Đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong an toàn truyền máu
Ngày 27/9, Trung tâm Huyết học truyền máu Nghệ An tổ chức Hội nghị An toàn truyền máu và ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử (NAT).
Dự hội nghị có GS.TS. Phạm Quang Vinh - Phó viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương; PGS.TS. Dương Đình Chỉnh - Quyền Giám đốc Sở Y tế Nghệ An; đại diện các bệnh viện, trung tâm y tế có giường bệnh.
Kỹ thuật NAT được thực hiện trên máy xét nghiệm sinh học phân tử hoàn toàn tự động sàng lọc vi rút HBV, HCV, HIV cho độ chính xác, độ nhạy cao, đem hiệu quả rõ rệt trong việc rút ngắn thời gian phát hiện ở giai đoạn cửa sổ của các vi rút. Kỹ thuật này góp phần mở ra kỷ nguyên mới bảo đảm an toàn truyền máu, cung cấp nguồn máu an toàn, kịp thời.
Hiện nay, Kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử NAT đã được Bộ Y tế ban hành thông tư hướng dẫn, cho phép áp dụng tại tất cả các trung tâm truyền máu, các khoa xét nghiệm - sàng lọc máu của các bệnh viện trên toàn quốc theo lộ trình cụ thể.
Trung tâm Huyết học truyền máu Nghệ An chính thức hoạt động độc lập từ tháng 4/2016 với 2 chức năng nhiệm vụ chính: Tuyên truyền vận động hiến máu, tiếp nhận, sản xuất cung ứng máu - chế phẩm máu cho các bệnh viện trên toàn tỉnh và vùng phụ cận; Khám và điều trị các bệnh về máu.
Tháng 10/2017, Trung tâm Huyết học truyền máu Nghệ An đã đưa kỹ thuật sinh học phân tử NAT vào sàng lọc máu. Đây là bước đột phá về chuyên môn, áp dụng kỹ thuật cao để từng bước đưa đơn vị máu - chế phẩm máu tại trung tâm đảm bảo an toàn truyền máu đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Tại hội nghị lần này, các chuyên gia hàng đầu trong cả nước về lĩnh vực an toàn truyền máu đã chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm liên quan đến việc tuyển chọn người hiến máu, khám lâm sàng, làm các xét nghiệm sàng lọc, thu thập máu, sản xuất các chế phẩm máu, lưu trữ, phân phối máu… đến chỉ định truyền máu, thực hành truyền máu trên lâm sàng, điều trị các bệnh về máu.
Đại diện Viện Huyết học truyền máu Trung ương đã giải đáp thắc mắc về những khó khăn gặp phải trong những trường hợp đặc biệt cần truyền máu như: Những trường hợp cần cấp cứu gấp, ở cơ sở vùng sâu vùng xa không có điều kiện sàng lọc; đồng thời viện cũng chia sẻ kinh nghiệm xử trí tình huống trong quá trình tiếp nhận, sản xuất, sàng lọc, lưu trữ cung cấp máu và các chế phẩm từ máu cho bệnh nhân.
An An (T/h)