Dấu chấm hết cho những tòa nhà chọc trời Trung Quốc?
Với chiều cao hơn 609 mét, tòa tháp Thượng Hải được mệnh danh là tòa nhà cao thứ 2 thế giới. Gần đó là 2 tòa nhà cao thứ 9 và 19 trong bảng xếp hạng. Dẫu vậy, tất cả những tòa nhà này đều có điểm chung là không vận hành hết công suất. Tòa nhà Thượng Hải mới cho thuê được 60% diện tích và trong số đó mới chỉ có 1/3 là đang hoạt động.
Rõ ràng, tòa nhà Thượng Hải đang lâm vào một cuộc khủng hoảng khi họ không thể duy trì doanh thu bù đắp chi phí vận hành. Nhìn rộng hơn, đây là ví dụ điển hình trong ngành bất động sản Trung Quốc trước xu thế thay đổi không gian làm việc hiện nay.
Trong suốt 20 năm, những tòa nhà chọc trời là biểu tượng của nền kinh tế phát triển cũng như một Trung Quốc hiện đại. Thậm chí chính phủ còn tổ chức những cuộc thi thiết kế nhằm xây dựng các công trình đồ sộ ở những khu đất vàng nhằm quảng bá sự giàu có của Trung Quốc.
Dẫu vậy, việc có quá nhiều các căn nhà chọc trời đang khiến chính phủ nước này đau đầu bởi cung vượt cầu. Số liệu của hãng bất động sản CBRE cho thấy hơn 600.00 m2 văn phòng mới đã được tung ra thị trường Thượng Hải trong quý I năm nay và khoảng 850.000 m2 nữa sẽ được xây dựng trong tương lai.
Những con số này là cơn ác mộng với thị trường nhà đất Thượng Hải khi giá cho thuê các văn phòng đi xuống và số tòa nhà trống cho thuê ngày một nhiều.
Theo hãng tin Bloomberg, hiện 46% số tòa nhà cao hơn 152m là được xây dựng tại Trung Quốc với sự hậu thuẫn rất lớn từ chính phủ. Có lẽ, chính quyền Bắc Kinh muốn tái hiện lại thời kỳ huy hoàng của Thượng Hải. Trong vài năm trở lại đây, hầu hết các thành phố lớn của Trung Quốc đều tập trung xây dựng những tòa nhà cao tầng đồ sộ mà không tính toán hết đến lượng nhu cầu thuê văn phòng trên thị trường.
Ngoài ra, việc cho xây dựng ồ ạt những tòa nhà chọc trời mà không đi kèm phát triển các công trình hạ tầng phụ trợ có thể khiến những thành phố của Trung Quốc trở nên nhếch nhác hơn so với kỳ vọng 1 thành phố hiện đại như Thượng Hải.
Hệ thống giao thông công cộng tại các thành phố quá tệ. Một khảo sát vào năm 2014 cho thấy bình quân người dân ở Bắc Kinh và Thượng Hải phải mất hơn 50 phút để có thể đi từ nhà tới chỗ làm, lâu hơn cả người dân thành phố New York-Mỹ.
Đặc biệt, việc tốn tới 6 giờ đồng hồ cho di chuyển đi làm và quay về nhà khi tan ca là điều khá bình thường ở những thành phố lớn trên.
Chính những yếu tố trên đang làm giới lao động Trung Quốc không thoải mái, gây hạ năng suất lao động trên thị trường, Hệ quả là việc xây nhiều nhà cao tầng không những không tăng năng suất cho các nhân viên mà còn gây tốn kém. Một cuộc khảo sát năm 2016 cho thấy có đến 60% số lao động văn phòng muốn chuyển việc tại Trung Quốc và niềm tin trong giới lao động của nước này đang ngày một đi xuống.
Bên cạnh đó, xu thế làm việc mới ngày nay cũng đã thay đổi. Thế hệ lao động trước thường gắn bó với những tập đoàn lớn, vốn là các khách hàng thân thiết thuê những tòa nhà chọc trời. Trái ngược lại, các lao động trẻ ngày này lại có hứng thú hơn với những công việc bán thời gian, làm việc tại gia, khởi nghiệp…
Thêm vào đó, hàng loạt các không gian văn phòng cho thuê được xây dựng, đáp ứng nhu cầu của những nhà khởi nghiệp ít vốn đã ảnh hưởng lớn đến thị phần của những tòa nhà chọc trời.
Trước tình hình đó, chính quyền Bắc Kinh đã đề ra những chính sách nhằm đối phó với sự dịch chuyển trong thói quen lao động cũng như giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Theo đó, chính phủ sẽ xây dựng các cụm đô thị xung quanh các thành phố chính nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc và tập trung quá nhiều nhà cao tầng 1 chỗ như hiện nay. Những đô thị này sẽ được kết nối với nhau bằng hệ thống tàu điện tốc độ cao.
Vào tháng 4/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã tuyên bố sẽ xây dựng những cụm đô thị vệ tinh xung quanh Bắc Kinh nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc và quá tải ở thủ đô như hiện nay.
BT