ĐBSCL: Giải “bài toán”phát triển du lịch gắn với lợi ích nông dân
Du lịch ĐBSCL… vẫn còn nghèo nàn
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với ưu thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú của hệ sinh thái vùng hạ lưu sông Mê Kông, kết hợp với tinh hoa văn hóa, lịch sử cộng đồng đã tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo. Trong đó, các hệ thống các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với hệ sinh thái miệt vườn, sông nước đã trở thành sản phẩm chủ đạo của vùng, khi trải nghiệm cuộc sống trên sông nước bằng ghe, tàu rất hấp dẫn du khách. Những năm gần đây, du lịch ĐBSCL có nhiều chuyển biến tích cực;có nhiều địa phươngđã triển khaicác quy hoạch, chính sách phát triển du lịch. Một trong những hướng khai thác mới mà nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL đẩy mạnh triển khai đó là du lịch nông nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ về định hướng phương phát triển, trong đó ưu tiên phát triển du lịch nông nghiệp của tỉnh tại hội thảo.
Ông Nguyễn Đạo Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho hay, xu thế du lịch nông nghiệp được thế giới coi trọng vì đem lại nhiều giá trị nhiều mặt, đóng góp phát triển kinh tế -xã hội. Trong xu thế phát triển, liên kết hình thành chuỗi giá trị giữa nông nghiệp và du lịch là hết sức quan trọng, sẽ đem lại nhiều giá trị tích cực, đặc biệt là vấn đề tạo sinh kế, tăng thu nhập cho bà con nông dân, góp phần gìn giữ được nghề nông nghiệp truyền thống, duy trì được sản vật địa phương có giá trị…
Bên cạnh đó, du lịch và nông nghiệp phát triển cùng hướng tới giá trị bền vững cùng chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia, đặc biệt là những người nông dân. Các dịch vụ phục vụ du khách tại các làng quê, thôn bản với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng địa phương sẽ đem lại thu nhập, tạo thêm nguồn sinh kế ổn định, cải thiện đời sống cho người nông dân, giúp người dân gắn bó với quê hương.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương phát biểu tại hội thảo.
Trong năm 2017, ĐBSCL đã đón tiếp trên 20 triệu lượt khách tăng trung bình 9%/năm. Dù lượng khách đến khu vực có sự tăng trưởng nhưng lượng khách lưu trú tại khu vực rất thấp, tầm hơn 2 triệu khách lưu trú trong tổng lượng khách đến khoảng 20 triệu lượt. Mức chi tiêu của du khách đến vùng ĐBSCL còn thấp so với chi tiêu bình quân của khách du lịch Việt Nam, chỉ khoảng 22 USD/du khách/ngày.
Ngoài việc không giữa chân được du khách lưu trú, ông Dũng nhận định, tình hình du lịch nông nghiệp tại ĐBSCL xuất phát từ đặc điểm quy mô canh tác nhỏ, lạc hậu; hoạt động canh tác, sản xuất thường đan xen với nhiều hoạt động kinh tế khác nên khai thác tiềm năng còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn, đơn điệu về dịch vụ, thiếu tính chuyên nghiệp, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên có sẵn nên nghèo nàn và trùng lắp... Phần lớn các trang trại, nhà vườn du lịch chưa được đầu tư theo chiều sâu với quy mô và chất lượng để có thể trở thành sản phẩm chuyên biệt, có năng lực cạnh tranh cao.
Cần có chiến lược phát triển và đầu tư
Theo ông Phạm Thế Triều - Phó Giám đốc sở Văn hóa thể thao và du lich An Giang, nhiều nơi trong cả nước đã và đang đẩy mạnh chú trọng khai thác loại hình du lịch nông nghiệp. Các tỉnh, thành ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng cũng đang dần khẳng định vị thế và tích cực nâng cấp chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp của địa phương, đặc biệt xây dựng loại hình du lịch nông nghiệp tại các vùng nông thôn mới.
Sản phẩm du lịch sông nước đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long, hấp dẫn du khách.
Nói về quan điểm của phát triển du lịch nông nghiệp,ông Triều cho rằng,du lịch nông nghiệp nông dân là chủ trương đúng đắn, hỗ trợ phát triển du lịch bền vững. Thế nhưng cần có sản phẩm du lịch đặc thù và cần có tính đồng bộ. Việc nông dân làm du lịch sẽ tốt, tạo điều kiện cho nhân dân nội tại ở vùng lân cận rất tốt, mang lại hiệu quả thiết thực mang tính chiều sâu. Nhưng cần có chương trình quảng bá du lịch để hỗ trợ người dân, làm nền tảng phát triển du lịch cùng người dân. Hiện, ĐBSCL đầu tư cho du lịch nông nghiệp, nông dân còn ít. Mặc dù, đến giờ mới phát triển du lịch nông nghiệp đã trễ nhưng vẫn cần thực hiện, du lịch nông nghiệp là một kết nối với chương trình nông thôn mới rất tuyệt vời.
Đồng quan điểm, ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL việc đầu tư du lịch gắn với nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; việc quy hoạch không gian sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn để đảm bảo thu hút đầu tư phục vụ du lịch gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL có quy mô vừa và nhỏ, nên việc đầu tư cho phát triển du lịch gặp khó nếu không có chiến lược phát triển và chính sách hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, ông Chung cho rằng, đầu tư có du lịch nông nghiệp cần có thời gian, lâu dài. Ngoài hoạt động sản xuất nông nghiệp, để khai thác du lịch cần phải đầu tư để tạo dựng cảnh quan, xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo, thu hút lao động, bồi dưỡng thuyết minh, hướng dẫn viên...
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã nêu lên tình trạng chung của hoạt động du lịch nông nghiệp trong vùng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, mới dừng lại khai thác ban đầu chưa thực sự bền vững; các sản phẩm du lịch còn chưa rõ nét và hiệu quả trong việc thu hút khách du lịch chưa cao; gặp khó với thủ tục lưu trú khách…
Đánh giá về việc định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho rằng, hoạt động du lịch vừa tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn; vừa góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của người dân nông thôn. Phát triển du lịch sẽ lan toả ra các ngành kinh tế khác, đặc biệt là các ngành thương mại, dịch vụ; làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế các địa phương; từ đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. “Trong quá trình chỉ đạo xây dựng nông thôn mới chúng ta phải đặc biệt coi trọng vấn đề gắn phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn với việc cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” - ông Tiến lưu ý. Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương tổng thu nhập của người dân nông thôn hiện nay, có 73% thu nhập từ các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp và dịch vụ, sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%. Để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân nông thôn, ngoài việc tiếp tục thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, cần phải đa dạng hoá ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó phát triển du lịch là một hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt và nổi bật của nông nghiệp, nông thôn. |
Thành Thật