Đầu tư tiền tỷ để kinh doanh mỳ cay 7 cấp độ, món ăn từng được thách đố rầm rộ ở Hà Nội giờ ra sao?
Có một thời, người Hà Nội đổ xô thách đố nhau ăn thử mỳ cay 7 cấp độ
Vào những tháng cuối năm 2016, tại Hà Nội, trào lưu mỳ cay 7 cấp độ phát triển rầm rộ, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Để đáp ứng nhu cầu của thực khách, các quán mỳ cay mọc lên như nấm và quán nào, quán nấy đều đông ngộp thở. Vào giờ cao điểm, ở những quán có tên tuổi, khách hàng thậm chí còn phải xếp hàng dài chờ đợi.
Chị Thúy (quản lý một quán mỳ cay 7 cấp độ nổi tiếng trên phố Đại Cồ Việt, Hà Nội) chia sẻ, vào khoảng thời gian mỳ cay làm mưa, làm gió ở Hà Nội, mỗi ngày, quán chị tiếp đón trung bình từ 1.000 đến 1.500 lượt khách. Có lúc, khách xếp hàng dài tới 20-30m trước cửa, xe dựng chật kín, không có chỗ để. Nhiều người đi ô tô thậm chí còn chấp nhận gửi xe với giá vài vài chục nghìn chỉ để ăn một bát mỳ cay giá khoảng 45.000 đồng.
Cảnh tượng đông ngộp thở ở các quán mỳ cay.
Nhờ làm ăn tốt, thương hiệu mỳ cay mà chị Thúy làm việc nhanh chóng nhân thêm 5 quán khác: "Hồi đó mỳ cay hot tới nỗi mà chỉ trong vòng 1 tháng, công ty mình mở liên tiếp 2-3 nhà hàng và quán nào cũng đông khách, nhân viên phục vụ không kịp".
Giống như chị Thúy, quán mỳ cay của anh Hoàng trên phố Nguyễn Ngọc Vũ (Hà Nội) cũng từng có một thời hoàng kim. "Quán chỉ bán độc mỳ cay và các loại nước uống nhưng lúc nào khách cũng ngồi chật kín".
Anh Nghĩa (quản lý quán mỳ cay trên đường Trần Đại Nghĩa) cũng cho biết, trước kia, quán của anh phải thuê tới 50 nhân viên làm việc liên tục. "Doanh thu từ mỳ cay rất tốt. Mình thuê căn nhà này giá 50 triệu đồng/tháng, chạy quảng cáo 500.000 đồng một ngày chưa kể tiền thuê nhân viên, nguyên vật liệu, tiền điện, nước... mà vẫn còn có lãi cao", anh Nghĩa chia sẻ.
Bát mỳ cay từng một thời khiến dân tình điên đảo.
Lý giải về cơn sốt mỳ cay, chị Thúy cho rằng, đây là một món ăn mới, mang phong cách ẩm thực Haluy vốn rất được lòng giới trẻ Việt Nam. Vì vậy, ngay từ khi mới du nhập, nó đã nhận được sự quan tâm của nhiều người. Cùng với đó là chiến dịch quảng cáo rầm rộ của các hãng mỳ cay, sức hấp dẫn của việc thách đố các cấp độ cay khác nhau... tất cả đã khiến thực khách phải tò mò, muốn ăn thử một lần cho biết.
"Các bạn trẻ Việt Nam thường có tính hiếu kỳ nên thấy thứ gì mới mẻ là họ muốn trải nghiệm. Thậm chí thông tin về mặt trái của mỳ cay như gây hại cho sức khỏe hay khiến nhiều người phải nhập viện càng làm cơn sốt tăng cao, khiến dân tình tò mò muốn tìm hiểu xem món ăn này tại sao lại gây ra những hệ lụy như vậy", anh Nghĩa chia sẻ.
Cơn sốt lụi tắt, nhiều quán đóng cửa, nhiều quán đang trên đà "cấp cứu"
Tạo thành cơn sốt rầm rộ từ Nam ra Bắc nhưng mỳ cay 7 cấp độ cũng chịu chung số phận như nhiều trào lưu khác - nhanh phát mà cũng nhanh tàn. Theo nhận định của nhiều người làm quản lý các quán mỳ cay, đây là một trong số ít trào lưu có sức ảnh hưởng lớn nhưng thời gian tồn tại lại quá ngắn ngủi.
"Vào những tháng 9, 10, 11 năm ngoái, mỳ cay rất được ưa chuộng nhưng sau đó, sức nóng giảm dần và đến sau Tết Nguyên đán, ít người còn nhắc tới nó", chị Thúy chia sẻ. Trong khi đó, anh Nghĩa cũng cho biết, trước Tết Nguyên đán, quán mỳ của anh vẫn còn làm ăn khá tốt nhưng từ sau Tết, lượng khách đột ngột giảm nhanh chóng, công việc kinh doanh xem như tụt dốc không phanh.
Một vài quán mỳ cay đã phải đóng cửa.
Bên cạnh PGD HDBank trên phố Trương Công Giai (Cầu Giấy, Hà Nội) từng có một quán mỳ cay 7 cấp độ nhưng hiện tại đã đóng cửa im lìm.
Sự suy giảm khách hàng đột ngột này khiến anh Nghĩa trở tay không kịp. Nếu như trước kia quán đông hàng nghìn lượt khách thì bây giờ, có ngày anh chỉ đón 70-80 lượt, thậm chí những ngày nắng nóng vừa qua, số lượng chỉ đạt 40-50 người.
Anh Nghĩa nhẩm tính, chỉ tính riêng tiền thuê nhà, nhân viên và trả tiền điện, mỗi ngày quán anh tiêu tốn hết khoảng 3 triệu đồng. Vậy mà nếu chỉ đón 50 lượt khách, mỗi người ăn một bát mỳ, uống một cốc nước hết khoảng 50.000 đồng thì tính ra, doanh thu mới đạt 2,5 triệu đồng, chưa đủ bù lấp các khoản chi phí cơ bản.
"Đó là còn chưa kể tới các chi phí về nguyên liệu, hao mòn, bảo dưỡng, tiền nước, tiền vệ sinh... Khi tính ra thì khoảng từ 2-3 tháng gần đây, quán mỳ của mình đã bắt đầu bị lỗ khá nhiều", anh Nghĩa cho biết, hiện tại quán của anh đang trên đà "cấp cứu" và có thể sẽ không duy trì được lâu nếu tình trạng ế ẩm hiện tại vẫn kéo dài.
Từ chỗ đông hàng nghìn lượt khách, nhiều quán mì cay hiện giờ chỉ đón khoảng vài chục lượt khách/ngày.
Không chỉ riêng anh Nghĩa, thời điểm mỳ cay 7 cấp độ tạo thành trào lưu ở Hà Nội, nhiều người đổ xô bỏ tiền tỷ đầu tư, mở quán mỳ. Tuy nhiên, sau vài tháng "hốt bạc", không ít quán phải đóng cửa khi chưa kịp hòa vốn.
"Làm quán mỳ mà không có tiền tỷ trong tay thì không làm được vì phải thuê mặt bằng, trang bị điều hòa, thiết kế decor... rồi xây dựng thương hiệu, chạy quảng cáo nên rất tốn kém", anh Hoàng chia sẻ. Với số vốn lớn như vậy trong khi giá thành một bát mỳ bán ra thường chỉ giao động từ 39 đến 42 nghìn đồng, thời gian mỳ cay thực sự sốt lại quá ngắn nên không ít quán mỳ lâm vào cảnh lao đao, hoặc phải hoạt động cầm chừng, hoặc phải khép lại trong cảnh thua lỗ nặng nề.
"Qua thời trào lưu, mỳ cay sẽ còn tồn tại như một chọn lựa cho những ai thực sự yêu thích món cay nóng"
Kinh doanh theo trào lưu, anh Nghĩa, chị Thúy hay Anh Hoàng đều hiểu rõ, đến một thời điểm nào đó, cơn sốt mỳ cay 7 cấp độ sẽ hạ nhiệt. Tuy nhiên, điều họ không ngờ nhất là mọi việc diễn tiến nhanh chóng và mỳ cay tạo nên sức ảnh hưởng lớn tới nỗi, tên tuổi quán ăn của họ gắn liền với mỳ cay khiến việc chuyển đổi món ăn không đem lại hiệu quả.
Anh Nghĩa cho biết, khi mở quán mỳ cay, anh từng nghĩ rằng khi món ăn này hết hot, nó sẽ để lại cho anh thứ còn quý hơn cả tiền bạc - đó là thương hiệu. "Tuy nhiên, mỳ cay đã ghi hằn vào trong đầu thực khách khiến họ cứ nhắc đến quán mình là nhớ tới mỳ cay. Thành ra từ sau khi món ăn này hết hot, mình cũng bán thêm nhiều món khác nhưng ít được mọi người gọi tới".
Dù có nhiều lựa chọn khác nhưng thực khách tìm đến quán mỳ cay chỉ để ăn một tô mỳ.
Đây cũng là thực trạng chung của nhiều quán mỳ. Theo chị Thúy, dù mỳ cay đã hạ nhiệt nhưng nhắc đến tên quán của chị, khách cũng chỉ nghĩ đến duy nhất món mỳ cay.
Trong khi nhiều người mất niềm tin vào mỳ cay 7 cấp độ, không còn muốn duy trì việc kinh doanh loại đồ ăn này thì anh Hoàng lại tỏ ra khá lạc quan. Theo anh, kinh doanh theo trào lưu là phải chấp nhận rủi do: "Nhưng nếu mình là người tiên phong thì bao giờ cũng gây ấn tượng lâu bền với thực khách. Và thực ra vì đi đầu nên khi trào lưu đang hot, mình đã kiếm đủ số tiền lãi cần có rồi".
Nhiều người kinh doanh tin rằng dù không còn hot như trước nhưng mì cay đã trở thành món ăn quen thuộc.
Anh Hoàng phân tích, hiện tại, mỳ cay 7 cấp độ không còn là một trào lưu nữa mà nó đã trở thành một món ăn quen thuộc, được nhiều người biết tới. "Vì thế lúc này chỉ những ai thực sự thích mỳ cay thì họ mới đi ăn, bằng chứng là ở cửa hàng mình, mỗi ngày vẫn có rất nhiều khách quen tìm đến".
Đồng tình với quan điểm này, chị Thúy cũng cho rằng, hiện tại, mỳ cay đã trở thành một trong số nhiều chọn lựa món ăn của thực khách. "Bây giờ mọi người đi ăn vì thật sự thích chứ không vì nhận lời thách đấu hay tò mò nữa. Không ăn theo phong trào nên hầu hết khách đến ăn đều gọi từ cấp 0 đến cấp 2, bát mỳ có độ cay vừa phải, vẫn giữ được độ ngon, ngọt và đặc biệt không gây hại cho sức khỏe".
Tuyết Hạ