Đằng sau thương vụ bí ẩn: Điều gì khiến một công ty hóa chất Trung Quốc bỏ ra tới 1 tỷ USD mua lại Mèo Talking Tom?
Samo và Iza Login là những người mê công nghệ tại Mỹ và họ đã quyết định mở kinh doanh riêng vào năm 2009 sau khi Steven Jobs cho ra mắt chợ ứng dụng Apple App Store trước đó 1 năm. Với 250.000 USD tiết kiệm được, họ mở startup Outfit7 cùng 6 người bạn. Sau đó 6 tháng, công ty non trẻ này xây dựng một ứng dụng cho thiếu nhi mang tên Talking Tom Cat khi một chú mèo giả định tương tác với người sử dụng.
Mới đầu, ngay cả những người bạn làm trong Outfit7 cũng nghi ngờ về thành công của ứng dụng này. Tuy nhiên sản phẩm này của Outfit7 đã tạo nên một cơn sốt lớn trên toàn cầu với gần 350 triệu người sử dụng mỗi tháng và kênh trực tuyến về trò chơi trên Youtube thu hút hơn 2 tỷ lượt xem. Ứng dụng này cũng đứng đầu trong hơn 100 quốc gia.
Không giống như nhiều nhà khởi nghiệp khác, cái mà anh em nhà Logins quan tâm tới đầu tiên chính là lợi nhuận. Bởi vậy, họ tăng cường quảng cáo cũng như bán vật phẩm trong ứng dụng và kiếm hơn 100 triệu USD mỗi năm.
Đầu năm 2006, anh em nhà Login muốn rút vốn khỏi dự án này và tìm đến Goldman Sachs để rao bán. Vài tháng sau, nhà sáng lập Samo bay đến Thượng Hải để gặp người mua là một công ty hóa chất lớn ở Trung Quốc, Zhejiang Jinke Peroxide. Mặc dù khá ngạc nhiên khi người mua không phải là một công ty truyền thống hay làm trong ngành công nghệ nhưng những điều kiện mà tập đoàn hóa chất Zhejiang đưa ra khá ưu đãi. Họ chấp nhận mức giá 1 tỷ USD và để cho toàn bộ nhân viên tự do hoạt động như cũ.
Trước những điều kiện hậu đãi như vậy, anh em nhà Login không ngần ngại bán công ty của mình. Số cổ phần mà anh em này nắm giữ đem lại cho họ khoảng 600 triệu USD.
Ngay sau thương vụ trên, Zhejiang đổi tên thành tập đoàn Zhejiang Jinke Entertainment Culture. Tuy vậy, điều các nhà đầu tư quan tâm là chẳng có mối liên hệ nào giữa 2 loại hình kinh doanh hóa chất và ứng dụng trò chơi này cả. Điều đặc biệt hơn nữa là số liệu của hãng tin Bloomberg cho thấy doanh thu của Zhejiang năm 2016 chỉ đạt 133 triệu USD với lợi nhuận ròng 55 triệu USD. Bởi vậy, khoản tiền 1 tỷ USD mua lại Talking Tom Cat vẫn là điều bí ẩn.
Mua lợi nhuận cho báo cáo
Thương vụ của Talking Tom không phải là duy nhất khi trong thời gian gần đây rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đổ xô vào các mảng giải trí của Phương Tây dù trái ngành. Tập đoàn bất động sản Dalian Wanda mua lại hãng phim Legendary Entertainment với giá 3,5 tỷ USD trong khi hãng kinh doanh vật liệu xây dựng Songliao Automotive mua lại hãng hiệu ứng điện ảnh Framestore. Nhà sản xuất ống nước Zhejiang Dragon Pipe Manufacturing mua lại Entertainment Game Labs trong khi hãng chuyên giết mổ gia cầm Sumpo mua lại 2 hãng phát triển game là Digital Extremes và Splash Damage.
Nghe có vẻ kỳ quặc nhưng số liệu của Code Advisors cho thấy 70% các thương vụ M&A trong ngành game từ năm 2015 có người mua là Trung Quốc.
Trên thực tế, động thái này của các công ty Trung Quốc là có nguyên nhân.
Hãy lấy ví dụ cô Lisa Pan, người đại diện của công ty Zhongji Enterprise Group, chuyên về bất động sản, xây dựng, khai khoáng… Cách đây 2 năm, chủ tịch của tập đoàn này và là một người quen của cô Pan đã thuê cô nhằm tìm hướng đi mới cho công ty. Việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc khiến Zhongji không thể dựa vào những mảng kinh doanh truyền thống nữa và Pan đề nghị họ chuyển sang mua các doanh nghiệp trò chơi nước ngoài.
Năm 2016, Zhongji mua lại Jagex của Anh với giá 315 triệu Bảng Anh (400 triệu USD). Đây là một con số không tưởng bởi doanh số năm 2016 của Jagex chỉ vào khoảng 74,4 triệu Bảng Anh và lợi nhuận sau thuế đạt 28,8 triệu Bảng.
Dẫu vậy, cô Pan vẫn cho rằng đây là thương vụ hời và Zhongji đang hướng đến nhiều vụ M&A khác với các hãng nước ngoài.
Theo nhiều chuyên gia, lý giải cho hiện tượng này có thể nói đến tình trạng kỳ quặc trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Tại đây, các cổ phiếu của doanh nghiệp được giao dịch với mức giá cao chót vót vượt xa mức lợi nhuận của công ty, chủ yếu do tâm lý đầu cơ lướt sóng của phần lớn tầng lớp trung lưu có tiền.
Chuyên gia Affan Butt, người tham gia thương vụ mua bán Jagex cho biết có những cổ phiếu được giao dịch cao gấp 100 lần so với doanh thu thật của công ty và điều này tạo điều kiện cho những doanh nghiệp Trung Quốc mua lại công ty nước ngoài với giá cao.
Với những khoản tiền lớn, các công ty có thể mua những doanh nghiệp nước ngoài có lợi nhuận dù thấp hơn giá tiền bỏ ra nhưng khiến báo cáo lợi nhuận của họ đẹp hơn trong mắt cổ đông cũng như nhà đầu tư. Bằng cách này, giá cổ phiếu của công ty tại Trung Quốc sẽ tăng chóng mặt và kiếm lời lại cho số tiền mà doanh nghiệp đã bỏ ra để M&A.
Trên sàn chứng khoán Thượng Hải, các công ty phải chứng minh được họ có 3 năm lợi nhuận liên tiếp mới được cho phép niêm yết và thật là thảm họa nếu công ty của họ không tìm thấy nguồn thu lợi nhuận nào mới khi đã được lên sản bởi các nhà đầu tư chỉ nhìn vào kết quả kinh doanh. Với việc mua lại các công ty trò chơi có lợi nhuận, những doanh nghiệp Trung Quốc này có thể mua thêm lợi nhuận vào trong báo cáo.
Quay trở lại với câu chuyện của Jagex, kể từ khi mua lại hãng này, cổ phiếu của Zhongji đã tăng 30%. Trong khi đó, cổ phiếu của Sumpo, sau đổi tên thành Leyo Technologies cũng đã tăng hơn 100% năm 2016 sau khi thực hiện M&A.
Ấn tượng hơn, cổ phiếu của hãng kinh doanh thuyền bè Chongqing New Century Cruise cũng đã tăng 600% vào năm 2015 sau khi mua lại hãng game Giant Interactive.
Những vụ giao dịch bí ẩn
Trên thực tế, việc M&A một công ty nước ngoài của Trung Quốc không hề đơn giản bởi chính quyền Bắc Kinh kiểm soát rất chặt các dòng vốn rời khỏi thị trường. Để thực hiện được thương vụ, các công ty sẽ lập nên 1 công ty vỏ bọc mới với những nhà đầu tư trong và ngoài nước có sẵn nguồn tiền trong tay. Họ sẽ chi trả khoản tiền M&A với lời hứa hẹn thanh toán lãi suất lên đến 20%, hoặc trả bằng cổ phiếu ở mức giá ưu đãi để có lợi nhuận khi giá cổ phiếu công ty đi lên sau thương vụ.
Khi các chính phủ Trung Quốc phê duyệt thương vụ M&A này, điều mà tất cả các nhà đầu tư đều không chắc chắn, công ty chính sẽ mua lại doanh nghiệp vỏ bọc này và thanh toán tiền lãi như đã hứa cho các nhà đầu tư trước đó. Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, cổ phiếu của công ty chính sẽ tăng mạnh tại Trung Quốc và tất cả đều được lời.
Trong những vụ giao dịch này, các chuyên gia rất khó tìm kiếm nguồn tiền từ đâu ra. Ví dụ thương vụ Outfit7 của anh em nhà Login, công ty United Luck Group Holding có trụ sở tại thiên đường thuế Virgin mới là người mua trực tiếp. Sau đó 4 ngày, United tuyên bố bán Outfit7 cho Zhejiang. Trước đó vài ngày, Zhejiang đã mua 10% cổ phần của United với giá bèo 5.000 USD.
Nhân viên chơi game tại Jagex
Đặc điểm dễ nhận dạng của những thương vụ “mua lợi nhuận cho báo cáo” này là các ông chủ Trung Quốc hiếm khi muốn tác động hay thay đổi gì với công ty nước ngoài mà họ bỏ nhiều tiền để mua lại. Trong thương vụ Jagex, những ông chủ Trung Quốc không tác động mấy đến việc điều hành công ty và khiến nhân viên bớt lo lắng sau khi nghe tin họ bị mua lại bởi một doanh nghiệp hóa chất Trung Quốc.
Trên thực tế, ngành trò chơi điện tử của Phương Tây không thấy nhiều dòng vốn mới trong nhiều năm qua cũng như các thương vụ M&A lớn, khiến họ buộc phải trông chờ vào các nhà đầu tư Châu Á, những người giàu mới nổi trên thị trường. Tuy vậy, chính phủ Trung Quốc đã nhận ra được những bất cập trong các thương vụ này và thắt chặt các quy định nhằm bảo vệ tỷ giá cũng như chất lượng hoạt động của những tập đoàn nội địa.
Quay trở lại chuyện anh em nhà Login, nhà sáng lập Samo cho biết họ muốn rút vốn khỏi công ty vì để dành tiền đầu tư cho mảng kinh doanh lương thực, họ không muốn tốn quá nhiều công sức vào Talking Tom mà bỏ dở những dự án thú vị khác.
“Nếu chúng tôi tiếp tục điều hành công ty thì đó sẽ là một thất bại. Sự tham lam sẽ chiến thắng nếu chúng tôi làm điều đó”, ông Samo nói.
BT