Cuộc sống xa hoa tột bậc của Từ Hy Thái Hậu: Ăn 120 sơn hào hải vị mỗi bữa, có riêng một tuyến đường sắt đi lại trong cung
Sinh ngày 29/11/1835, từ nhỏ Từ Hy đã được tuyển vào làm cung nữ hầu hạ Hoàng đế Hàm Phong. Năm 1856, bà sinh hạ một hoàng tử, đặt tên là Đồng Trị, người sau này kế vị ngai vàng. Kể từ đây, cuộc sống của Từ Hy ngập trong nhung lụa, khác hẳn với đời sống kham khổ mà quần chúng thời đó đang phải chịu đựng.
Từ Hy Thái Hậu, người đã qua đời cách đây đúng 109 năm
Các nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước có những tranh luận rất khác biệt về đóng góp của Từ Hy Thái Hậu đối với Trung Quốc. Một số người cho rằng, Từ Hy là một con người tàn bạo và độc đoán. Những quyết sách sai lầm của bà đã góp phần khép lại lịch sử phong kiến hàng nghìn năm văn hiến của Trung Quốc. Tuy vậy, phải thừa nhận rằng, nhiều thay đổi và cải cách dưới thời Từ Hy Thái Hậu là vô cùng cần thiết vào thời điểm đó.
Vậy thực chất cuộc sống quyền quý đằng sau cánh cửa Tử Cấm Thành của Từ Hy Thái Hậu có gì đặc biệt?
Ảnh biếm họa Từ Hy Thái Hậu trên bìa tạp chí "Le Rire" của Pháp, đăng ngày 14/07/1900
Từ Hy Thái Hậu rất sành điệu trong việc lựa chọn trang phục
Lúc còn trị vì, Từ Hy Thái Hậu được biết đến với gu thời trang đặc biệt và rất yêu thích việc đứng trước máy chụp hình. Bảo tàng Cố Cung ở Bắc Kinh hiện vẫn còn lưu giữ hơn 100 tấm ảnh tư liệu quý giá về Từ Hy Thái Hậu trong gần 30 bộ y phục rực rỡ và xa hoa.
Chân dung Từ Hy Thái Hậu, được cho là chụp vào năm 1903, với kiểu tóc búi hai bên đầu - một kiểu tóc vô cùng thịnh hành của phụ nữ dưới thời nhà Thanh.
Chất liệu những bộ y phục này phần lớn được làm từ lụa và được thêu thêm những viên ngọc trai thượng hạng, bên cạnh các món trang sức không thể thiếu như vòng ngọc, chuỗi hạt hay trâm cài tóc được làm hoàn toàn bằng vàng.
Có thể nói, quá trình làm tóc cho Từ Hy cũng tiêu tốn không ít thời gian. Bức ảnh dưới đây chính là toàn bộ 25 dụng cụ cần thiết để tạo nên kiểu tóc búi 2 bên cho bà, cũng như với các phi tần khác trong cung.
Một bộ dụng cụ tạo kiểu tóc được sử dụng trong cung điện nhà Thanh, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Cố Cung ở Bắc Kinh.
Đường ray tàu hỏa ngay trong hoàng cung dành riêng cho Từ Hy Thái Hậu
Nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Thái Hậu trong việc phát triển mạng lưới đường sắt ở Trung Quốc, Lý Hồng Giang, một đại thần trong triều đình nhà Thanh, đồng thời là một nhà ngoại giao kiệt xuất, đã đề ra ý tưởng xây dựng một đường ray đặc biệt dành riêng cho Từ Hy, chạy dọc xung quanh Tây Hoa Môn, một trong những Vườn thượng uyển nổi tiếng dành cho vua chúa nhà Thanh, tọa lạc ở phía Tây của Tử Cấm Thành.
Nằm giữa vườn uyển Bắc Hải Trung Nam Hải, đây là nơi Từ Hy Thái Hậu thường lui tới kể từ năm 1888.
Ảnh chụp toa tàu hỏa của Tuyến đường sắt Tử Quang Các
Được coi là tuyến đường sắt đầu tiên ở Trung Quốc dành cho hoàng gia, việc thi công bắt đầu được tiến hành vào năm 1886 và kết thúc vào năm 1888. Tổng chiều dài quãng đường là khoảng 1510 mét, nối Nghi Loan Điện, vườn uyển Trung Nam Hải – nơi ở của Từ Hy - với Tĩnh Tâm Trai, vườn uyển Bắc Hải – nơi Thái Hậu thường lui tới để dùng bữa.
Trong suốt chuyến đi, điểm dừng chân nghỉ ngơi sẽ được bố trí tại Tử Quang Các, đây cũng chính là tên gọi chính thức cho tuyến đường sắt đảm nhiệm việc vận hành chuyến tàu này.
Bản đồ minh họa chi tiết sơ đồ tuyến đường sắt Tử Quang Các được xây dựng ở phía tây Tử Cấm Thành.
Để thể hiện quyền uy của mình, Từ Hy yêu cầu các toa tàu phải được trang trí với từng màu sắc rèm cửa khác nhau sao cho phù hợp với địa vị của hành khách ngồi trên đó, chẳng hạn với toa tàu chở Thái Hậu và Hoàng đế Quang Tự, rèm cửa sẽ có màu vàng, đối với các thành viên hoàng tộc thì màu đỏ sẽ được sử dụng. Cuối cùng là màu xanh dương dành cho quan đại thần của triều đình.
Đáng tiếc, toàn bộ tuyến đường sắt này đã bị Liên minh 8 nước phương Tây phá hủy vào năm 1900 trong cuộc chiến tranh thuốc phiện.
Mỗi bữa ăn của "Đại lão Phật gia" thường bao gồm 120 món sơn hào hải vị
Không chỉ có Ngự Thiện Phòng, nơi phục vụ các món ăn dành cho cung tần mĩ nữ của Hoàng đế, Từ Hy Thái Hậu còn cho phép thành lập một cơ quan có tên là "Bào Tây" ngay trong nội cung, mục đích là để chăm lo bữa ăn cho riêng mình Thái Hậu.
Được chia làm 5 khu chính, mỗi bộ phận trong Bào Tây lại phục vụ một danh mục riêng, cụ thể gồm có khu chuyên về món thịt, khu đồ chay, khu chuyên về các món cơm-bún-miến, khu đồ ăn vặt và khu chuyên về các món bánh ngọt.
Một bữa ăn hoàn chỉnh của Từ Hy Thái Hậu đã được phục dựng lại và được trưng bày tại Bảo tàng Cố Cung ở Bắc Kinh.
Theo thống kê, mỗi đầu bếp làm việc ở Bào Tây có thể chế biến được hơn 400 kiểu bánh ngọt, 4000 món ăn khác nhau, thậm chí có những món thuộc hàng cao lương mĩ vị, có thể kể đến như tổ chim yến, vây cá mập hay tay gấu.
Nhiều giai thoại còn kể rằng, Từ Hy thậm chí đã từng thưởng thức gần 150.000 quả táo trong vòng 1 năm. Tuy vậy, đây hoàn toàn chỉ là lời đồn vô căn cứ. Thay vì thưởng thức chúng, Thái Hậu chỉ chọn những quả táo thơm ngon nhất để ngửi lấy mùi hương. Những quả táo sau khi không còn tươi nữa sẽ lập tức bị đem bỏ và thay thế bởi những quả mới hơn.
Từ Hy Thái Hậu cũng rất yêu thích các món lẩu. Nồi lẩu được dùng trong hoàng cung thường được làm bằng chất liệu gốm, sứ tráng men, hợp kim bạc đồng có hoặc không có mạ vàng.
Chó cưng của Từ Hy Thái Hậu cũng có nô tài hầu hạ riêng
Nuôi chó trong cấm cung là một thú vui phổ biến của giới hoàng tộc nhà Thanh. Theo cuốn "Nén nhang Hoàng tộc" của Der Ling, một tì nữ của Từ Hy Thái Hậu và là con gái của một quý tộc Mãn Châu, Từ Hy có hơn 20 loài chó cảnh khác nhau, trong số đó, chú chó sư tử được bà yêu mến hơn cả.
Thay vì nhốt trong cũi, bà thường cho chó sống trong một căn nhà dựng bằng tre nứa, bên ngoài có 4 thái giám túc trực và chăm sóc thường xuyên.
Ngoài ra, chúng cũng được mặc những bộ quần áo được thiết kế riêng, được dệt bằng vải satin và thêu hình bông hoa cúc, hoa hải đường bằng chỉ lụa vàng.
Một mẫu áo dành cho chó cưng giai đoạn cuối triều đại nhà Thanh.
Từ Hy được mai táng và chôn cất cùng với số châu báu trị giá 1,2 triệu lạng bạc
Con thuyền "vàng mã" dùng để đưa tiễn Từ Hy Thái Hậu
Từ Hy Thái Hậu qua đời tại Nghi Loan Điện vào ngày 15/11/1908, chỉ một ngày sau khi hoàng đế Quang Tự băng hà. Đám tang của bà được tổ chức linh đình trong suốt cả năm. Theo ghi chép của hoàng gia nhà Thanh vào thời điểm đó, Từ Hy Thái Hậu được chôn cất cùng với vô số vàng bạc châu báu cũng như các vật phẩm quý giá khác, trị giá lên đến 1,2 triệu lạng bạc.
Để đưa tiễn Thái Hậu về suối vàng và nguyện ước cho bà có được cuộc sống tốt hơn ở kiếp sau, người ta thậm chí còn cho hỏa thiêu một con thuyền "vàng mã" cỡ lớn ở Đông Môn Tử Cấm Thành vào ngày 30/08/1909. Con thuyền có chiều dài là 72m, rộng 7m và được làm từ gỗ thượng hạng, trang trí bằng các họa tiết từ lụa cao cấp. Trên thuyền được chất rất nhiều mô hình giấy tượng trưng cho các tòa tháp, đình, phòng ốc cũng như nhiều hình nhân người hầu trong bộ quần áo thật.
Sau lễ tang, thi thể bà được an táng tại khu Thanh Đông Lăng nhưng đã bị quân đội của lãnh chúa Tôn Điện Anh cướp bóc và phá hoại vào năm 1928.
Trên thuyền người ta để nhiều hình nhân người hầu trong bộ quần áo thật.
Nguồn: South China Morning Post
Kienzeratul Spiderum