"Điểm danh" những lễ hội đặc sắc trong tháng 3
Lễ hội Hoa Ban tại Điện Biên
Lễ hội hoa Ban là hoạt động của tỉnh Điện Biên được tổ chức thường niên đã trở thành sản phẩm, thương hiệu du lịch đặc trưng được đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài nước quan tâm, chào đón. Lễ hội giúp góp phần thúc đẩy du lịch tỉnh Điện Biên phát triển, đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh tỉnh Điện Biên và khu vực Tây Bắc.
Cổng chào vào khu vực sân khấu - nơi diễn ra chương trình khai mạc Lễ hội Hoa Ban tỉnh Điện Biên năm 2022. Ảnh: Vũ Lợi/VOV |
Theo UBND tỉnh Điện Biên, năm nay các hoạt động chính sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 14/3/2022 tại Thành phố Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, Lễ hội Hoa Ban sẽ chỉ còn lại chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc và các hoạt động tuyên truyền cho lễ khai mạc. Cuộc thi ảnh “check-in Điện Biên” sẽ được tổ chức online và những hoạt động trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch vẫn được diễn ra. Các hoạt động khác như cuộc thi Người đẹp hoa Ban, hoạt động diễu hành đường phố, bắn pháo hoa nổ trong lễ khai mạc và các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao… đã bị dừng tổ chức.
Lễ hội Thủy tổ Quan họ tại Bắc Ninh
Lễ hội Thủy tổ Quan họ (Lễ hội làng Diềm) diễn ra tại khu Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2016.
Năm nay, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh, lễ hội được rút gọn hơn và chỉ tổ chức phần lễ. Điểm đặc sắc nhất của lễ hội chính là nghi lễ rước nước. Đoàn rước gồm các cụ trong đội tế, rước kiệu từ Đền Vua bà sang Đền Cùng giếng ngọc lấy nước và sau đó rước về Đền Vua bà để thờ.
Nghi lễ rước nước. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN |
Lễ hội Bà Thu Bồn tại Quảng Nam
Lễ hội là một trong những giá trị văn hóa, tâm linh mang đậm dấu ấn đời sống tín ngưỡng dân gian của quê hương, xứ sở gắn với sông mẹ Thu Bồn, thể hiện mong muốn mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an cho cộng đồng làng xã nơi đây. Lễ hội giúp giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, từ đó nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân sống dọc theo hai bên bờ sông Thu Bồn.
Dinh Bà Thu Bồn ở huyện Nông Sơn. Ảnh: Lê Trung |
Ngày 5/3 vừa qua, UBND huyện Duy Xuyên đã ban hành kế hoạch tổ chức Lễ đón Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Bà Thu Bồn. Theo đó, Lễ đón Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Bà Thu Bồn sẽ được tổ chức vào ngày 14/3/2022 (ngày 12/2 âm lịch) tại khu vực Lăng Bà Thu Bồn. Trong các ngày 12,13 và 14/3/2022 (ngày 10, 11, 12/2 âm lịch) sẽ diễn ra các hoạt động giải bóng chuyền nam, nữ; Hội thi nữ công gia chánh, Trưng bày sản phẩm OCOP và các sản vật quê hương, Hô hát bài chòi, Biểu diễn dân ca kịch Quảng Nam, Thả hoa đăng trên sông Thu Bồn; Giải đua thuyền nam, nữ.
Lễ hội áo dài TP HCM
Lễ hội Áo dài TP.HCM là hoạt động văn hóa - du lịch do Sở Du lịch phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức định kỳ vào tháng 3 hằng năm với ý nghĩa tôn vinh, bảo tồn, phát triển và quảng bá trang phục Áo dài truyền thống và chào mừng ngày quốc tế phụ nữ 8/3.
Qua 6 lần tổ chức, năm nay, Lễ hội Áo dài đã có sự đột phá về quy mô tổ chức với chuỗi hoạt động phong phú, đa dạng, vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính tương tác cao nên thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước và sự hưởng ứng tham gia của các nhà thiết kế áo dài, các nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ sĩ, người nổi tiếng.
Năm 2022, Lễ hội diễn ra từ ngày 5/3 đến 15/4/2022 với chủ đề "Tôi yêu áo dài Việt Nam". Một số hoạt động nổi bật của lễ hội năm nay gồm: cuộc thi "Duyên dáng áo dài TP.HCM", cuộc thi ảnh đẹp áo dài online, cuộc vận động thiết kế mẫu áo dài với chủ đề "Áo dài ra thế giới" và các chương trình truyền cảm hứng về áo dài cho du khách và người dân TP.HCM.
Chương trình khai mạc Lễ hội Áo dài 2022 diễn ra vào 5/3 vừa qua. Ảnh: Báo Người Lao động |
Lễ hội Dinh Cô tại Bà Rịa Vũng Tàu
Lễ hội Dinh Cô được xem là lễ hội lớn nhất vùng biển Nam Bộ, diễn ra hằng năm thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Những năm trước, lễ hội thu hút rất đông đảo người dân địa phương và du khách đến cầu mong những điều an lành, may mắn cho cuộc sống.
Lễ hội Dinh Cô nằm trong hệ thống lễ hội thờ Mẫu - Nữ thần tiêu biểu của ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhưng đây không đơn thuần chỉ thờ Mẫu - Nữ thần mà là sự kết hợp của lễ hội Cầu Ngư với tục thờ cúng Thần biển (Bà Thủy Long, cá voi của người Chăm) và tín ngưỡng thờ Mẫu - Nữ thần của cư dân địa phương vì vậy khi đến với lễ hội Dinh cô ngoài việc để cầu an, xem những trò chơi dân gian, nghe hát Bả Trạo thì du khách còn có thể ngắm nhìn toàn cảng bãi biển Long Hải ngay tại hành lang của chính điện.
Năm nay, lễ hội Dinh Cô diễn ra từ ngày 11 - 14/3 (mùng 9 - 12/02 âm lịch). Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên địa phương chỉ tổ chức phần nghi lễ cúng truyền thống (Giỗ Cô).
Múa lân-sư-rồng trong Lễ hội Dinh Cô. Ảnh:Báo Bà Rịa Vũng Tàu |