Đây là những bằng chứng xác thực cho thấy nền kinh tế chia sẻ kiểu Uber, Airbnb đang bị 'thần thánh' hoá
Đối với nhiều người trên thế giới, thuật ngữ "nền kinh tế chia sẻ" chắc chẳng còn gì xa lạ. Trên thực tế thuật ngữ này xuất hiện từ năm 2009 khi nhà báo Tina Brown mô tả những dự án tự do thời kỳ suy thoái kinh tế với nhân viên là người làm bán thời gian. Chỉ đến khi Uber và nhiều hãng công nghệ khác thành công với mảng kinh doanh này thông qua ứng dụng điện thoại thì thuật ngữ nền kinh tế chia sẻ mới dần được mở rộng và biết đến.
Trong khi nhiều chính phủ tranh cãi về tính hiệu quả cũng như luật pháp cho nền kinh tế chia sẻ thì mới đây, hãng tin Bloomberg đã cho thấy một số thông tin bất ngờ về mảng kinh doanh mới này.
1. Nền kinh tế chia sẻ có thực sự tăng trưởng?
Câu trả lời là KHÔNG. Số liệu của Cục thống kê lao động Mỹ cho thấy sự giảm tốc đầu tư với nền kinh tế chia sẻ đang khiến lượng lao động Mỹ làm trong ngành này năm 2017 thấp hơn so với năm 2005. Mặc dù những mảng như giao thông, với Uber và Lyft, hay công nghệ thông tin khiến nền kinh tế chia sẻ thu hút thêm lao động nhưng những mảng khác của chúng lại sụt giảm, khiến tổng số người làm trong toàn ngành đi xuống.
Tỷ lệ lao động Mỹ không có hợp đồng chính thức dài hạn
2. Nền kinh tế chia sẻ có giúp thị trường lao động?
Câu trả lời là cả CÓ và KHÔNG. Rất nhiều khảo sát cho thấy những người tham gia nền kinh tế chia sẻ đã có công việc toàn thời gian hay bán thời gian. Dẫu vậy, nhiều người trong số này vẫn bị cục thống kê của chính phủ liệt vào dạng "thất nghiệp" xét trên số liệu về thuế, nghĩa là nhiều người tham gia nền kinh tế chia sẻ trốn thuế cá nhân.
Bên cạnh đó, số liệu của Tổng cục thống kê Mỹ cho thấy lượng người tham gia nền kinh tế chia sẻ mảng vận tải đã tăng 50,4% trong khoảng 2015-2016 nhưng nhìn tổng thể, đóng góp của nền kinh tế chia sẻ cho đất nước còn rất ít. Xét cả yếu tố lạm phát, tỷ lệ tăng trưởng tổng doanh thu mà các công ty hoạt động trong nền kinh tế chia sẻ đạt được năm 2016 còn thấp hơn cả năm 2005.
Tỷ lệ lao động Mỹ tham gia nền kinh tế chia sẻ trong tổng số lao động
3. Liệu nền kinh tế chia sẻ có phải là một mảng kinh doanh mới?
Câu trả lời là KHÔNG. Trên lý thuyết, hoạt động của nền kinh tế chia sẻ đã xuất hiện từ thế kỷ 19, trước khi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra. Rất nhiều lao động Mỹ thời đó là những người làm việc tự do trong những mảng mà ngày nay người ta gọi là nền kinh tế chia sẻ.
Thập chí vào cuối thập niên 1940, hơn 11% số lao động Mỹ là nhân viên tự do, cao hơn rất nhiều so với mức dưới 6% hiện nay. Thời kỳ đó, phần lớn nền kinh tế chia sẻ nằm trong mảng nông nghiệp khi những nông dân có sức khỏe được thuê làm việc ở các trang trại gần nơi họ ở.
4. Mỹ có phải nước dẫn đầu về nền kinh tế chia sẻ?
Câu trả lời là không hoàn toàn đúng. Số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy tỷ lệ nhân viên tự do trong nền kinh tế chia sẻ so với tổng lao động có việc làm tại Mỹ thuộc hàng thấp so với các nền kinh tế lớn khác. Tuy nhiên số liệu này không đánh giá được nhiều bởi tại những nước nghèo hơn, tỷ lệ nhân viên tự do cũng thường cao hơn.
Bên cạnh đó, nhiều nước có hệ thống phúc lợi xã hội rất tốt, như chương trình giáo dục, y tế miễn phí khiến cơ hội làm việc tự do trong nền kinh tế chia sẻ lớn hơn.
Tỷ lệ lao động thời vụ trên tổng số lao động phụ thuộc tại Mỹ so với nhiều nước khác
5. Tại sao nền kinh tế chia sẻ thu hút được sự chú ý?
Trước đây, nền kinh tế Mỹ có một quy luật thường thấy là tăng trưởng đi lên, công việc nhiều hơn sẽ khiến các lao động từ bỏ việc làm tự do nhằm ký kết hợp đồng dài hạn. Dẫu vậy, việc có quá nhiều công việc dài hạn nhưng không đảm bảo về mặt tiền lương, phúc lợi tại Mỹ đã khiến xu thế này thay đổi.
Mức thu nhập thực của những lao động chính thức tại Mỹ đã giảm tốc trong khoảng 2000-2015, chi phí y tế ngày một cao còn lương hưu thì thấp khiến hàng triệu người bỏ việc để tham gia nền kinh tế chia sẻ.
Chính điều này đã tạo ra tình trạng kinh tế Mỹ tăng trưởng, việc làm nhiều hơn nhưng lao động nước này vẫn thích làm tự do trong nền kinh tế chia sẻ chứ không quay trở lại các công việc ổn định.
6. Nền kinh tế chia sẻ có đem lại cuộc cách mạng về công nghệ?
Theo nhiều dự báo là CÓ. Hệ thống Internet và smartphone đã cải thiện rất nhiều quá trình quản lý cũng như Logistics. Nền kinh tế chia sẻ đã ảnh hưởng phần nào đến kinh tế Mỹ và được dự đoán sẽ còn tác động nhiều hơn nữa trong tương lai. Tuy vậy, hiện tại nền kinh tế chia sẻ vẫn chưa đủ lớn để làm thay đổi bộ mặt kinh tế Mỹ.
7. Luật pháp có cần thay đổi vì nền kinh tế chia sẻ?
Câu trả lời là CÓ. Hiện hơn 1/3 số lao động có việc làm ở Mỹ đang tham gia nền kinh tế chia sẻ. Nhiều sự báo cho rằng tỷ lệ này sẽ ít thay đổi trong vài chục năm tới nhưng chúng cũng đại diện cho hàng chục triệu nhân viên, một con số khổng lồ với hệ thống lương hưu, y tế và đương nhiên các nhà làm luật không thể bỏ qua.
Trong quá khứ, rất nhiều lao động ngành kinh tế chia sẻ thuộc tầng lớp bình dân hoạt động trong mảng nông nghiệp và không có tiếng nói chính trị. Tuy nhiên khi nền kinh tế chia sẻ mở rộng lên tầng lớp lao động cổ trắng, nhiều chính trị gia đã buộc phải quan tâm đến mảng này. Hiện Nghị viện Mỹ đang tranh luận về phúc lợi của những lao động trong nền kinh tế chia sẻ cũng như những quy định để bảo vệ quyền lợi cho họ.
AB