Cục diện Biển Đông đang có lợi cho Việt Nam và Asean
Lãnh đạo các nước ASEAN đề nghị nối lại đàm phán COC trên Biển Đông |
ASEAN quyết tâm xây dựng Biển Đông hợp tác và an toàn |
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 14-7 đã công bố quan điểm của Chính phủ Mỹ, bác bỏ hầu hết yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, gọi đó là “phi pháp” |
Trong tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo đăng trên trang web Bộ Ngoại giao Mỹ rạng sáng 14-7 (giờ Việt Nam), Washington mở đầu trực diện về quan điểm của họ đối với các yêu sách quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông:
"Chúng tôi đang làm rõ một điều: các tuyên bố của Bắc Kinh đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch bắt nạt của Trung Quốc nhằm kiểm soát chúng".
Đúng thời điểm
Nội dung chính của tuyên bố trên có thể chia làm hai phần: bác bỏ yêu sách của Trung Quốc; và công nhận quyền hàng hải của các nước khác có liên quan.
Về yêu sách của Trung Quốc, Mỹ nêu rõ lập trường bác bỏ gần hết các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm bãi Tư Chính ngoài khơi Việt Nam: "Bắc Kinh đã không đưa ra cơ sở pháp lý nhất quán nào cho yêu sách "đường chín đoạn" ở Biển Đông kể từ khi chính thức ra tuyên bố đó vào năm 2009. Trong một phán quyết có sự thống nhất ngày 12-7-2016, một tòa trọng tài thành lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 - mà Trung Quốc là một quốc gia thành viên - đã bác bỏ yêu sách hàng hải của Trung Quốc, cho đây là yêu sách không có cơ sở luật pháp quốc tế".
Về công nhận quyền hàng hải của các nước khác, Mỹ tiếp tục dựa trên phán quyết 2016. Thông điệp của ông Pompeo cụ thể nhấn mạnh Trung Quốc không thể áp đặt yêu sách hàng hải hợp pháp - bao gồm bất kỳ yêu sách vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nào bắt nguồn từ bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa.
Nhận định với Tuổi Trẻ về tuyên bố trên của Mỹ, giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) Greg Poling lưu ý dù Mỹ từ lâu đã công khai bác bỏ "đường chín đoạn", đây là lần đầu tiên Washington khẳng định rõ rằng Trung Quốc không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa bên ngoài phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo.
"Và với việc đề cập cụ thể tới bãi Tư Chính, bãi Cỏ Rong, đá Vành Khăn, cụm bãi cạn Luconia và vùng biển ngoài khơi đảo Natuna Besar, Mỹ đang phát đi tín hiệu rằng nước này sẽ lên tiếng mạnh mẽ hơn khi Trung Quốc có những hành động quấy rối mà chúng ta đã chứng kiến khắp nơi trong năm qua" - ông Poling nói.
Động thái của Mỹ có thể xem là kết quả từ một chiến lược đối trọng với Trung Quốc được chuẩn bị trước đó. Tuyên bố của ông Pompeo phản ánh lập trường của Mỹ về việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh để đạt mục đích ở Biển Đông, thể hiện qua các hành động như quấy rối việc đánh cá và phát triển dầu mỏ của các bên khác ở những vùng biển này.
Tàu chiến đấu ven bờ USS Gabrielle Giffords của Mỹ di chuyển gần tàu khảo sát Hải Dương 4 của Trung Quốc trên Biển Đông ngày 1-7 - Ảnh: US NAVY |
Chờ hiệu ứng pháp lý
Lập trường mới của Mỹ được giới phân tích kỳ vọng sẽ tạo ra hàng loạt diễn biến tiếp theo ở Biển Đông, vốn có thể thay đổi cục diện "chuyện đã rồi" mà Trung Quốc muốn xây dựng.
Thứ nhất, nói như giáo sư Jay Batongbacal, giám đốc Viện các vấn đề hàng hải và luật biển thuộc Đại học Philippines, tuyên bố trên của Mỹ đã ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của các nước ASEAN tại các khu vực cụ thể.
Thứ hai, chuyên gia Poling cho rằng dù mới chỉ là bước đầu, tuyên bố này lại là một nước đi quan trọng. Theo ông Poling, đây có thể là lúc các nước xung quanh kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng sau khi Mỹ đã tiên phong.
"Hiện giờ Washington, Hà Nội và những đối tác cùng chí hướng khác cần phải sử dụng thời cơ này để công khai làm rõ hành vi phi pháp của Trung Quốc cũng như tạo sức ép lên các đối tác khác lên tiếng, ví dụ châu Âu" - ông Poling nói.
Tương tự, trao đổi với một cựu quan chức Mỹ phụ trách chiến lược và quan hệ đa phương trong khu vực, cho rằng tuyên bố của Mỹ hiển nhiên ủng hộ các nước có tuyên bố chủ quyền của ASEAN, mặc dù tình hình có thể phức tạp khi chưa có sự phân định rõ ràng.
Theo chuyên gia không nêu tên này, câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền Tổng thống Trump sắp tới có ủng hộ tuyên bố hay lập luận pháp lý của các bên khác hay không.
Việc ủng hộ này như đã nói, được Mỹ thể hiện căn cứ theo phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016. Hiện nay, phía Mỹ chỉ mới làm một nửa đối với vấn đề này, tức bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại các thực thể ở Biển Đông nhưng chưa công khai ủng hộ lập trường của các nước khác trên các thực thể ấy.
Trong quan điểm của tiến sĩ Zachary Abuza, Học viện Chiến tranh Mỹ, nếu Mỹ thể hiện đầy đủ sự cam kết thì đây là thời cơ để tạo ra một liên minh pháp lý quốc tế chống lại yêu sách của Trung Quốc.
Lập trưởng Biển Đông của Mỹ 25 năm qua
Tư liệu: DUY LINH
Ba điểm đáng chú ý Nội dung thứ nhất của tuyên bố về cơ bản phản ánh những nội dung chính của phán quyết vụ kiện Biển Đông, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines được yêu sách hợp pháp theo UNCLOS 1982. Nội dung thứ hai của tuyên bố đã "khoanh vùng" những khu vực ở Biển Đông mà Trung Quốc không có quyền yêu sách và khai thác dầu khí, đánh cá. Thứ nhất, Mỹ phản đối Trung Quốc yêu sách vùng biển bên ngoài phạm vi 12 hải lý tính từ các cấu trúc nổi ở Trường Sa do các thực thể này không có khả năng tạo ra vùng EEZ và thềm lục địa. Thứ hai, Mỹ phản đối Trung Quốc yêu sách các vùng nước xung quanh bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), bãi Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng nước thuộc vùng EEZ của Brunei và Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia); khẳng định các khu vực kể trên không thuộc về Trung Quốc. Nội dung thứ ba, tuyên bố của Mỹ không làm rõ James Shoal có thuộc về thềm lục địa Malaysia hay không (dù chỉ cách Malaysia 50 hải lý), mà chỉ dựa vào đặc tính của bãi chìm để kết luận: Trung Quốc không có quyền yêu sách lãnh thổ đối với James Shoal và không có quyền yêu sách vùng biển từ thực thể này. Tóm lại, tuyên bố của Mỹ là một bước đi rất đáng chú ý, tiếp thêm sức sống cho phán quyết vụ kiện Biển Đông, làm rõ hơn quan điểm, lập trường của Mỹ. Đối với Việt Nam, tuyên bố của Mỹ góp phần khẳng định rõ thêm quan điểm của cộng đồng quốc tế đối với yêu sách vùng EEZ và thềm lục địa tính từ đường cơ sở thẳng trên đất liền của Việt Nam là hợp pháp, chính đáng theo UNCLOS 1982. Ths Võ Ngọc Diệp (Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao) |
Tạo áp lực đàm phán COC Theo giáo sư Jay Batongbacal, động thái của Mỹ chắc chắn tạo thêm áp lực cho cuộc đàm phán COC. Một trong những điểm mấu chốt là vai trò của bên thứ ba, hoặc các cường quốc bên ngoài, đặc biệt là liệu COC có bao gồm họ hay cho phép họ tham gia một cách tự nguyện không. Trung Quốc đã phản đối sự tham gia của các nước bên ngoài. Một thay đổi trong lập trường của Mỹ có thể dẫn tới việc các nước khác cũng nêu lập trường, và điều này sẽ hỗ trợ quan điểm rằng lợi ích của bên thứ ba trong Biển Đông nên được công nhận và bằng cách nào đó nó phải được xem xét, giải quyết trong COC. "Bất kỳ hành động nào của Mỹ cũng hỗ trợ các bên đàm phán COC với Trung Quốc" - tiến sĩ James Kraska, Trung tâm luật quốc tế Stockton (Đại học Hải chiến Mỹ) nói. |