Đại diện Formosa: Muốn cả cá và nhà máy thì 'thủ tướng cũng không giải quyết được'
Tình trạng cá chết hàng loạt xảy ra ven biển thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) khiến người dân địa phương cũng như cả nước hoang mang, lo lắng. Nhiều ngư dân suy đoán việc này bắt nguồn từ đường ống xả thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) bởi tình trạng cá chết xuất hiện đầu tiên quanh khu vực này, rồi mới lan dần về phía Nam.
Ngày 25/4, trả lời trên Kênh VTC14 thắc mắc của ngư dân tại sao trước khi Formosa Hà Tĩnh xây dựng hệ thống xử lý nước xả thải thì họ đánh bắt được rất nhiều loại thủy, hải sản nhưng từ sau khi công ty xả thải ra biển thì xung quanh không hề có sinh vật biển nào còn sống sót, ông Chu Xuân Phàm - Giám đốc đối ngoại Công ty Formosa Hà Tĩnh cho hay, phải biết chấp nhận mất mát vì không thể có được hai điều cùng một lúc.
“Tôi công nhận việc xả thải là ít nhiều có ảnh hưởng đến môi trường, nước xả thải là nước ngọt khi xả thải ra hòa lẫn với nước biển chắc chắn làm thay đổi môi trường, cá tôm ít đi là điều đương nhiên.
Trước khi xây dựng dự án này thì công ty phải xin phép Nhà nước Việt Nam. Nhiều khi được cái nọ mất cái kia, đây là tôi nói thật lòng. Hôm nay nhà nước mình muốn cho ngư dân đánh bắt ở đây hay là chọn cái nhà máy thép ở đây, đương nhiên Nhà nước phải có sự cân nhắc.
Nếu xả thải thì đương nhiên sẽ thay đổi sinh học ở đây, ở vùng biển quanh đây. Nhưng bây giờ mà nói tôi không thể xây dựng nhà máy thép ở đây mà không ảnh hưởng đến con cá, con tôm. Đương nhiên mình cố gắng làm một nhà máy đạt được tiêu chuẩn quy định của nhà nước. Có khi được cái này thì phải mất cái kia chứ.
Cũng như việc vùng đất này lấy làm nhà máy thì không thể trồng lúa gì được. Hai cái này mình phải lựa chọn một, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay tôi muốn xây dựng một ngành thép hiện đại? Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này.
Công ty khi xây dựng nhà máy ở đây có hậu quả ô nhiễm nghiêm trọng đến con cháu mình hay không là vấn đề cần quan tâm. Trách nhiệm của công ty, của tập đoàn mình cố gắng làm theo quy định của Việt Nam. Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…”, báo Tuổi Trẻ trích nguyên văn lời nói của ông Phàm.
Cách đây 2-3 ngày, trong cuộc họp của lãnh đạo 4 tỉnh miền trung với liên Bộ NN&PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng đã khẳng định, đường ống xả thải của Formosa Hà Tĩnh đã được cấp phép.
Cụ thể, ngày 16/7/2014 công ty Formosa có văn bản đề nghị xây dựng đường ống xả thải làm mát ra vịnh Sơn Dương với chiều dài 1.300 m, đường kính 1,2m, cách mặt biển 12m. Đường ống có 9 lỗ xả dọc theo chiều dài, đường kính mỗi lỗ 0,3 m. Sau khi nghiên cứu, Bộ Tài nguyên đã cho phép đơn vị này xây dựng đường ống tại công văn ngày 26/8/2014. Riêng số liệu quan trắc tự động sẽ do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh quản lý.
Khu kinh tế Vũng Áng được thành lập năm 2006 với tổng diện tích gần 22.800 ha nằm trên 9 xã phía Nam huyện Kỳ Anh (nay là thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông lâm ngư nghiệp; trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp luyện kim.
Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh thuộc tập đoàn Formosa Đài Loan, hoạt động tại Khu kinh tế Vũng Áng. Đây là nhà máy liên hợp sản xuất gang thép từ nguyên liệu thô ban đầu là quặng sắt và than đá thành các sản phẩm gang thép thành phẩm cung cấp cho thị trường thế giới. Dự án gồm 6 lò cao dung tích 4.350 m, công suất ước đạt 15 triệu tấn gang thành phẩm một năm.
PV tổng hợp