Cuộc sống mưu sinh chốn đô thị qua góc nhìn của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong
Những người bán hàng rong, những cuộc đời được gọi tên bằng hàng hóa: ông bán áo mưa, bà bán ổi, chị bánh mì, thằng bé vé số… bỗng một ngày xuất hiện rạng ngời, đẹp đẽ trong những bức ảnh.
Dù được triển lãm, làm sách ảnh hay chỉ đăng trên diễn đàn, những bức ảnh dung dị ấy vẫn đầy cảm hứng, lan tỏa tinh thần lạc quan, mang đến cho người xem một góc nhìn khác của những phận đời nghèo, được kể bằng nghệ thuật ánh sáng từ đường phố.
Những tác phẩm trong Triển lãm Mưu sinh được chụp ở nhiều vùng miền, nhưng nhiều nhất là ở Sài Gòn, nơi gắn liền với tuổi thơ của Trần Thế Phong.
Không chọn góc nhìn bi lụy, đau khổ, mà lạc quan, vui sống, rõ ràng Trần Thế Phong có được sự đồng cảm, thông hiểu cùng cuộc mưu sinh của những người buôn gánh bán bưng tại các thành phố lớn.
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong chia sẻ: “Trong đời người, có ai không phải trải qua cuộc sống mưu sinh. Với tôi, 2 chữ mưu sinh đã thấm sâu vào trong tâm trí từ khi tôi tròn 6 tuổi. Số phận đã đưa đẩy tôi bước vào cuộc sống tự lập từ thuở bé, phải mưu sinh bằng những công việc như bán vé số, bán báo, bán kem… Và từ đó tôi lớn lên với nhiều ngành nghề khác nhau, cho đến khi đến với nhiếp ảnh – công việc giúp tôi mưu sinh trong suốt hơn 20 năm nay. Tôi nhận ra nhiếp ảnh không chỉ giúp mình kiếm sống, mà đó còn là cái duyên cái nghiệp của tôi."
"Những trải nghiệm về cuộc sống đường phố từ thuở bé là điều hết sức may mắn với tôi. Nó cho tôi có được sự đồng cảm với những mảnh đời mưu sinh, từ đó mang lại nhiều cảm xúc để theo đuổi và lưu giữ lại những hình ảnh mưu sinh ở một số vùng miền của Việt Nam”. anh cho biết.
Hoàng Hà