Đào mộ, thay áo mới cho xác chết: Đây chính là một tập tục rùng rợn nhất tại Indonesia
Dường như câu nói “để người đã khuất yên nghỉ” chưa từng tồn tại ở vùng núi Sulawesi, Indonesia, vốn lâu đời là nơi sinh sống của những người Torajan. Người dân nơi đây luôn có sự gắn kết giữa các thành viên trong nhà và ngay cả đối với những người quá cố, họ vẫn luôn được kính trọng và chăm sóc rất chu đáo.
Ảnh: Internet
Cứ mỗi 3 năm một lần, người dân Torajan lại thực hiện một lễ hội vô cùng kỳ lạ mà những người bên ngoài nhìn vào có thể sẽ cảm thấy rợn tóc gáy. Họ sẽ đào mộ những người thân đã khuất lên, làm vệ sinh sạch sẽ quan tài và mặc cho hài cốt những bộ trang phục thật đẹp, sau đó khiêng người thân của mình đi diễu hành trong làng.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
Lễ hội này được gọi là Ma’nene, hay có thể hiểu là “lễ hội rửa xác chết”, là một trong những nghi lễ vô cùng lớn và quan trọng đối với người Torajan. Theo National Geographic, tục lệ này có thể được bắt đầu vào những năm 1900, qua đó người trong gia đình không chỉ bày tỏ sự kính trọng với người đã khuất mà còn là một nghi lễ để cầu xin sự phù hộ cho đất đai tươi tốt, mùa màng bội thu.
Ảnh: Internet
Một người dân làng cho biết: “Đây là cách chúng tôi bày tỏ lòng tôn kính với người thân đã qua đời. Không có khóc lóc tiếc thương mà chỉ có những giây phút đoàn tụ vui vẻ giữa sinh và tử. Đổi lại lòng thành này, người quá cố sẽ phù hộ cho chúng tôi được vụ mùa tốt tươi, thuận lợi”.
Sau khi mang thi thể đã được trang điểm và thay áo mới đi diễu hành khắp vùng, người dân sẽ mổ trâu hoặc lợn để cúng bái, xem như là “lộ phí” tiễn người quá cố trở về thiên đường bình an. Bên cạnh việc làm vệ sinh di thể, người thân cũng sẽ tranh thủ cơ hội sửa sang, quét dọn lại chiếc quan tài sau đó mới đặt lại người quá cố vào.
Ảnh: Internet
Đối với người Torajan, một người thân của họ chỉ được xem là đã chết sau khi cử hành đám tang. Khi một người chết đi, người trong nhà sẽ dùng dung dịch formaldehyde để làm vệ sinh thi thể rồi đưa vào một căn phòng, chăm sóc, nói chuyện, đối xử với họ chỉ như người bệnh hoặc người đang ngủ say.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
Đám tang có thể được cử hành sau đó vài ngày, có người lưu giữ thi thể người thân trong nhà đến tận vài tháng, thậm chí là vài năm sau đó. Đám tang được xem là một nghi thức rất quan trọng đối với người dân ở đây, có thể tổ chức kéo dài đến cả tuần và là một nghi lễ được xem là tốn kém nhất.
Nhiều người cho biết, họ làm lụng vất vả để dành tiền cả đời cũng chỉ mong được một đám tang rình rang. Có người thì lâm vào cảnh nợ nần chồng chất sau khi cử hành đám tang cho người thân, nhưng đối với họ, đây chính là sự kết nối tình cảm mạnh mẽ giữa người sống và người chết.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
Đến thời gian đã định, thi thể người quá cố sẽ được đưa đến một hốc đá, đến khi tang lễ hoàn thành thì được cho vào quan tài gỗ và chôn trong những hang đá hoặc treo trên cây.
Ảnh: Internet
Người Torajan thường chỉ muốn chôn cất tại nơi họ sinh ra và sinh sống cả đời, nếu như không may bị chết ở một nơi xa, gia đình họ phải đến tận nơi đó để làm lễ rước linh hồn người quá cố trở về.
(Tổng hợp)
Đinh Hương