Đến Mường Nhé mục sở thị sự độc đáo trong Lễ Cầu mùa người Si La
Lễ Cầu mùa được người Si La gọi là Mỳ lý lùa. Đây là một nghi lễ phồn thực quan trọng đối với người Si La và nó được lưu giữ từ đời này qua đời khác. Lễ hội được tổ chức vào tháng 6 hàng năm. Người Si La quan niệm, sau khi gieo hạt, với ước nguyện cầu được mưa thuận gió hòa, một vụ mùa năng suất cao, thì phải tổ chức Lễ Cầu mùa. Cầu cho mưa thuận gió hòa để cây trồng tốt tươi, mùa màng bội thu, cầu mong các vị thần linh che chở cho con người, bảo vệ mùa màng khỏi thiên tai, dịch bệnh.
Người dân chuẩn bị bàn thờ để thực hiện lễ cúng các thần linh.
Lễ hội phản ánh ước muốn của người Si La về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Theo ông Lý Chà Che, già làng Nậm Sin thì: “Lễ Cầu mùa thường tổ chức mỗi năm một lần, lễ diễn ra trong một ngày nhưng không trùng với ngày kiêng kỵ của gia đình (tức không cùng ngày giỗ của ông bà, bố mẹ). Lễ Cầu mùa của người Si La không được định ngày cụ thể mà khi cây lúa nương đã bắt đầu xanh tốt với sự tham gia của tất cả đồng bào”.
Chuẩn bị mâm cúng tại nương lúa.
Lễ vật dâng cúng cũng đơn giản chỉ gồm một con chó và một con gà. Tuy nhiên, con chó để dâng cúng phải có lông màu vàng. Song, người Si La chỉ dâng cúng chó vào những năm cây lúa lên không tốt, nhiều sâu bệnh, thời tiết khô hạn, báo hiệu một năm sẽ gặp nhiều khó khăn và có thể bị mất mùa. Đặc biệt trong Lễ Cầu mùa của người Si La, nếu năm nào mà lễ vật dâng cúng là chó thì phải kèm theo một con gà; năm nào lễ vật dâng cúng chỉ có gà thì phải có hai con (trống, mái đều được).
Người thực hiện nghi lễ có thể là chủ nhà nếu biết cúng hoặc nhờ một thầy cúng. Có một điều đặc biệt, con vật được dùng làm lễ vật dâng cúng phải đã chết và nguyên con.
Thầy cúng thực hiện nghi lễ.
Sau khi thầy cúng thực hiện xong các nghi lễ, thầy cúng lấy lửa châm vào lông con vật dâng cúng cho cháy đến khi có mùi khét, với ý nghĩa đã mời được các vị thần linh về ngự. Sau nghi lễ, người đi phụ thầy cúng cắm những tấm phên được đan bằng tre, nứa - người Si La gọi là (plạ) tại nơi cúng và các đầu đường ra vào mảnh nương.
Ngoài ra, trong mảnh nương đó có bao nhiêu đường ra vào thì mỗi đầu đường phải cắm một tấm phên với quan niệm ngăn chặn ma tà vào phá nương rẫy, đồng thời cũng là báo hiệu để những ai đi qua nhìn thấy tấm phên thì không được vào mảnh nương đó. Và một điều đặc ở Lễ Cầu mùa của Si La là trong khoảng thời gian làm lễ phụ nữ không được vào mảnh nương đó.
Người già đại diện cho cả bản cắm cây (plạ) ở các con đường vào nương, rẫy... để cấm người dân lên nương trong khi đang làm lễ cúng
Ông Hù Chà Thái, người dân bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé cho biết: “Làm lễ cầu mùa để cầu xin các vị thần linh, đất trời phù hộ cho hoa màu tốt tươi, mùa màng bội thu, qua đó tạo khí thế và hy vọng vào năm mới, vụ mới cuộc sống sẽ ấm no, tốt đẹp hơn. Hơn thế, đây còn là dịp thể hiện tinh thần đoàn kết, sức mạnh cộng đồng, dòng họ với ước vọng cuộc sống ngày đầy đủ và ấm no.”
Phụ nữ ở nhà chuẩn bị đồ để tổ chức liên hoan sau nghi lễ.
Khác với nhiều nghi lễ, lễ hội khác, Lễ Cầu mùa của dân tộc Si La không có phần hội. Sau nghi lễ trên nương, mọi người về nhà liên hoan chúc gia chủ vụ mới được mùa và ước mong một cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc.
Duy Linh