Điều bất thường trong kế hoạch ám sát ông Kim Jong-un khiến Hàn Quốc bị Triều Tiên bắt bài
Trong rất nhiều nỗ lực nhằm kiềm chế tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, đã nhiều lần Hàn Quốc đề cập đến biện pháp ám sát các lãnh đạo của Triều Tiên.
Tháng 3/1993, khi ông Kim Jong-il, cha của lãnh đạo Kim Jong-un, tuyên bố Bình Nhưỡng rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), làm cho căng thẳng leo thang trên bán đảo, ngay lập tức Hàn Quốc đã có những động thái nhằm ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên, khiến ông phải ở trong hầm trú ẩn tối mật nhiều tháng trời.
Từ đây, Triều Tiên luôn cực kỳ thận trọng trong việc bảo đảm an toàn cho lãnh đạo của họ.
Mới đây nhất, ngày 12/9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã phê chuẩn thành lập biệt đội Spartan 3000, có nhiệm vụ ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tờ New York Times dẫn lời ông Shin Won-sik, một cựu tướng ba sao Hàn Quốc: “Đội đặc nhiệm Spartan 3000 là phương án tối ưu. Nếu Seoul không thể tự sản xuất vũ khí hạt nhân, thì ít nhất cũng có thể khiến Kim Jong-un lo lắng”.
Chỉ là “đòn gió”
Spartan 3000 là lực lượng gồm 3000 lính đặc nhiệm thiện chiến, có nhiệm vụ chính là ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong-un và tiêu diệt các cứ điểm quân sự quan trọng của Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, việc thành lập biệt đội Spartan 3000, thực chất chỉ như một lời đe dọa đối với Bình Nhưỡng trong bối cảnh các lệnh trừng phạt gần như không thể ngăn được Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân.
Trước động thái cứng rắn của Bình Nhưỡng, cả Mỹ và Hàn Quốc đều có rất ít sự lựa chọn. Vì vậy, việc đưa ra một tuyên bố về kế hoạch ám sát ông Kim được cho là một cách để nuôi hy vọng thuyết phục Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.
Nhưng kế hoạch này đem lại rủi ro rất lớn đối với Hàn Quốc mà khả năng thành công lại ở mức rất thấp. Ông John Nilsson-Wright, chuyên gia về châu Á tại Viện nghiên cứu Chatham House ở London (Anh) đưa ra nhận định, nỗ lực ám sát ông Kim Jong-un như một con dao hai lưỡi. Nó dễ dàng khiến Hàn Quốc hứng đòn trả đũa quân sự mạnh mẽ từ Triều Tiên và dẫn đến leo thang xung đột trong khu vực.
Việc Hàn Quốc công khai kế hoạch ám sát lãnh đạo Triều Tiên có điều gì đó bất thường. Bởi, một kế hoạch ám sát thật sự sẽ được bảo mật nhằm tạo sự bất ngờ để mang lại hiệu quả.
Phải chăng, việc Hàn Quốc công khai kế hoạch này chẳng qua chỉ là một “đòn gió” khiến ông Kim phải dè chừng trước khi ra các quyết định quan trọng?
Phía Hàn Quốc cho biết ám sát ông Kim Jong-un là một trong nhiều lựa chọn để giải quyết vấn đề hạt nhân bán đảo (Ảnh: KCNA)
Nhiệm vụ bất khả thi
Đội đặc nhiệm Spartan có khoảng 3000 binh sĩ, được huấn luyện tinh nhuệ và có khả năng tác chiến cao. Nhưng nếu thật sự phải thực thi nhiệm vụ, thì việc hoàn thành kế hoạch ám sát lãnh đạo họ Kim là điều cực kỳ khó khăn, nếu không nói là bất khả thi.
Các lãnh đạo Triều Tiên từ trước đến nay luôn phản ứng thận trọng và cảnh giác rất cao với khả năng bị ám sát. Bên cạnh họ luôn có đội ngũ an ninh hùng hậu, tinh nhuệ và trung thành để bảo vệ, chưa kể các lực lượng tình báo khác luôn có khả năng phát hiện sớm những vấn đề khả nghi.
Ông Kim Jong-un mỗi lần xuất hiện trước công chúng, bên cạnh lực lượng bảo vệ còn có các đoàn xe giả làm “chim mồi” hoặc có các biện pháp khác để tung hỏa mù, như đi xe của cấp dưới, thay đổi giờ giấc xuất hiện, thậm chí có thể dùng nhân vật thế thân và tạo “vành đai” an toàn xung quanh...
Theo Daily Star (Anh), vào hồi tháng 7, một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ, khi ông Kim Jong-un đi thị sát tại một bãi phóng tên lửa Hwasong-14 đã xuất hiện rất nhiều người có vẻ ngoài giống nhà lãnh đạo này.
Chưa thể kiểm chứng độ xác thực của thông tin trên, nhưng đây cũng được coi là một cách "tung hỏa mù", và cho thấy sự thận trọng của ông Kim nhằm che dấu tung tích thật sự của mình trước các tình báo nước ngoài.
Trong vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) gần đây nhất vào tối 28/7, ông Kim Jong-un đã giám sát sự kiện. Giới quan sát cho rằng vụ phóng được tiến hành vào lúc gần nửa đêm để đề phòng nguy cơ ám sát đối với nhà lãnh đạo.
Ngoài ra, để ngăn ngừa các ý đồ nhằm vào ông Kim, Triều Tiên còn thuê 10 cựu điệp viên tình báo KGB thuộc Ủy ban an ninh Quốc gia Liên Xô cũ để huấn luyện cho lực lượng tình báo, giúp tăng khả năng phát hiện và ứng phó với các hành động ám sát và tấn công.
Với tinh thần cảnh giác cao độ cùng những hành động thận trọng và lực lượng bảo vệ tinh nhuệ, ông Kim Jong-un có đủ tự tin để miễn nhiễm với nguy cơ bị ám sát. Vì vậy, việc Hàn Quốc thành lập biệt đội Spartan 3000 nhưng lại công khai kế hoạch ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong-un, có thể nhận thấy, đó chỉ là một lời hù dọa và khả năng thành công là điều không thể.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Đại úy Phạm Doãn Tình/Tiểu đoàn 5 - Trường Sĩ quan Chính trị