Điện Biên Mường Nhé: Thu nhập 100 triệu đồng từ trồng cam Vinh
Theo chân những cán bộ của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé đến với gia đình ông Khoàng Văn Pánh bản Mường Nhé xã Mường Nhé - một điểm hình của xã trong việc phát triển cây cam Vinh. Cũng từ việc chuyển đổi sang trồng cam Vinh mà gia đình ông từ một hộ nghèo đã trở thành hộ gia đình khá giả của địa phương, hàng năm thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Vườn cam Vinh của gia đình ông Khoàng Văn Pánh chuẩn bị cho thu hoạch
Thăm quan vườn cam Vinh trĩu quả, đang chuẩn bị thu hoạch, với nét mặt phấn khởi ông Khoàng Văn Pánh tâm sự: Những năm trước cuộc sống của gia đình tôi khá vất vả, tất cả thu nhập của gia đình chỉ trông mong vào những mảnh nương ngô, nương lúa đã bạc màu, năm nào thuận lợi thì được mùa, đủ ăn còn năm nào hạn hán, dịch bệnh thì mất mùa, đói ăn thường trực. Nhưng từ năm 2013 phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai mô hình trồng cây cam Vinh ông đã mạnh dạn nhận trồng 1 ha với 500 gốc cam. Sau hơn 3 năm chăm sóc cẩn thận cùng với sự hướng dẫn về kỹ thuật của cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cây cam Vinh đã cho thu hoạch. Từ năm 2016 đến nay mỗi năm gia đình ông thu về hơn 4 tấn cam quả thành phẩm, thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Dẫn chúng tôi đi thăm các hộ cùng tham gia mô hình trồng cây cam Vinh ông Trần Trung Kiên – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: xã Mường Nhé là địa phương có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khá hợp với việc trồng các loại cây có múi. Đặc biệt, ở xã có giống cam địa phương khá ngon, tuy nhiên, cùng với thời gian giống cam này cũng dần thoái hóa và dần mất đi. Để giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây trồng có giá trị cao vào sản xuất, Phòng đã lựa chọn mô hình trồng cây cam Vinh tại bản Mường Nhé, xã Mường Nhé. Mô hình với sự tham gia của 44 hộ với 14,3ha.
Mỗi năm gia đình ông Khoàng Văn Pánh thu nhập hơn 100 triệu đồng từ cây cam Vinh
Để giúp nông dân nắm bắt được các quy trình chăm sóc Phòng đã cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn bà con theo phương thức cầm tay chỉ việc; từ công đoạn trồng, đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch. Sau khi hết thời gian triển khai mô hình Phòng vẫn tiếp tục cử cán bộ theo dõi, hướng dẫn nhằm giúp người dân trong quy trình chăm sóc để có chất lượng quả tốt nhất. Cam Vinh có đặc điểm quả tròn đều, mọng nước, khi chín có vị ngọt, thanh mát, nhiều nước, bởi vậy được nhiều người tiêu dùng trên địa bàn ưa chuộng.
“Trong những năm qua, huyện Mường Nhé đã triển khai rất nhiều mô hình cây ăn quả khác nhau, tuy nhiên cây cam Vình sau một thời gian triển khai đã cho thấy sự phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây. Hiện trung bình 1ha cho năng suất từ 3 – 4 tấn, với mức giá từ 25.000 – 30.000 đồng/kg thì mỗi ha cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm, cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa, trồng ngô và một số loại cây khác ”, ông Trần Trung Kiên nói.
Duy Linh