọi miền ở hai nước đã làm cho mối giao lưu nhân dân giữa hai nước phát triển phong phú và mạnh mẽ chưa từng có, giúp cho mối quan hệ Việt - Nhật trở nên “Toàn diện, Tin cậy, Hiệu quả” như đánh giá ở trên.