Cựu binh Mỹ Paul George Harding 3 năm dạy học tiếng Anh miễn phí ở Việt Nam
Mỗi thứ tư hàng tuần, lớp học ở nhà B trong trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội lại rộn lên những tiếng phát âm tiếng Anh và giọng nói trầm ấm của thầy Paul George Harding. Thầy Paul là cựu binh Mỹ từng tham chiến tại chiến trường Việt Nam. Chứng kiến tận mắt sự khốc liệt của cuộc chiến phi nghĩa mà mình đã từng tham gia, ông quyết định trở lại Việt Nam và tổ chức những khóa học tiếng Anh miễn phí cho người Việt.
Lớp học của thầy Paul George Harding
Lớp tiếng Anh của thầy Paul George Harding bắt đầu hoạt động từ tháng 12/2014. Lớp học thu hút sự tham gia của nhiều học viên, từ những em nhỏ tới học sinh, sinh viên, thậm chí cả những người lớn tuổi. Tại đây, thầy chủ yếu rèn kỹ năng nghe nói, phát âm tiếng Anh cho mọi người. Từ đầu tới cuối buổi học, lớp không ngớt tiếng thầy và trò luyện âm. Thầy giáo viết những cụm từ tiếng Anh lên chiếc bảng đen, tỉ mỉ phát âm từng từ. Ông Phạm Thành Sơn, một học viên lớn tuổi trong lớp tiếng Anh thầy Paul, cho biết: "Tôi năm nay đã hơn 60 tuổi. Tôi thấy học ở đây rất hợp lý và có ích. Thầy sửa cho từng người và thầy khuyến khích từng người một, sửa cho từng lỗi. Khi sửa thầy rất vui vẻ. Thầy làm nhiều động tác và cử chỉ để cho người học dễ nhớ, dễ học".
Là một cựu binh Mỹ, Paul Harding luôn bị ám ảnh về quãng thời gian tham chiến tại chiến trường Lâm Đồng. Ông luôn muốn trở lại Việt Nam làm điều gì đó cho người dân Việt Nam. Nhớ lại quyết định quay lại Việt Nam hơn hai năm trước, thầy Paul chia sẻ: "Tôi tình cờ đọc được cuốn sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Cuốn sách đó chính là lý do khiến tôi quyết định quay lại Việt Nam. Tôi chưa bao giờ cố gắng nhiều hơn thế trong đời, và chưa bao giờ có nhiều niềm vui như bây giờ. Được dạy học là công việc tuyệt vời nhất đối với tôi. Mặc dù đó là công việc không công, nhưng tôi được trả công trong chính trái tim mình”.
Các bài giảng của thầy Paul xoay quanh nhiều lĩnh vực của cuộc sống, nhưng phần lớn liên quan đến lịch sử Việt Nam, nhất là giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Để chuẩn bị cho mỗi giờ lên lớp, ông sử dụng tư liệu mình đã đọc, kết hợp với việc lên thư viện để thu thập thêm thông tin, soạn giáo án. Thầy Paul Harding cũng đặc biệt yêu thích và thường sưu tầm sách về các anh hùng dân tộc Việt như: Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Thuỳ Trâm... Ông tâm sự: “Tôi may mắn đọc được cuốn tiểu sử của Nguyễn Văn Trỗi do người vợ của ông viết, và gửi gắm những tư liệu quý giá đó vào những bài dạy của mình. Tôi đã nói với những học trò nhỏ của mình, khi em nghĩ mình đang vấp phải những thử thách, hãy nghĩ về Nguyễn Văn Trỗi. Hãy tìm ra sức mạnh, lòng can đảm và tận tụy như người anh hùng đã làm. Tôi cũng tổ chức tuần lễ nhân dịp ngày sinh của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, và một lần nữa nhắc nhở các em về sự hy sinh của những người đi trước. Tôi nhắc các em phải cố gắng nhiều hơn để đừng gục ngã trước những khó khăn hay thất bại các em gặp phải trong tương lai”.
Từ khi lớp học được mở ra, đã có nhiều tình nguyện viên từ khắp nơi trên thế giới như Canada, Đức, Australia… tới Việt Nam để hỗ trợ thầy Paul trong công tác giảng dạy. Ngoài các tình nguyện viên nước ngoài, nhiều sinh viên Việt Nam cũng tham gia giúp đỡ thầy Paul hướng dẫn các học viên. Anh Nguyễn Thành Phong, học sinh lớp đầu tiên của thầy Paul, cho biết: “Tôi cảm nhận thầy có cách truyền tải kiến thức rất nhiệt huyết, thầy đem tất cả tâm huyết vào bài giảng và thực sự muốn giúp cho nhiều người Việt Nam biết nói tiếng Anh. Sau hơn 1 năm học tập với thầy thì tiếng Anh của tôi đã tiến bộ rất nhiều. Hiện nay tôi đã làm việc với thầy được hơn một năm, và cảm thấy rất vui mỗi khi được đến lớp để giúp đỡ mọi người”.
Thầy Paul chia lớp học thành các nhóm nhỏ để luyện phát âm
Dù đã 70 tuổi, thầy Paul vẫn không ngại vất vả cũng như những vấn đề sức khỏe để duy trì các buổi lên lớp đều đặn hàng tuần. Nếu có ai hỏi thầy Paul: "Có khi nào thầy cảm thấy chán, không muốn dạy nữa không?", thầy đều trả lời rất vui vẻ rằng: "Khi nào tôi chết thì tôi sẽ thôi dạy". Chị Nguyễn Thu Phượng, tham gia lớp học được 4 tháng, chia sẻ: "Không sinh ra ở Việt Nam. Việt Nam không phải quê hương của thầy, nhưng thầy lại có một tình yêu đặc biệt với Việt Nam, với những con người Việt Nam, yêu lịch sử và sự ham học hỏi của người Việt. Đó là một người rất đáng trân trọng".
Quyết định quay lại Việt Nam của thầy Paul nhận được sự đồng tình và ủng hộ của gia đình. Thầy mong muốn mở rộng hơn nữa mô hình dạy học của mình tại Việt Nam và tổ chức được nhiều phong trào tình nguyện nữa trên khắp đất nước. Không hẹn ngày quay trở lại Mỹ, thầy tự nhủ mình sẽ tận tụy với công việc dạy học và truyền cảm hứng sống cho lớp trẻ Việt Nam, để làm nhẹ bớt những ký ức chiến tranh từng đè nặng lên mình.
Anh Tú, Lê Phương