ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói về vụ "giải cứu người" ở quận Bắc Từ Liêm
Xử lý hơn 4.000 trường hợp vi phạm giao thông trong ngày 1/9 Ngày đầu kỳ nghỉ lễ 2/9: 25 người chết, 16 người bị thương vì tai nạn giao thông Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có nhân sự mới |
Như đã thông tin, vào khoảng 10h06 phút ngày 2/8/2019, Công an phường Cổ Nhuế 1 đã tiếp nhận được đơn trình báo của ông Lê Văn Vàng (sinh năm 1981, HKTT tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) hiện là người nhận ủy quyền của HĐQT Trường Tiểu học –Trung học cơ sở Pascal (Trường Pascal). Công an quận Bắc Từ Liêm cũng nhận được tin báo qua điện thoại của chị Nguyễn Hồng Linh (sinh năm 1992, HKTT tại phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).
Công an quận Bắc Từ Liêm thông tin báo chí về vụ việc. |
Cả ông Vàng và chị Linh cùng là nhân viên của bà Lê Thị Bích Dung – Phó Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục TDS Việt Nam (viết tắt là Công ty TDS) đều báo tin về việc một số nhân viên của bà Dung bị người của bà Trần Kim Phương – Chủ tịch HĐQT Công ty TDS bắt giữ tại lô TH1, Khu đô thị mới Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.
Liên quan đến sự việc, ngày 9/8/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra công an quận Bắc Từ Liêm đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Chống người thi hành công vụ và khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1963, HKTT tại xã Văn Bình, huyện Thường Tín, TP Hà Nội – tạp vụ Công ty TDS) và ông Đỗ Văn Hà (sinh năm 1954, HKTT tại xã Nam Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình – bảo vệ Công ty TDS) theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, ngày 19/8/2019, bà Trần Kim Phương đã gửi đơn đến báo Thời Đại trình bày cụ thể nội dung về vụ việc này.
Trong đơn Chủ tịch HĐQT Công ty TDS khẳng định, không có việc giữ người trong vụ việc được cho là lực lượng chức năng phải "giải cứu con tin". Đằng sau những lùm xùm gần đây tại Trường Pascal là tranh chấp giữa hai nhóm cổ đông.
Trả lời các cơ quan báo chí, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, nếu thực sự trong trường hợp cấp thiết thì phải tổ chức giải cứu người bị giam giữ là cần thiết nhưng phải đúng luật chứ không được theo cảm tính.
Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội |
“Tôi đã xem khá kĩ hồ sơ tài liệu về vụ này và cả thông tin trên báo chí thì thấy không có tình thế cấp thiết, không có tình huống theo pháp luật là giải cứu con tin và cũng không có tình huống phải huy động một lực lượng hùng hậu như vậy để giải quyết. Tôi cũng đã nêu câu hỏi đối với một đồng chí lãnh đạo Công an Hà Nội rằng ở đó giải cứu ai mà cần lực lượng hùng hậu thế? Tại sao vụ này chỉ có một cuộc điện thoại mà công an lại chuẩn bị lực lượng nhanh thế?
Mọi việc đã diễn ra chứng tỏ phía công an đã có sự chuẩn bị trước, có kế hoạch từ trước? Cho nên đối với vụ việc này tôi cho rằng cần xem xét kĩ lưỡng.
Xã hội và các cơ quan chức năng cần giám sát việc làm sáng tỏ, minh bạch vụ việc nếu không sẽ dẫn đến tình trạng lực lượng thực thi pháp luật thích làm gì thì làm, làm tùy tiện, sử dụng quyền lực một cách bừa bãi, lạm quyền, lộng quyền, dẫn đến có thể xâm hại quyền của các tổ chức và cá nhân trong xã hội. Như thế là vi phạm hiến pháp vì chúng ta đang đề cao quyền con người.
Tôi lấy ví dụ trong vụ việc đó, người ta (chủ nhà) dùng điện thoại quay clip thì công an lại bắt cả người đó. Đó là hành vi không hiểu biết gì về luật. Bởi vì người dân có quyền ghi lại hình ảnh khi cơ quan, lực lượng công quyền đang làm việc để giám sát và có những bằng chứng khiếu nại khi cần.
Việc quay phim chụp ảnh các lực lượng chức năng, công chức khi đang làm nhiệm vụ không phải là ghi hình ảnh riêng tư của cá nhân mà là ghi hình ảnh công vụ của cơ quan, cá nhân đại diện cho Nhà nước tại nơi công cộng, và việc đó hoàn toàn có thể coi là một loại hình thức giám sát. Công dân có quyền giám sát này theo Luật Công an Nhân dân và Luật Cán bộ công chức.
Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta phải có thái độ rõ ràng, đề nghị các cơ quan, báo chí, người dân vào cuộc để làm rõ thực chất của vụ việc nếu không sẽ dẫn đến tình trạng quyền con người có thể bị coi thường” – Tiến sĩ Nhưỡng đưa ra ý kiến.
Nói về việc Công an quận bắc Từ Liêm khởi tố vụ án chống người thi hành công vụ đối với 2 người cao tuổi, là bảo vệ và tạp vụ của lô đất TH1, TS Lưu Bình Nhưỡng cho rằng phía công an không có đủ tài liệu, chứng cứ, tình tiết để khởi tố vụ án bắt giữ người trái pháp luật.
“Tôi cũng cho rằng với tình chất như vậy không cần phải khởi tố 2 người đó chống người thi hành công vụ, cùng lắm chỉ xử phạt hành chính nếu 2 người đó vi phạm có tính chất không nghiêm trọng. Vì mấu chốt là đoàn công tác xông vào nhà người ta trái pháp luật, không có lệnh nào cả. Tôi cho rằng cần khổi tố những người xâm nhập trái phép, phá cửa, xâm phạm đến tài sản pháp nhân. Còn khỏi tố những người kia là không đúng. Có thể xử lý hành chính (nếu đúng họ chửi bới và ném cát) về hành vi của họ nhưng đó không phải là những hành vi nguy hiểm, và mức độ như vậy có cần khởi tố không? Tôi thấy có quá nhiều vấn đề chưa rõ, còn những điểm khuất tất cần làm rõ và đánh giá lại” - TS Lưu Bình Nhưỡng trao đổi.