Đi du lịch, ở resort, sắm toàn đồ hiệu - Lối sống "kỳ lạ" của dân Hà Nội có thực sự khó hiểu như Giám đốc người Anh đề cập?
Mới đây, anh Steve Jackson quốc tịch Anh đã có một bài viết gây tranh cãi về lối sống kỳ lạ của dân Hà Nội: Tôi không hiểu họ lấy tiền đâu để đi du lịch, ở resort, sắm đồ hiệu nhiều đến vậy? Theo Steve Jackson, anh không thể lý giải được rằng vì sao có rất nhiều người Hà Nội dù mức lương thấp nhưng họ lại vẫn có thể đi du lịch nước ngoài, ở những khu nghỉ sang trọng và xài hàng hiệu như nước.
Steve Jackson - Giám đốc người Anh ngạc nhiên trước lối sống kỳ lạ của dân Hà Nội: Tôi không hiểu họ lấy tiền đâu để đi du lịch, ở resort, sắm đồ hiệu nhiều đến vậy?
Sự khó hiểu của anh Steve Jackson có lẽ cũng là sự khó hiểu chung của rất nhiều người, nhưng nếu nhìn sâu hơn vào mọi chuyện từ nhiều góc độ, có lẽ chúng ta cũng sẽ thấy sự giàu có của không ít người Hà Nội không hề phức tạp và khó hiểu đến thế.
Đầu tiên, trong bài của mình, vị Giám đốc người Anh dẫn câu chuyện của những người sống ở ven hồ Tây khi họ cứ liên tục đăng tải những bức ảnh ăn chơi sang chảnh. Cuối cùng, anh đặt câu hỏi vậy tiền ở đâu ra?
Nhưng cả anh và nhiều người hẳn không hề biết rằng, những khu ven hồ trước đây vốn đa phần đất làng đất xã, đất ven hồ cuối ngõ thậm chí không ai buồn ngó đến, nhiều người dân đã mua gom từ thời nó còn cực rẻ.
Một con đường ven hồ mở ra, giá đất tăng phi mã, họ bán đi vài mảnh dư tiền sống cả đời, con cái họ sung sướng. Vậy con cái họ và bản thân họ không nhẽ không có quyền hưởng thụ?
Ảnh chụp khoe sự giàu có của người Việt từ tài khoản Instagram richkidsofvietnam - Hội con nhà giàu Việt Nam.
Quá trình làm giàu như trên chắc chắn gây khó hiểu, thậm chí cực kỳ khó hiểu với những người nước ngoài sống trong một xã hội chuẩn hóa đã cả trăm năm, mọi giao dịch tài chính thực hiện qua ngân hàng, vì thế họ dễ để hiểu sự giàu có ở đâu ra và tiền luân chuyển trong xã hội như thế nào.
Và câu chuyện trên không chỉ diễn ra ở khu vực quanh hồ Gươm, hồ Tây... Hà Nội quá rộng và có quá nhiều cách để kiếm tiền từ những công việc không thể hiện trên số liệu tài chính chính thức. Tác giả bài viết từng tham gia một dự án với gần một trăm người bán hàng nhỏ lẻ ở khắp các chợ Hà Nội.
Để đảm bảo cho tính xác thực của số liệu, nhóm nghiên cứu đã phải đi cùng với những người bán hàng đó suốt nhiều ngày để quan sát về doanh số bán hàng, doanh thu bán hàng, nguồn hàng, lợi nhuận từng ngày, từng tháng.
Và kết quả vô cùng bất ngờ, nhiều người bán hàng giàu hơn chúng ta tưởng tượng, và hoàn toàn chính đáng. Bạn nghĩ gì khi nhìn thấy những người bán rong mấy thứ trái cây như bưởi, táo ở các chợ Hà Nội? Nhìn họ nhem nhuốc, lấm lem? Bạn nghĩ chắc chắn họ khổ và nghèo lắm?
Xung quanh hồ Tây, những ngôi nhà mọc lên san sát. Ảnh: Zing.
Tôi đồng ý rằng phần đông người bán hàng rong có cuộc sống không hề dễ dàng, nhưng trong những người bán hàng rong đó có nhiều người đã vượt lên cuộc sống của họ, nhưng vẻ ngoài của họ vẫn vô cùng bình thường.
Lấy đơn cử một gia đình bao gồm tám anh chị em ở khu Cầu Diễn, Hà Nội. Xuất phát điểm của họ ban đầu cũng chỉ là những người đi lấy lại bưởi của người khác, đi bán lại. Nhưng do có duyên buôn bán nên họ bán được rất nhiều, nguồn hàng vừa rẻ vừa ngon.
Họ bắt đầu nghĩ đến tại sao họ không làm nhiều hơn. Và họ đã quyết tâm. Tám anh chị em bán đất ở quê đi mua xe tải và vào tận vườn trái cây trong Đồng bằng Sông Cửu Long, ký hợp đồng mua dài hạn, bao tiêu hàng loạt loại trái cây từ nơi có nguồn hàng cho đến thị trường tiêu thụ.
Ở thời điểm hiện tại, gia đình tám người đó với hệ thống bán hàng hoa quả rong bao thầu cả mười mấy chợ Hà Nội mỗi tháng ăn tiêu xong vẫn còn mấy trăm triệu. Vậy nên những người như anh Steve Jackson nếu chỉ nhìn đơn giản vào một cô bán hàng rong hoa quả thì tiền đâu xây nhà tiền tỷ, chắc chắn anh cũng sẽ thốt lên: "Ôi mấy người này kiếm tiền ở đâu ra thế nhỉ?".
Hội con nhà giàu Việt Nam được báo Mỹ nhắc tên.
Và dù tài sản của họ tiền tỷ, nhưng họ cực kỳ khó để chứng minh được nguồn tiền của mình. Chính vì vậy, họ có tiền tỷ xây nhà, sau khi bán hàng xong họ cởi bộ quần áo lem luốc ra để đi vào những căn nhà to đẹp, nhưng họ lấy gì để chứng minh tài chính với ngân hàng nếu con họ muốn đi du học và cần chứng minh tài chính? Trước đây điều đó rất dễ, nhưng những năm gần đây khi nhiều thị trường du học yêu cầu phải chứng minh cả nguồn gốc phát sinh số tiền, thì thật sự quá khó đối với họ.
Chỉ khoảng 20 năm trở lại, giao dịch tài chính mới được thể hiện nhiều qua ngân hàng, các giao dịch như bất động sản mới được thực hiện qua phòng công chứng, thuận lợi và minh bạch hơn rất nhiều so với trước đây.
Nhưng còn khoảng thời gian tính từ khi đất nước độc lập cho đến ngoài năm 1990, hàng triệu giao dịch bất động sản chỉ thông qua viết tay, tài sản hình thành qua đó là một con số lớn khủng khiếp và không thể có số liệu tài chính nào của ngân hàng chứng minh được, việc một người đến từ nước đã có yêu cầu giao dịch tài chính qua ngân hàng cả trăm năm không hiểu nổi quy luật hình thành tài sản cũng không có gì khó hiểu.
Tiếp tục với quan điểm của anh Steve Jackson về việc tại sao có nhiều cửa hàng cửa hiệu ở khu đẹp mà vô cùng vắng người qua lại. Vậy sao nó vẫn tồn tại? Để lý giải cho điều này, người viết có thể lấy ví dụ sau.
Bạn của người viết sở hữu khoảng năm, sáu tiệm cafe ở khắp các khu vực đông dân cư của Hà Nội, doanh thu một quán/một đêm nhiều khi lên đến 15,20 triệu đồng, trừ chi phí đi cũng lãi được phân nửa số đó. Nhưng anh cũng có một vài quán ở địa điểm khác mà khi đến ngay cả giờ cao điểm nó vắng vẻ buồn thiu. Tại sao anh làm vậy?
Anh lý giải, cách đó không xa có một tòa nhà văn phòng chuẩn bị hoàn thành, và anh chấp nhận lỗ ở cái cửa hàng đó thậm chí hơn năm liền, để sau này ngay khi tòa nhà đi vào hoạt động, anh đã sẵn sàng đón những đợt khách văn phòng đầu tiên, khách quen anh sẽ đến quán nhà anh mãi.
Vậy đó, có những điều không nên chỉ nhìn hiện tượng mà phán bản chất. Hãy đi sâu tìm hiểu, chúng ta sẽ hiểu rằng quanh ta có quá nhiều người nhờ làm ăn chân chính mà giàu, rất giàu. Và đừng nên nhìn một vài sự việc để vội vàng quy cho nó những lý do có vẻ như không được đàng hoàng cho lắm.
*Bài viết thể hiện quan điểm của chị Ngọc Diệp - một nhà báo Kinh tế hiện đang có khoảng thời gian học và làm việc tại Nhật.
Ngọc Diệp