Cục trưởng Mai Văn Trinh nói về các thí sinh thực lực sau gian lận thi cử: “Một số thí sinh mất cơ hội theo trường nguyện vọng nhưng các em vẫn nên tự
"Sai phạm đã làm tổn thương đến niềm tin của xã hội"
Sáng 9/8, Báo Lao Động đã tổ chức tọa đàm trực tiếp với chủ đề “Chặn đứng tiêu cực thi cử - giữ môi trường giáo dục trong sạch”. Các khách mời gồm có TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS-TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII và TS Phương pháp Giảng dạy Toán Lê Thống Nhất.
Tại buổi họp báo, các vấn đề được bàn luận xoay quanh quá trình xử lý những bê bối xảy ra trên nhiều tỉnh trong Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa qua, Cơ quan chức năng có thể trả lại điểm thật, mang lại công bằng cho các thí sinh hay không và giải pháp để chấm dứt vất đề này.
Với tư cách là Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Đào tạo, ông Mai Văn Trinh cho biết: "Các sai phạm ở 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình đều là sai phạm có chủ đích, có ý đồ từ trước của một số cá nhân. Những kẻ này đã vô hiệu hóa quy trình nghiêm ngặt của kỳ thi. Hậu quả đã làm mất đi công bằng của kì thi, làm tổn thương đến sự trong sáng của thí sinh, đặc biệt là làm tổn thương đến niềm tin của xã hội".
Ông Mai Văn Trinh trả lời báo chí.
Ông Trinh cho rằng những sai phạm này cá biệt, trước hết là trách nhiệm cá nhân mà nguồn gốc sâu xa là công tác cán bộ, lựa chọn cán bộ. Theo ông Trinh, hiện tại Bộ GD&ĐT sẽ tạm thời công nhận điểm thi đã công bố của Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.
"Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ những tiêu cực ở 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La. Sẽ có một số thí sinh bị thiệt thòi khi mất cơ hội được vào đúng trường theo nguyện vọng dù có năng lực và xứng đáng, tuy nhiên các em có thể hãnh diện, tự hào vì kết quả học tập mà mình đạt được", ông Trinh nói về các học sinh có thực lực.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng mong người dân và thí sinh tin tưởng ở các kỳ thi tiếp theo
Nói về các giải pháp để chấm dứt tình trạng gian lận thi cử như vừa xảy ra, PGS-TS Bùi Thị An cho rằng cần chuẩn mực trong việc bổ nhiệm đề bạt. "Tôi đề nghị Bộ GDĐT phải giáo dục cán bộ trong ngành, kể cả cán bộ quản lý, đừng để ai có thể mua được bằng", bà An nói.
TS Lê Thống Nhất nêu quan điểm rằng: "Thủ phạm quan trọng nhất dẫn đến gian lận thi cử là một bộ phận phụ huynh, nhất là những phụ huynh có chức, có quyền. Họ đã mặc cả bằng tiền bạc, tình cảm hay gây sức ép đẩy những nhà giáo tới chỗ sai phạm, cần thay đổi suy nghĩ tiêu cực của những người này".
TS Lê Thống Nhất (lề trái) nêu nhiều ý kiến và giải pháp liên quan đến vấn đề gian lận thi cử.
Ông Nhất cho rằng không được tin bất kỳ ai dù ở vị trí, chức vụ nào. Cần hoàn thiện quy chế, công nghệ để lấp kín những lỗ hổng, bên cạnh đó là cần thay thế những người không đủ năng lực ra khỏi hệ thống.
Ông Phạm Tất Thắng thì cho rằng phải gắn trách nhiệm cụ thể với từng cá nhân, bộ phận trong quy trình tổ chức thi. Chỉ có như vậy mới ngăn ngừa những sai phạm có thể xảy ra trong các kỳ thi tiếp theo.
Cuối buổi họp báo, Ông Mai Văn Trinh cảm ơn những câu hỏi và những góp ý chân thành của các vị khách mời. Ông cho biết, dựa vào năng lực có hạn về vật chất, con người, Bộ GD&ĐT đang ưu tiên hoàn thiện từng khâu, từng bước một để chấm dứt tình trạng gian lận thi cử như vừa xảy ra.
Ông Trinh cho rằng rất khó để nói ở những tỉnh thành còn lại có xảy ra tình trạng gian lận hay không, tuy nhiên Bộ GD&ĐT mong muốn người dân và các thí sinh tin tưởng ở kỳ thi tiếp theo. Bộ GD&ĐT cũng muốn gửi thông điệp tới các trường đại học rằng hãy siết chặt chất lượng và quản lý đầu ra, để kể cả khi không cần tổ chức thi cử thì nhà trường vẫn chọn được những sinh viên có năng lực thực sự và mong muốn được học tập.
Bá Cường