Đầu năm học 2015 - 2016: “Nóng” vấn đề thu chi và thực hiện thông tư 30
Đầu năm học mới, nhiều phụ huynh lo lắng về các khoản thu ngoài lề.
Đánh giá theo thông tư 30: Vẫn đảm bảo công bằng
Theo ông Nguyễn Hiệp Thống - PGĐ Sở GDĐT Hà Nội, trong năm học này, thành phố tiếp tục thực hiện việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các ngành học, cấp học. 100% các trường tiểu học phải thực hiện đổi mới về kiểm tra, đánh giá theo thông tư 30 (đánh giá học sinh bằng nhận xét, không đánh giá bằng điểm số).
Tuy nhiên, cách đánh giá mới này cũng gây nên nhiều dư luận trái chiều, không ít ý kiến cho rằng các bản nhận xét sẽ không theo dõi sát sao được sự tiến bộ của học sinh, nhất là khi các em đang trong giai đoạn đầu của quá trình học tập.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Trí Dũng - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học - khẳng định: “Chúng ta không chỉ đánh giá bằng nhận xét. Kiểm tra định kỳ học kỳ 1 và cuối năm học vẫn có đánh giá bằng điểm số ở một số môn cơ bản như tiếng Việt, toán, lịch sử, địa lý, khoa học, tiếng Anh… Như vậy, vẫn có những kênh bằng điểm số để làm căn cứ đánh giá. Thực tế không chỉ có giáo viên nhận xét học sinh, mà có cả phụ huynh đánh giá chính con em của họ để có sự tương tác giữa gia đình và nhà trường. Thậm chí, chính các em trong quá trình học tập cũng có thể tự đánh giá, nhận xét các bạn khác, giúp cho các em hình dung được mình còn hạn chế gì cũng như các thế mạnh cần phát huy”.
Ông Dũng cũng khẳng định, việc đánh giá theo thông tư 30 mang lại hiệu quả thiết thực và sâu sắc. “Khi tiếp nhận một hình thức mới, một phương pháp mới, nhiều người chưa tìm hiểu một cách đầy đủ nên chưa nhìn ra mặt tích cực. Nhưng thực tế, qua thời gian áp dụng cách đánh giá mới, học sinh tiểu học ở Hà Nội đã có những tiến bộ rõ rệt, các em tự tin hơn, thoải mái hơn trong học tập cũng như khắc phục được những hạn chế thông qua các đánh giá đó”.
Minh bạch thu, chi
Theo Sở GDĐT Hà Nội, trong khi chờ ban hành chế độ học phí của các cấp có thẩm quyền, các đơn vị tạm thời thực hiện theo QĐ 22 của UBND TP ban hành quy định về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục quốc dân của TP. Hà Nội và QĐ 51 của UBND TP về quy định thu, sử dụng các khoản thu khác. Đối với các nội dung thu có quy định mức trần cụ thể như chăm sóc bán trú, trang thiết bị bán trú, học 2 buổi/ngày, học phẩm mầm non, nước uống tinh khiết, dạy thêm học thêm trong nhà trường phải được thoả thuận bằng văn bản tới từng cha mẹ học sinh.
Mặc dù vậy, việc lạm thu đầu năm học thông qua ban cha mẹ học sinh đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Cẩn - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GDĐT Hà Nội - khẳng định: “Về hoạt động của ban cha mẹ học sinh đã được quy định rõ trong thông tư 55, ban cha mẹ học sinh chỉ được thu, chi trên tinh thần đồng thuận của các phụ huynh. Các khoản chi phải phục vụ cho hoạt động của hội cha mẹ học sinh, việc lấy nguồn thu của cha mẹ học sinh trong việc khen thưởng giáo viên, sửa chữa trường học là sai quy định”.
Ông Cẩn cũng khẳng định, Sở GDĐT sẽ tiến hành kiểm tra nghiêm túc, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý và yêu cầu nhà trường phải trả lại cho phụ huynh học sinh các khoản thu sai quy định.
Về việc trang bị đồng phục cho học sinh đầu năm học, đại diện Sở GDĐT cũng nêu rõ quan điểm: “Đã có quy định rõ ràng về trách nhiệm và quyền hạn của nhà trường cũng như phụ huynh trong việc trang bị đồng phục cho học sinh đầu năm học. Trong đó, nhà trường chỉ được phép cung cấp mẫu đồng phục của học sinh cho phụ huynh, tuyệt đối nhà trường không được phép đứng ra thu tiền mua đồng phục cho học sinh”.
Ông Cẩn nhấn mạnh, Sở GDĐT sẽ tăng cường nhiều biện pháp để kiểm tra, xử lý việc lạm thu đầu năm học, tránh để ban cha mẹ học sinh trở thành “cánh tay nối dài” của các trường để thu các khoản thu sai quy định.
Theo Lao động