Cú giật nước xả bồn cầu và mối an nguy của loài người
Xã hội ngày càng phát triển, con người ngày nay cũng ngày càng yêu cầu cao hơn về chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, một điều rất kỳ lạ là mọi người chỉ để ý ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn, yêu dị hơn, ngủ sướng hơn, hít thở trong lành hơn mà quên mất một nhu cầu không thể thiếu, đó là đi vệ sinh.
Nói đến vệ sinh, chúng ta không thể không nói đến bồn cầu xả nước, một thứ hiện diện hầu như tất cả mọi nơi trên thế giới. Thậm chí, hình ảnh tráng men sứ trắng của chiếc bồn cầu đã được coi là biểu tượng của sự văn minh, khi những vùng không có loại sản phẩm này bị coi là "nhà quê".
Vậy bồn cầu xả nước được hình thành thế nào và tại sao nó lại trở thành biểu tượng của nền văn minh Phương Tây?
Lịch sử của loài người qua chuyện đi vệ sinh
Thời kỳ cổ đại, con người sống hoang dã và hầu như đi vệ sinh lộ thiên tự do. Đến khi các làng xã, đế chế được hình thành thì những nhà vệ sinh có mái che mới được xây dựng. Trong giai đoạn này, tầng lớp nhà giàu có lót gạch trong nhà vệ sinh nhưng chưa có hệ thống thải mà phải nhờ nô lệ dọn dẹp bằng tay.
Vào khoảng năm 2.600-1900 trước công nguyên (BC), nền văn minh lưu vực sông Ấn bắt đầu sử dụng rộng rãi hệ thống xả thải vệ sinh chui ngầm dưới lòng đất và nhà vệ sinh được dội xả bằng nước. Sau đó, hệ thống xả này cũng được phát hiện ở vùng văn minh Minoan vào khoảng 2.600-1900 BC. Tại Anh, những dấu hiệu của hệ thống xả vệ sinh bằng nước cũng xuất hiện từ năm 3100 BC.
Một hệ thống nhà vệ sinh công cộng thời La Mã
Tuy nhiên, phải đến tận thời kỳ chế đế la Mã cổ đại trong khoảng năm 100- 500 sau công nguyên (AD), hệ thống xả thải vệ sinh mới được nâng cấp lên một tầng mới với hàng loạt nhà vệ sinh công cộng và hệ thống xả thải tinh vi.
Dẫu vậy, hệ thống xả thải vệ sinh có một bước thụt lùi trong thời kỳ trung cổ do ảnh hưởng từ địa chính trị, tôn giáo khi hầu như các quốc gia lại sử dụng nhà vệ sinh dọn dẹp bằng tay.
Bước sang thời kỳ cận đại, hệ thống xả thải nhà vệ sinh mới được phục hồi dần và phải tới năm 1596 của thời hiện đại, nhà phát minh John Harrington mới sáng chế ra chiếc bồn cầu xả nước đầu tiên với tên gọi ban đầu là “buồng nước” (Water Closet- WC).
Thế rồi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất xảy ra và hệ thống bồn cầu xả thải bắt đầu được nhân rộng tại Anh và dần loan ra toàn châu lục. Dẫu vậy, việc chấp nhận bồn cầu xả nước không hề dễ dàng trong giai đoạn đầu khi các thiết kế thời đó còn đơn sơ. Đôi khi những chiếc bồn cầu lăn ra hỏng hoặc trồi ngược chất thải lên trên.
Năm 1775, ông Alexander Cumming cải tiến bồn cầu xả nước với hệ thống ống chữ S qua đó giải quyết hiện tượng trồi ngược và thiết kế này vẫn được sử dụng cho tới ngày nay.
Đến thế kỷ 19, việc sử dụng bồn cầu xả nước đã trở thành hiện tượng khi người dân háo hức được đi vệ sinh một cách sạch sẽ và thoải mái. Trong khi tầng lớp thượng lưu có nhà vệ sinh riêng thì nhiều người lao động bình dân chấp nhận xếp hàng dài để được sử dụng những chiếc bồn cầu xả nước công cộng.
Tại thời kỳ này, việc sở hữu bồn cầu xả nước được coi là một biểu tượng của sự quyền quý. Những chiếc bồn cầu được lát gạch men và trang trí khá cầu kỳ tại những dinh thự của các gia đình thượng lưu.
Một chiếc bồn cầu của Pháp thế kỷ thứ 19, được trang trí hoa văn và chỉ dành cho giới quý tộc thời đó.
Không lâu sau khi bồn cầu xả nước được đăng ký bản quyền tại Anh, loại sản phẩm này nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu. Vào thập niên 1880, hầu hết các khách sạn và giới nhà giàu Mỹ sử dụng bồn cầu xả nước, chiếm 1/4 tổng các hộ dân tại đây. Dần dần, sự phát triển của cơ sở hạ tầng và công nghiệp khiến bồn cầu xả nước trở nên ngày càng phổ biến, mặc dù tại nhiều vùng khó khăn như Châu Phi thì loại sản phẩm này vẫn là hình ảnh khá xa xỉ.
Tuy nhiên, dù bồn cầu xả nước có sạch sẽ, thoải mái hay đẹp mỹ quan tới đâu thì chúng vẫn khơi gợi nên những vấn đề mới cho xã hội, thậm chí ảnh hưởng đến tương lai của loài người.
Xả hay không xả? Đó là vấn đề an nguy của toàn xã hội
Nghe có vẻ nghiêm trọng, nhưng một cú giật nước của bạn có thể tác động đến an nguy của môi trường trái đất và sự sống còn của nhân loại.
Bạn không tin ư? Nhưng những chuyên gia trong Hội nghị Toilet thế giới (World Toilet Summit and Expo) được tổ chức hàng năm lại tin như vậy.
Những báo cáo của các chuyên gia trong hội nghị cho thấy dù bồn cầu xả nước không xả nhiều nước hơn nhưng việc tăng trưởng dân số quá nhanh khiến tỷ suất sử dụng đi lên, qua đó tổng lượng nước mà bồn cầu xả ra ngoài môi trường tăng cao hơn. Qua đó đe dọa đến an ninh nước sạch, vệ sinh môi trường cũng như nhiều hệ quả khác.
Chuyên gia Rose George, tác giả của cuốn sách “The Big Necessity: The Unmentionable World of Human Waste and Why it Matters” nhận định hàng năm hệ thống xả thải của nước Anh cần sử dụng mức năng lượng vận hành tương đương với việc xả 28,8 triệu tấn carbon dioxide ra ngoài môi trường.
Ảnh minh họa
Năm 2015, báo cáo của Liên Hiệp Quốc (UN) cho thấy có khoảng 35,8% dân số thế giới không được tiếp cận với hệ thống xả thải vệ sinh đúng cách và các nhà lãnh đạo trên thế giới đã nhất trí hoàn thành mục tiêu cung cấp bồn xả nước cùng hệ thống xả thải cho toàn cầu vào năm 2030. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có thêm 3 tỷ người sử dụng bồn cầu trong thời gian tới, tạo ra áp lực lớn hơn nữa cho môi trường và an ninh nước sạch.
Nghiên cứu của UN cũng cho thấy bình quân mỗi hộ gia đình cần khoảng 50 lít nước/ngày cho nấu nướng và tiêu thụ, không bao gồm lượng nước xả thải vệ sinh. Tuy nhiên, tại những vùng như Châu Phi, mỗi hộ gia đình chỉ dùng khoảng 20 lít nước/ngày, không bằng lượng nước xả thải vệ sinh của các nước phát triển.
Hiện nay, hơn 80% số nước thải vệ sinh của toàn thế giới bị xả thẳng ra biển, sông ngòi hay những khu vực khác mà không qua phân giải hay tái chế, gây mất vệ sinh môi trường và làm phí phạm nguồn nước sạch.
Trên thực tế, áp lực ban đầu của bồn cầu xả nước với xã hội đến từ cơ sở hạ tầng ngay từ những thời kỳ đầu. Vào thập niên 1800, Mỹ đã xây dựng các cơ sở cấp nước cho đô thị và lượng nước bình quân đầu người khi đó chỉ vào khoảng 11-18 lít/ngày. Tuy nhiên, con số này đã nhảy lên 208-564 lít/ngày vào năm 1882 khi các bồn cầu xả nước bắt đầu được sử dụng rộng rãi.
Dẫu vậy, việc xả thải vào các bể chứa cũ kỹ hay những đường ống đã hoen rỉ khiến việc dọn dẹp tốn nhiều công sức cũng như gây mất vệ sinh môi trường trong những ngày mưa, nhất là khi mật độ dân số tăng chóng mặt. Hậu quả là việc phát minh ra bồn cầu xả nước nhằm đi vệ sinh sạch sẽ hơn lại khiến môi trường bẩn hơn.
Ảnh minh họa
Đến khi hệ thống cơ sở hạ tầng dần được hoàn thiện và nâng cấp, con người sử dụng bồn cầu nhiều hơn thì vấn đề nước sạch lại nảy sinh. Trong thế kỷ 19, hầu như chả ai quan tâm xem có tiết kiệm nước hay không bởi họ chỉ muốn dọn dẹp những thứ bị coi là “bẩn tưởi”, mất vệ sinh và cho rằng hệ thống sông ngòi sẽ tự làm sạch được chúng.
Tuy nhiên, giờ đây trước thực trạng thiếu nước sạch ở nhiều nơi cũng như tình trạng hạn hán, thay đổi khí hậu, ô nhiễm mỗi trường khiến nhiều người phải nghĩ lại.
Báo cáo của hiệp hội bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cho thấy bình quân mỗi hộ gia đình nước này dùng hơn 1.500 lít nước/ngày và số nước dùng cho xả bồn cầu chiếm nhiều nhất với 27%. Tỷ lệ dùng nước nhiều thứ 2 là giặt giũ (22%), tắm rửa (17%), rửa bát và các sử dụng nước từ vòi (16%), nước bị rò rỉ (14%) và những mục đích sử dụng khác.
Hãy ví dụ một ngày chúng ta đi vệ sinh khoảng 4-5 lần với tổng lượng nước thải khỏi cơ thể vào khoảng 1,4 lít. Mỗi lần xả bồn cầu hết khoảng 4,5-6 lít/lần (con số này là 10 lít với những bồn xả thời xưa). Như vậy, chúng ta tiêu tốn khoảng 30 lít nước sạch mỗi ngày chỉ để xả trôi 1,4 lít nước thải của bản thân, một con số thật ý nghĩa.
Nếu xét 1 hộ gia đình có 3 người thì bình quân mỗi người Mỹ tiêu thụ khoảng 50 lít nước/ngày. Như vậy, chúng ta tiêu tốn 60% lượng nước sạch sử dụng hàng ngày chỉ để xả bồn cầu.
Ngày nay, những nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng việc lắp các bồn cầu xả nước chỉ hiệu quả nếu đi kèm các hệ thống xả thải và tái chế tốt, nghĩa là một cơ sở hạ tầng hoàn thiện. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều trung tâm siêu thị hiện nay có chế độ xả nước tự động nhằm tiêu chuẩn hóa mức nước xả mỗi lần để tiết kiệm.
Tuy nhiên, hầu như bất kỳ khu vực nào ngày nay khi xây lắp hệ thống xả thải vệ sinh đều ưu tiên bồn cầu xả nước mà không cần biết biết họ có tái chế được nước thải hay không. Có lẽ, nỗi sợ hãi những thứ mất vệ sinh từ trong cơ thể của chúng ta lớn hơn tới nỗi an nguy của loài người, khi vào một tương lai không xa, thế giới sẽ không còn đủ nước sạch còn môi trường thì ngập trong chất thải của chính con người.
Băng Tâm