Đẩy mạnh tuyên truyền Luật BPVN để hỗ trợ ngăn chặn buôn lậu vùng biên giới
Cao điểm chống buôn lậu
Theo Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) BĐBP, khu vực biên giới có địa hình phức tạp, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhận thức về pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế. Tội phạm đã triệt để lợi dụng những đặc điểm này, hoạt động tinh vi để đối phó với các lực lượng chức năng, nhất là tội phạm ma túy, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trong khi, người tiêu dùng có xu hướng tìm đến những mặt hàng giá rẻ, giá thấp, vô tình tiếp tay cho những hành vi buôn lậu, GLTM và hàng giả. Một phần lý do của thực tế này là do người dân chưa hiểu biết về pháp luật nói chung, trong đó có Luật BPVN.
Xuất phát từ thực trạng đó, để ngăn chặn hoạt động buôn lậu ngay từ biên giới, cũng vừa để nâng cao hơn nữa nhận thức về Luật BPVN, Bộ Tư lệnh BĐBP đã yêu cầu các đơn vị tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, vùng biển; triển khai các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, xử lý các hành vi mua bán, vận chuyển hàng hóa và các hành vi xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới, triệt xóa các đường dây, ổ nhóm buôn lậu…
Nâng cao nhận thức về Luật BPVN luôn là việc làm có ý nghĩa hỗ trợ công tác chống buôn lậu |
Thực tế, nhờ tăng cường công tác nắm tình hình từ sớm, từ xa, từ ngoài biên giới và trên biển, Cục PCMT&TP BĐBP đã kịp thời phát hiện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm; chủ trì đấu tranh thành công nhiều chuyên án lớn, bắt giữ 12 vụ/23 đối tượng buôn lậu, 37 vụ/144 đối tượng phạm tội ma túy, thu 236,863kg ma túy các loại, góp phần cùng toàn lực lượng BĐBP bắt giữ gần 1.000kg ma túy các loại và hơn 1.110.000 viên ma túy tổng hợp.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới giảm đáng kể. Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại qua các cửa khẩu trọng điểm lại có xu hướng tăng. Các đối tượng chủ yếu lợi dụng khai báo không đúng số lượng, chủng loại hàng hóa làm thủ tục qua cửa khẩu tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai để buôn lậu, gian lận thương mại.
Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, pháo, thuốc nổ, thuốc lá điếu ngoại, động, thực vật hoang dã, đường cát, nội tạng động vật đông lạnh, rượu, mỹ phẩm... qua biên giới các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị diễn biến phức tạp. Đặc biệt, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy gia tăng trên tuyến biên giới đất liền các tỉnh Điện Biên, Lào Cai.
Còn trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại; buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ, đường cát, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, thực phẩm qua các tuyến biên giới các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, tình hình hoạt động BL, GLTM&HG trên biển và địa bàn liên quan có chiều hướng diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại, động vật hoang dã, hàng điện tử đã qua sử dụng; buôn lậu, vận chuyển hàng hóa có lợi nhuận cao (dầu DO, FO), than, quặng, phế liệu, dược phẩm, thực phẩm chức năng... tại các tỉnh, thành Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh... có chiều hướng gia tăng.
Tại các cảng biển, hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm là ngà voi, sừng tê giác có chiều hướng từ các cảng biển khu vực miền Trung và miền Nam dịch chuyển dần ra các cảng biển khu vực phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng. Đáng chú ý, các đối tượng trong và ngoài nước đã móc nối, cấu kết thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng cấm, các loại hàng hóa, tiền tệ... như ma túy tổng hợp, vũ khí, vật liệu nổ, thuốc lá điếu ngoại, sản phẩm động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, các loại hàng hóa có giá trị cao... qua các cảng hàng không quốc tế.
Tuyến biên giới biển nổi lên tình trạng vận chuyển trái phép xăng, dầu, tập trung trên vùng biển Đông Bắc, Tây Nam. Các đối tượng lợi dụng thời tiết phức tạp, vùng biển rộng, thông qua hoạt động khai thác hải sản, vận chuyển hàng hóa hợp pháp trên biển để gia tăng hoạt động mua bán, vận chuyển xăng dầu lậu... Cùng với đó là hoạt động buôn lậu hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng tại TP. Hồ Chí Minh, vùng biển Kiên Giang; các sản phẩm từ động vật hoang dã, hàng đông lạnh tại cảng Hải Phòng; đường cát tại cảng Đà Nẵng, buôn lậu, gian lận thương mại qua container tiếp tục diễn biến phức tạp.
Để ngăn chặn tình trạng buôn lậu lãnh đạo Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP chỉ đạo, trong thời gian tới, bên cạnh việc triển khai các kế hoạch nghiệp vụ thì chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cốt lõi là Luật BPVN nhằm nâng cao nhận thức cho người dân khu vực biên giới nâng cao cảnh giác, tích cực cùng BĐBP đấu tranh tố giác tội phạm, quyết tâm giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn biên giới.